Sẻ chia 'gánh nặng' học phí - nỗ lực từ địa phương

GD&TĐ - Nhiều địa phương đã quyết định dùng ngân sách cấp bù để miễn, giảm học phí cho học sinh...

Nhiều địa phương đã công bố chính sách miễn giảm học phí năm học 2023 – 2024. Ảnh minh họa: INT
Nhiều địa phương đã công bố chính sách miễn giảm học phí năm học 2023 – 2024. Ảnh minh họa: INT

Cùng với ban hành khung học phí mới theo Nghị định 81 của Chính phủ, nhiều địa phương đã quyết định dùng ngân sách cấp bù để miễn, giảm học phí cho học sinh.

Chính sách nhân văn

Năm học 2023 - 2024 là năm thứ 4 TP Hải Phòng thực hiện Nghị quyết 54 2019/NQ-HĐND về chính sách hỗ trợ học phí cho học sinh từ bậc mầm non đến THPT trên địa bàn thành phố. Năm học này, TP Hải Phòng dự kiến chi hơn 400 tỷ đồng để tiếp tục hỗ trợ học phí cho học sinh mầm non, THCS và THPT.

Hải Phòng được xem như địa phương tiên phong trong thực hiện hỗ trợ học phí cho người học. Không chỉ mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, chính sách còn góp phần hiện thực hóa chủ trương mọi người dân được hưởng thành quả phát triển.

Chị Kiều chia sẻ: “Theo quy định mức học phí của thành phố, tôi có 4 con đi học, mỗi tháng phải đóng 400 nghìn đồng. Đó là khoản chi phí không lớn nhưng với hoàn cảnh gia đình tôi hiện tại rất khó để xoay xở. Chính sách hỗ trợ học phí của thành phố và sự quan tâm của nhà trường giúp tôi vơi bớt khó khăn trong trang trải cuộc sống”.

Chị Trần Thị Kiều (thôn An Ninh, xã Vĩnh An, huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng) có 4 con đang độ tuổi đi học. Bản thân không có việc làm ổn định, chồng bị tai biến cách đây 2 năm. Từ ngày có chính sách hỗ trợ học phí của thành phố, gánh nặng kinh tế vơi bớt, chị có thêm tiền để chăm lo bữa ăn cho các con.

Tiếp tục chính sách chia sẻ khó khăn với phụ huynh, học sinh sau đại dịch Covid-19, đảm bảo chính sách an sinh xã hội, Đà Nẵng miễn 100% học phí cho trẻ mầm non và học sinh phổ thông trong năm học 2023 - 2024. Chính sách này không áp dụng với trẻ mầm non và học sinh phổ thông tại cơ sở có vốn đầu tư nước ngoài.

Với các trường ngoài công lập, mức hỗ trợ bằng mức thu học phí của các trường công lập. Tổng số tiền ngân sách dành hỗ trợ là hơn 400 tỷ đồng. Trong số này, ngân sách chi cấp bù nguồn thu học phí cho các trường ngoài công lập khoảng 92 tỷ đồng, số còn lại là trường công lập. Đây là năm thứ 4, Đà Nẵng dùng ngân sách hỗ trợ học phí cho người học.

Mới đây, HĐND tỉnh Quảng Bình thông qua Nghị quyết quy định về thu học phí năm học 2023 - 2024 trên địa bàn. Nghị quyết nhận được sự quan tâm, ủng hộ của đông đảo người dân.

Nghị quyết quy định, năm học này không thu học phí học kỳ I đối với trẻ mầm non và học sinh phổ thông công lập, học viên học tại cơ sở giáo dục thường xuyên theo chương trình giáo dục phổ thông.

Đồng thời, không thu học phí cả năm học 2023 - 2024 đối với trẻ em, học sinh, học viên vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới và miền núi, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển. Theo đó, các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập, giáo dục thường xuyên được ngân sách Nhà nước hỗ trợ 30% số học phí không thu theo quy định để chi hoạt động.

Đây là năm thứ 2 liên tiếp Quảng Bình miễn học phí cho học sinh. Năm học này, tỉnh có hơn 233 nghìn học sinh các cấp; trong đó gần 150 nghìn học sinh công lập được hưởng lợi từ nghị quyết. Mức học phí dao động từ 80.000 - 370.000 đồng/tháng.

Chị Lê Quỳnh Trang (trú ở phường Đức Ninh, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình) có 3 con theo học tại các trường phổ thông. Bước vào năm học, chị phải dành số tiền tương đối lớn vào việc mua sách vở, quần áo cho các con.

Nếu không được miễn học phí học kỳ I, chị phải đóng thêm gần 5 triệu đồng (học phí cho 3 con). Trong khi 2 vợ chồng đều làm công nhân, mức thu nhập khiêm tốn, số tiền trên gần bằng lương tháng của chị. “Nghe thông tin về chính sách miễn học phí học kỳ I đối với học sinh phổ thông, bản thân rất phấn khởi. Chính sách trên đã chia sẻ khó khăn và giảm gánh nặng đối với người dân”, chị Trang bày tỏ.

Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học và THCS Lâm Thủy, tỉnh Quảng Bình khai giảng năm học 2023 - 2024.

Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học và THCS Lâm Thủy, tỉnh Quảng Bình khai giảng năm học 2023 - 2024.

Không ai bị bỏ lại phía sau

Ông Trần Hải Châu - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Bình khẳng định, trong bối cảnh nhiều khó khăn do ảnh hưởng nghiêm trọng của thiên tai, đặc biệt dịch Covid-19 các năm vừa qua, để chia sẻ bớt gánh nặng với người dân, tỉnh đã nỗ lực thực hiện chính sách hỗ trợ học phí.

Quy định này được các cơ quan tham mưu xây dựng kỹ lưỡng trên cơ sở tổng kết thực tiễn việc miễn học phí 2 năm học gần đây; phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh và nguyện vọng của học sinh, phụ huynh; thể hiện sự chia sẻ, đồng hành của cấp ủy, chính quyền với người dân. “Tỉnh mong nhân dân nỗ lực khắc phục khó khăn, đồng hành với ngành Giáo dục và địa phương để tạo điều kiện thuận lợi nâng cao chất lượng dạy và học”, ông Châu bày tỏ.

Năm học này, Trường THCS Bắc Trạch (Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) có 396 học sinh. Ngoài 12 em thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo được miễn học phí thì hơn 380 em hưởng lợi từ chính sách trên. “Khi có thông tin về chính sách miễn học phí học kỳ I, hầu hết phụ huynh bày tỏ phấn khởi bởi đã giảm gánh nặng, khó khăn trong thu nộp đầu năm. Qua đó, nhà trường cũng thoải mái hơn khi tuyên truyền đến phụ huynh”, cô Trần Thị Tú Nga - Hiệu trưởng nhà trường cho hay.

Còn theo ông Nguyễn Văn Phán - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Kiến Thụy (TP Hải Phòng), chính sách hỗ trợ học phí cho học sinh các cấp thể hiện sự quan tâm, chia sẻ của thành phố với người dân trong bối cảnh mức sàn học phí tăng theo Nghị định 81. Việc làm này tạo sự công bằng, bình đẳng cho mọi trẻ em có cơ hội đến trường.

Kiến Thụy là huyện ngoại thành còn nhiều khó khăn. Toàn huyện có gần 600 học sinh các cấp thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, học sinh khuyết tật, mồ côi. Không phải đóng học phí giúp cha mẹ các em giảm bớt khoản chi tiêu trong gia đình, đặc biệt là hộ có hoàn cảnh khó khăn. Chính sách cũng tạo thuận lợi cho các đơn vị giáo dục, đặc biệt trường mầm non trong việc vận động trẻ ra lớp.

Chia sẻ của thầy Trương Công Sơn - Hiệu trưởng Trường THCS Huỳnh Đại Nghĩa (Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng): Theo mức học phí trước đây, nếu thu đủ thì được gần 250 triệu/năm. Tuy nhiên, ngoài em thuộc diện gia đình chính sách được miễn giảm, nhà trường còn chủ động mở rộng thêm cho học sinh ở các trung tâm bảo trợ xã hội, gia đình thuộc hộ cận nghèo, mồ côi cha, mẹ… nên tính ra nguồn thu từ học phí chưa đến 200 triệu/năm. Với mức thu mới, tăng 3 lần so với học phí cũ, nhiều phụ huynh sẽ gặp khó khăn sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Chính vì vậy, việc hỗ trợ học phí liên tục trong hơn 3 năm học vừa qua của Đà Nẵng được ví như “cái ôm” sẻ chia, tiếp sức của chính quyền với người dân. Sau 2 năm bị tàn phá bởi dịch Covid-19, Đà Nẵng luôn là tâm dịch, thời điểm này, cuộc sống của phần lớn người dân còn không ít khó khăn. Hỗ trợ học phí từ nguồn ngân sách là cách để nhân lên niềm tin về sự hồi sinh sau những ảnh hưởng của dịch bệnh.

Ông Võ Hải Quân - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Bố Trạch cho biết, huyện có nhiều xã miền núi. Bước vào năm học 2023 - 2024, do điều kiện kinh tế khó khăn, đời sống người dân ảnh hưởng, nguồn thu nhập hạn chế. Với các hộ gia đình sống vùng khó có đông con, học phí là gánh nặng. Vì vậy, miễn thu học phí trong học kỳ I góp phần hỗ trợ cho người dân, đặc biệt gia đình vùng khó khăn. Tuy nhiên, không thu học phí sẽ phần nào ảnh hưởng đến nguồn kinh phí hoạt động của nhà trường. Bởi kinh phí hoạt động được Nhà nước hỗ trợ chỉ ở mức vừa phải, vẫn dựa vào nguồn thu học phí. Nhà trường sẽ cố gắng tiết kiệm, chỉ sử dụng trong khoản được cấp để chi cho hoạt động của ngành, nhằm chia sẻ khó khăn với người dân.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.