(GD&TĐ)-Bộ Tài Chính đang lấy ý kiến đóng góp cho Dự thảo Nghị định về quản lý, đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Theo Dự thảo thì sẽ siết chặt hoạt động đầu tư tài chính của DNNN (ảnh MH) |
Theo đó, doanh nghiệp nhà nước chỉ được đầu tư, góp vốn vào ngân hàng, công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán mỗi lĩnh vực một doanh nghiệp và không vượt quá 10% vốn điều lệ của tổ chức nhận góp vốn. Tổng vốn đầu tư vào các lĩnh vực này không vượt quá 10% vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp.
Dự thảo cũng nêu rõ, nếu trong cùng tập đoàn, tổng công ty, công ty mẹ có các công ty con cùng đầu tư vào các lĩnh vực nêu trên thì tổng mức vốn góp của công ty mẹ và các công ty con trong tập đoàn, tổng công ty, công ty mẹ không vượt quá mức 15% vốn điều lệ của tổ chức nhận góp vốn.
Hội đồng thành viên, chủ tịch công ty có quyền quyết định đầu tư ra ngoài doanh nghiệp tối đa không quá 50% vốn chủ sở hữu. Trường hợp, nguồn vốn đầu tư vượt quá số này phải báo cáo chủ sở hữu xem xét quyết định.
Trường hợp đặc biệt có nhu cầu đầu tư vượt quá quy định này doanh nghiệp phải trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Ngoài ra, doanh nghiệp có mức vốn đầu tư ra ngoài vượt quá mức quy định hoặc đã đầu tư góp vốn vào quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ đầu tư chứng khoán hoặc công ty đầu tư chứng khoán thì trong thời gian 01 năm, kể từ ngày Nghị định có hiệu lực phải có phương án cơ cấu lại mức đầu tư theo nguyên tắc bảo toàn vốn đã đầu tư.
Trường hợp nếu thực hiện phương án cơ cấu lại mức đầu tư theo quy định mà không bảo toàn được vốn đầu tư, doanh nghiệp được tiếp tục duy trì mức đầu tư và thực hiện trích lập dự phòng tổn thất về đầu tư, đồng thời báo cáo chủ sở hữu để theo dõi, giám sát.
Hải Minh