SEQAP tạo động lực cho học sinh vùng khó

GD&TĐ - Sau 4 năm triển khai, Chương trình đảm bảo chất lượng giáo dục trường học (SEQAP) đã mang lại cho các trường tiểu học ở vùng khó những hiệu quả rõ rệt.

SEQAP tạo động lực cho học sinh vùng khó

Những ngôi trường cũ, khó khăn đã được xây thêm phòng học mới, nhà vệ sinh, trang bị cơ sở vật chất đã trở nên khang trang hơn.

Nhiều hoạt động giáo dục thiết thực của nhà trường dành cho học sinh đã được thực hiện. Nhờ sự hỗ trợ của SEQAP, tỷ lệ học sinh bỏ học do hoàn cảnh khó khăn đã giảm đáng kể.

Tỷ lệ học sinh khá giỏi không ngừng tăng

Trường Tiểu học Số 1 Noong Hẻo (Sìn Hồ - Lai Châu) là một trong 40 trường tiểu học của tỉnh được tham gia chương trình. Từ năm học 2011 - 2012 toàn trường đã triển khai dạy học cả ngày  cho học sinh tại điểm trường chính và 4 điểm lẻ của trường theo mô hình học 30 tiết/tuần tăng 8 tiết so với học một buổi/ngày. Đến năm học 2014 - 2015 nhà trường đã thực hiện 35 tiết/tuần ở điểm trường chính cho 226 học sinh và 4 điểm trường lẻ thực hiện T30 với 295 học sinh.

Trò chuyện với chúng tôi, thầy Nguyễn Quang Huỳnh - Hiệu trưởng nhà trường - vui mừng cho biết: Nhờ  sự hỗ trợ của SEQAP, Trường Noong Hẻo đã trở nên “thay da đổi thịt”.

Nhà trường được xây bổ sung phòng học, giáo viên được tập huấn bồi dưỡng chuyên môn để nâng cao năng lực dạy học, học sinh đi học chăm hơn và học được rất nhiều điều thú vị.

Từ khi triển khai chương trình, học sinh được đi học cả ngày, được ăn bữa trưa ngay tại trường nên sức khỏe được đảm bảo, chất lượng giáo dục nhờ thế cũng tăng lên đáng kể.

Khi gặp các phụ huynh học sinh, chúng tôi cũng nhận được sự đồng thuận của họ về việc con em được học cả ngày ở trường.

Bà Lò Thị Khá ở Bản Noong Hẻo 1 - mẹ của hai em Lò Thị Pé và em Lò Văn Chương đang học lớp 3 và lớp 2 tại trường - cho biết: Gia đình hiện đang rất khó khăn, chồng mất sớm, một mình phải nuôi hai con ăn học mà chưa biết trông cậy vào đâu.

Rất may là từ khi có SEQAP, các cháu được học cả ngày, được ăn trưa ngay tại trường và còn được hỗ trợ cả sách vở, đồ dùng học tập. Nhờ các thầy cô quan tâm nên tôi cũng đỡ lo phần nào. May mắn là các cháu rất chăm ngoan, đi học chuyên cần và học lực luôn đạt loại khá, giỏi.

Bà Lò Thị Dượng ở Bản Noong Hẻo 3 cũng có khó khăn về gia cảnh. Chồng mất sớm, bà phải đứng ra gánh vác mọi công việc trong gia đình và nuôi hai con ăn học. Không phụ công mẹ, em Lò Thị Nhung - học sinh lớp 2A2 trong 2 năm liên tiếp đã đạt danh hiệu học sinh giỏi. Hết giờ học ở trường, Nhung về phụ giúp mẹ việc nhà và trông em.

Bà Dượng xúc động nói: Nhờ các thầy cô giáo quan tâm, cháu Nhung được đi học cả ngày, được hỗ trợ ăn trưa ngay tại trường, lại được hỗ trợ sách vở, đồ dùng học tập. Gia đình cũng giảm đi được một phần gánh nặng. Mỗi tối nhìn con ríu rít bài vở, nói mẹ yên tâm, con ở lớp được thầy cô dạy bảo chăm sóc, tôi lại thấy mình có mục đích sống hơn.

Được biết, trong 4 năm học triển khai SEQAP, tỉ lệ học chuyên cần của học sinh ở Noong Hẻo đã tăng lên đáng kể. Hiện nay, tỉ lệ học sinh chuyên cần, buổi sáng cũng như buổi chiều luôn đạt từ 98 - 99% trở lên. Các em hứng thú đi học hơn và tỉ lệ học sinh khá giỏi nhờ đó không ngừng tăng lên.

