(GD&TĐ) - Những năm gần đây, hiện tượng quá tải cục bộ ở một số trường học ở thành phố lớn không còn là chuyện hiếm gặp. Sĩ số học sinh trong lớp tăng sẽ ảnh hưởng nhiều tới chất lượng giảng dạy. Giải quyết bài toán quá tải có trách nhiệm lớn của UBND các tỉnh, thành phố và của cả… phụ huynh.
Sĩ số tăng đột biến
Năm học 2013 - 2014, Hà Nội dự kiến tuyển sinh đầu cấp tăng hơn so với năm học trước. Theo đó, số lượng dự kiến tuyển sinh đầu cấp với khối mẫu giáo là 362.250 trẻ; tuyển sinh tiểu học 125.424 học sinh (HS), tăng 11.000 em so với năm học trước; lớp 6 đạt 86.000 HS.
Theo chỉ đạo của Sở GD&ĐT Hà Nội, các địa phương có dân số tăng cơ học phải đảm bảo yêu cầu nâng cao chất lượng dạy và học, kiên quyết trong việc giảm sĩ số HS trên lớp, đảm bảo chủ trương “3 tăng, 3 giảm”: Tăng quy mô tuyển sinh, tăng chất lượng tuyển sinh, tăng cường cơ sở vật chất các trường học; giảm số HS trái tuyến, giảm số HS trên một lớp, giảm số lớp đối với những trường có số lớp quá lớn. Tuy nhiên trên thực tế sĩ số HS trên một lớp vẫn còn quá đông.
Tại Hà Nội không hiếm gặp những lớp tiểu học với sĩ số 55, 60 HS thậm chí có lớp lên tới 67, 68 HS. Với diện tích phòng học như hiện nay thì các dãy bàn chật kín cả lối đi thậm chí được kê gần sát bục giảng.
Chị Lan có con học tại Trường Tiểu học Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân) chia sẻ: Cách đây 7, 8 năm khi cậu con trai lớn bước vào trường tiểu học sĩ số lớp con chị chỉ có khoảng 40 HS/ một lớp. Vậy mà năm học này mặc dù được biết số lượng HS vào lớp một tại Hà Nội tăng nhiều nhưng khi nhập học cho con chị vẫn bất ngờ vì lớp của con lên tới 63 HS. Đây là một trường mới xây dựng được vài năm, cơ sở khá khang trang nhưng theo chị với số lượng HS đông như vậy sẽ khó khăn cho việc học tập của trẻ. Lớp đông GV không thể kiểm soát và uốn nắn kịp thời từng HS trên lớp.
Chia sẻ về điều này cô Vũ Tố Nga - Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Đặng Trần Côn B cho biết: Vấn đề sĩ số HS trên một lớp đông cũng gây khó khăn trong công tác giảng dạy. Để đảm bảo thật tốt về chất lượng giáo dục, nhà trường đã tạo mọi điều kiện về cơ sở vật chất cũng như động viên các cô giáo cố gắng hơn nữa để làm tròn trách nhiệm giảng dạy và chăm sóc HS.
Quá tải học sinh trong một lớp ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dạy và học |
Khó khăn cho cả thầy lẫn trò
Hiện tượng quá tải cục bộ ở một số địa phương dẫn đến sĩ số lớp cao hơn nhiều so với quy định là có thật. Nguyên nhân chính là do dân số cơ học ở một số quận huyện của thành phố lớn gia tăng mạnh nên địa phương không kịp xây dựng trường. Giải quyết bài toàn này là trách nhiệm của UBND các tỉnh/thành phố.
Với tư cách quản lý, Bộ cũng đã nhắc nhở các địa phương ngay trước các kỳ tuyển sinh song do nhu cầu thực tế quỹ đất dành cho việc xây trường còn hạn chế nên dẫn đến bất cập về số lượng HS trong một lớp quá đông. Bên cạnh đó còn một nguyên nhân từ phía phụ huynh đó là tâm lý bằng bất cứ giá nào cũng phải xin con vào học lớp chọn, chính vì vậy khiến số HS tại các lớp này thường nhiều hơn các lớp khác có khi lên tới 7, 8 HS.
Bà Trần Thị Thắm, Vụ phó Vụ Giáo dục tiểu học cho biết, năm nay để chuẩn bị cho lứa tuổi sinh năm “heo vàng” vào lớp 1 có nơi để học, các địa phương đã có sự chuẩn bị thông qua các điều tra số lượng trẻ từ 0 - 6 tuổi ngay từ cuối năm học trước. Vì vậy hiện nay, trên cả nước không có học sinh nào sinh năm 2007 không có chỗ học, tuy nhiên số lượng tại các lớp vẫn còn đông.
Là một quận có số lượng HS vào lớp 1 tăng khá lớn, để đảm bảo số trẻ trên địa bàn đều được nhập học nên công tác chuẩn bị về cơ sở vật chất và đội ngũ GV được phòng GD&ĐT Thanh Xuân đặc biệt quan tâm. Năm học này phòng giáo dục Thanh Xuân đã đầu tư thêm 17 phòng học tại các trường như Tiểu học Thanh Xuân Trung, Phan Đình Giót, Đặng Trần Côn A, Khương Trung…
Giải pháp tách tuyến giữa các phường giáp ranh để cân đối lượng HS vào lớp 1 cũng đã được áp dụng vì vậy phần nào đã giảm bớt áp lực về số học sinh trên một lớp. Song với số lượng HS ở khu vực này đông nên sĩ số ở các lớp vẫn tăng so với năm học trước.
Cô Lê Thị Hậu, GV Trường Tiểu học Tân Mai chia sẻ: Ở lứa tuổi tiểu học, đặc biệt là lớp 1 các em còn nhỏ nên ngoài việc truyền thụ kiến thức, GV còn phải chăm sóc nhắc nhở các em thường xuyên. Với số lượng HS trong một lớp đông lên tới 55, 60 HS, các GV sẽ vất vả hơn nhiều trong việc quản lý lớp và uốn nắn tới từng HS.
Phần lớn các cô thường phải tranh thủ trong những giờ học buổi chiều để quan tâm hướng dẫn tới những HS tiếp thu chậm hơn. Vì thế mong muốn của GV là các địa phương nên có sự ưu tiên kịp thời tăng cường quỹ đất xây trường giúp các cơ sở giáo dục làm tốt nhiệm vụ giảng dạy ngày càng nâng cao chất lượng giáo dục.
Giải quyết bài toán giảm sĩ số HS trên mỗi lớp bên cạnh việc bố trí quỹ đất hợp lý để xây trường tại các địa phương thì các phụ huynh cũng cần đồng hành với nhà trường để thay đổi tư tưởng lớp chọn mới có thể thực sự tạo sự cân đối về số HS giữa các lớp trong một trường và giữa các trường trong một quận.
Minh Châu