Sẽ trình Quốc hội ban hành cơ chế cho 3 chương trình mục tiêu quốc gia

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Tại Kỳ họp thứ 6, Chính phủ sẽ trình Quốc hội ban hành cơ chế "gỡ vướng" cho 3 chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giai đoạn 2021-2025.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải quyết liệt hơn trong việc tổ chức thực hiện các chương trình MTQG. (Ảnh: VGP/Hải Minh)
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải quyết liệt hơn trong việc tổ chức thực hiện các chương trình MTQG. (Ảnh: VGP/Hải Minh)

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình MTQG cho biết thông tin trên tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết tình hình triển khai các chương trình MTQG giai đoạn 2021-2023 và giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, diễn ra sáng 28/8.

Đề xuất của Chính phủ được đưa ra trong bối cảnh tỉ lệ giải ngân mới đạt khoảng 28,7% kế hoạch vốn đầu tư phát triển giai đoạn 2021-2025, do nhiều nguyên nhân khác nhau.

Qua 6 chuyến khảo sát thực tế và làm việc với các địa phương của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang tại 4 vùng trên cả nước trong thời gian vừa qua, cho thấy có nhiều dự án manh mún, quy trình thủ tục phức tạp trong khi năng lực, trình độ của cấp cơ sở nhiều nơi còn yếu, rất dễ dẫn đến rủi ro trong công tác cán bộ.

Các địa phương phản ánh việc giao vốn sự nghiệp đến từng tiểu dự án, chương trình khiến các địa phương không thể điều chuyển vốn từ các dự án chậm tiến độ hoặc không có khả năng giải ngân sang các dự án có tiến độ giải ngân nhanh hơn nhưng thiếu vốn. Đồng thời kiến nghị Trung ương thông báo dự kiến phân bổ vốn sự nghiệp theo giai đoạn 5 năm để địa phương chủ động trong huy động nguồn vốn đối ứng và lập kế hoạch triển khai.

Việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, đất lúa sang mục đích sử dụng khác đòi hỏi nhiều thời gian, công sức; mức hỗ trợ nhà ở (40 triệu đồng/hộ) và xây dựng công trình cấp nước sạch (3 tỉ đồng/công trình) của Trung ương còn thấp, nhất là đối với các địa phương miền núi, các địa phương còn eo hẹp về nguồn lực; một số chỉ tiêu (nước sạch, tỉ lệ hỏa táng…) vượt quá khả năng thực hiện của địa phương.

Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết tình hình triển khai các chương trình MTQG giai đoạn 2021-2023. (Ảnh: VGP/Hải Minh)
Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết tình hình triển khai các chương trình MTQG giai đoạn 2021-2023. (Ảnh: VGP/Hải Minh)

Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải quyết liệt hơn trong việc tổ chức thực hiện, vì thực tiễn cho thấy địa phương nào chủ động, quyết liệt hơn đều có tỉ lệ giải ngân cao hơn.

Các địa phương phải chú trọng nghiên cứu các văn bản mới ban hành, đặc biệt là Nghị định số 38 năm 2023 của Chính phủ; Quyết định số 18 năm 2023 và Quyết định số 4 năm 2023 của Thủ tướng; 6 thông tư cùng với các văn bản hướng dẫn, trả lời kiến nghị của các bộ, cơ quan Trung ương.

Phó Thủ tướng cũng mong muốn các địa phương tăng cường chia sẻ, trao đổi thông tin, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, trong đó có việc huy động nguồn vốn xã hội hóa, đóp góp của Nhân dân, và lồng ghép các nguồn vốn để thực hiện đầu tư có trọng tâm, trọng điểm.

Trong kỳ họp tới, Quốc hội sẽ nghe báo cáo của Đoàn Giám sát về việc thực hiện 3 chương trình MTQG của Chính phủ. Đây là lần đầu tiên Quốc hội thực hiện giám sát các chương trình MTQG ngay trong quá trình triển khai thực hiện.

Phó Thủ tướng giao Bộ KHĐT, cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo, khẩn trương chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan có liên quan tổng hợp các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, đề xuất của các địa phương tại Hội nghị hôm nay, các hội nghị vùng vừa tổ chức và qua tổng hợp của Đoàn Giám sát của Quốc hội, để hoàn tất báo cáo trình Quốc hội tại Kỳ họp tới.

Theo baochinhphu.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Dù nhận thêm loạt vũ khí mới nhưng Ukraine chưa thể ngăn được đà tiến của quân đội Nga.

Đột phá Semyonovka mang đến cơ hội nào?

GD&TĐ - Bộ Quốc phòng Nga hôm 29/4 thông báo quân đội từ Trung tâm Battlegroup đã hoàn thành việc kiểm soát khu định cư Semyonovka ở Cộng hòa Nhân dân Donetsk.
Một góc quần đảo Nam Du. Ảnh: TG

Dạy học nơi đầu sóng

GD&TĐ - Quần đảo Nam Du gồm hơn 20 đảo lớn, nhỏ nằm sát nhau, thuộc sự quản lý của 2 xã: An Sơn và Nam Du (Kiên Hải, Kiên Giang).