Một giờ học của cô trò trường tiểu học Số 1 Noong Hẻo
Một giờ học của cô trò trường tiểu học Số 1 Noong Hẻo  

Cộng đồng chung tay giúp sức

Các hỗ trợ của SEQAP đã có ảnh hưởng tốt đến nhận thức của địa phương và cha mẹ học sinh trong việc huy động hết số trẻ em trong độ tuổi ra học, giảm thiểu số học sinh bỏ học do hoàn cảnh khó khăn và cải thiện chất lượng giáo dục.

Chính quyền, nhà trường và cha mẹ học sinh đều nhiệt tình ủng hộ và tích cực tham gia việc tổ chức cho con em được học cả ngày ở trường.

Ông Lò Văn Hương - Bí thư Đảng ủy xã Noong Hẻo cho biết: Ngoài nguồn kinh phí từ SEQAP, chính quyền xã và cha mẹ học sinh đã đóng góp nhiều ngày công và vật liệu xây dựng để xây 16 phòng học kiên cố và 6 phòng học bán kiên cố, xây thêm nhà vệ sinh cho trường.

Hiện nay chỉ còn 2 phòng học tạm và kế hoạch của xã sẽ nâng cấp 2 phòng học này trong thời gian sớm nhất. Đồng thời, chính quyền xã, thôn, ban đại diện cha mẹ học sinh tham gia xét chọn, xác nhận danh sách học sinh nghèo được hỗ trợ ăn trưa từ nguồn kinh phí do SEQAP cung cấp, ban đại diện cha mẹ học sinh còn thường xuyên giám sát quá trình tổ chức ăn trưa cho học sinh...

Thầy Huỳnh, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ thêm: Việc tổ chức, thực hiện dạy học cả ngày ban đầu còn gặp một số khó khăn như việc duy trì sĩ số học buổi 2 đạt tỉ lệ thấp. Nhiều gia đình đông con, có hoàn cảnh khó khăn không muốn con mình đi học cả ngày, cần có người phụ giúp như trông nhà, giữ em, chăn trâu.

Song nhờ làm tốt công tác tuyên truyền rộng rãi từ chính quyền đến các bậc phụ huynh, sự nỗ lực bằng tình cảm, trách nhiệm của các thầy cô giáo trong trường như thường xuyên xuống bản thăm hỏi, động viên gia đình, học sinh với tất cả nhiệt huyết của mình.

Khó khăn nhất của nhà trường trong việc triển khai bán trú cũng như việc dạy học cả ngày là điều kiện cơ sở vật chất còn thiếu như nhà bếp, phòng ăn phòng ngủ cho học sinh, giáo viên  còn thiếu, mới đạt tỷ lệ 1,2 giáo viên/lớp. Do đó việc triển khai công tác bán trú của nhà trường mới thực hiện được ở điểm trường chính, nuôi ăn tuần 2 bữa trưa cho 168 học sinh theo chế độ SEQAP.

Đến nay nhờ cấp ủy, chính quyền, các bậc phụ huynh rất quan tâm và ủng hộ, đóng góp kinh phí, công sức tu sửa trường lớp cho con em, nhà trường đã tăng cường nhiều hoạt động vui chơi bổ ích cho các em nên chất lượng giáo dục, nền nếp, cảnh quan trường lớp ngày càng đổi mới tích cực.

“Nhờ đóng góp của cộng đồng, việc triển khai thực hiện dạy học cả ngày cho học sinh thuận lợi hơn rất nhiều. Các phụ huynh đều thấy được lợi ích thiết thực khi con em họ có môi trường học tập tốt nên đều nhiệt tình ủng hộ” - Thầy Huỳnh khẳng định.

Thực tiễn qua 4 năm hoạt động thực hiện SEQAP tại Lai Châu, các ban đại diện cha mẹ học sinh, chính quyền thôn, xã - nhóm cốt cán cộng đồng là những thành viên có trách nhiệm cùng nhà trường xây dựng và thực hiện kế hoạch hành động chuyển đổi nhà trường từ dạy học 1 buổi/ngày sang dạy học cả ngày.    

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bệnh nhân chỉ uống nước đường phèn pha chanh gừng trong 10 ngày liên tiếp rồi chuyển sang ăn tinh bột. Ảnh: BVCC

Nguy kịch do nhịn ăn gián đoạn

GD&TĐ - Theo bác sĩ ở Bệnh viện Nội tiết Trung ương, việc nhịn ăn gián đoạn và ăn uống mất cân đối không thể hỗ trợ điều trị bệnh đái tháo đường.