SCOPE MARKETS rầm rộ 'săn mồi', thủ đoạn tinh vi hơn

GD&TĐ -  Sàn chứng khoán có dấu hiệu lừa đảo SCOPE MARKETS đã hoạt động rầm rộ trở lại, thủ đoạn tinh vi hơn.

SCOPE MARKETS rầm rộ 'săn mồi', thủ đoạn tinh vi hơn

Sàn chứng khoán trái phép gắn mác quốc tế

Phản ánh về tòa soạn, chị L.T.H (Hà Nội) cho biết đã bị mất trắng hàng trăm triệu đồng khi tham gia sàn chứng khoán SCOPE MARKETS. Cụ thể, đầu năm 2023, chị nhận được một cuộc điện thoại tự nhận là nhân viên môi giới chứng khoán của sàn quốc tế SCOPE MARKETS.

Sau một thời gian dài gọi điện tư vấn, theo hướng dẫn của nhân viên, chị H. bị thuyết phục mua 2 lệnh mã Mastercard và Tesla với tổng số tiền là 50.000 USD. Chỉ trong vòng 3 ngày, tài khoản của chị “cháy” sạch 50.000 USD dẫn đến thua lỗ.

Nghi vấn sàn SCOPE MARKETS đã can thiệp vào lệnh trong thời điểm giao dịch, chị H. đã liên hệ nhiều lần với bộ phận Hotline của sàn này để làm rõ thắc mắc nhưng đều không liên lạc được.

Đồng cảnh ngộ với chị H, một nạn nhân khác là anh V.N.T cũng đã mở 2 tài khoản tại sàn SCOPE MARKETS với tổng số tiền 30.000 USD. Tuy nhiên, anh T cũng bị thua lỗ hết số tiền này.

Nghi ngờ sàn SCOPE MARKETS đã can thiệp vào lệnh trong thời điểm giao dịch, anh T đã liên hệ với nhân viên hỗ trợ giao dịch lệnh trước đó, nhưng nhân viên này tắt máy và không liên lạc được.

Bức xúc anh đã viết thư khiếu nại lên sàn SCOPE MARKETS phản ánh tài khoản của anh đang giao dịch bị thua lỗ và thiếu sự hợp tác từ phía nhân viên hỗ trợ.

Sau đó, anh nhận được phản hồi từ phía sàn là sẽ cho nhân viên khác liên hệ lại với anh. Thế nhưng, từ đó đến này anh không nhận được bất kỳ phản hồi nào từ sàn giao dịch này.

Giao diện mới nhất của sàn SCOPE MARKETS

Theo tìm hiểu, sau một thời gian hoạt động và bị nhiều người phản ánh, hệ thống sàn GKFX đã “thoát xác” thành hàng trăm sàn có dấu hiệu lừa đảo như ACXFX, SEA Investing, LCM, ACXFX, SCOPE MARKETS, BOSTONMEX... Những sàn này có điểm chung là sử dụng nền tảng giao dịch MT4, MT5.

Các đối tượng cầm đầu thành lập các công ty tuyển dụng, luân chuyển nhân viên khắp 3 miền Bắc- Trung- Nam.

Bên trong những công ty này có một đội ngũ nhân viên chuyên gọi điện thoại mồi chài những người nhẹ dạ, cả tin và một số đối tượng xã hội nhằm đề phòng các nhà đầu tư kéo đến trụ sở khiếu nại.

Thực tế, đã có nhiều nhà đầu tư khi phát hiện mất tiền trắng trợn, có dấu hiệu bị sàn can thiệp đã gửi đơn hoặc tự đến văn phòng khiếu nại đã bị nhân viên các sàn giao dịch hành hung.

Riêng tại địa bàn Thành phố Đà Nẵng, chi nhánh của hệ thống GKFX do Trịnh Văn T. đứng đầu. Trợ giúp cho T. có Phùng Văn Q., Đặng Văn H. và Trần Phương D. (giữ chức kế toán trưởng).

Về hình thức và quy mô hoạt động, mỗi công ty có từ 70 đến 100 nhân viên chăm sóc khách hàng làm việc nhưng bên ngoài 3 văn phòng này luôn trong tình trạng “cửa đóng then cài”.

Nhà đầu tư tại trụ sở của sàn SCOPE MARKETS

Đề nghị xử lý nghiêm sàn chứng khoán có dấu hiệu lừa đảo

Theo đại diện Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, thời gian qua, có hiện tượng một số tổ chức, cá nhân tự nhận là công ty chứng khoán quốc tế hoặc đại diện sàn giao dịch chứng khoán quốc tế hoặc tự tổ chức sàn giao dịch chứng khoán quốc tế (BE Exchange, DK-Trade, FTXtrade.com, LCM, Multibankfx…) kêu gọi, mời chào nhà đầu tư mở tài khoản, gửi tiền vào các ví điện tử, đầu tư vào các loại chỉ số chứng khoán, hợp đồng phái sinh chứng khoán quốc tế trên các sàn giao dịch chứng khoán không phải do Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam và công ty con tổ chức, vận hành.

Hình thức kêu gọi đầu tư phổ biến là thông qua mạng xã hội và trực tiếp điện thoại, nhắn tin, các đối tượng này hướng dẫn nhà đầu tư mở tài khoản, nạp tiền và thực hiện giao dịch thông qua các website, ứng dụng do các đối tượng này tổ chức, vận hành (MT4, MT5, Tradingview...).

Cũng theo thông tin từ các Cơ quan Cảnh sát điều tra và đơn từ khiếu nại của nhà đầu tư, một số đối tượng đã thực hiện can thiệp vào giá mã chứng khoán thông qua ứng dụng do các đối tượng này vận hành dẫn đến nhà đầu tư bị thua lỗ rồi lợi dụng chiếm đoạt tiền đầu tư của họ.

Hiện nay, các nhà đầu tư ở Việt Nam tham gia giao dịch, đầu tư vào các sàn giao dịch chứng khoán trực tuyến dưới 2 hình thức trực tiếp và gián tiếp.

Đối với phương thức giao dịch đầu tiên, nhà đầu tư mở tài khoản trực tiếp trên website của sàn giao dịch và tự thực hiện hoạt động mua/bán chứng khoán quốc tế.

Trong khi đó, nhà đầu tư đầu tư gián tiếp vào chứng khoán trên sàn giao dịch chứng khoán nước ngoài sẽ gửi lệnh mua/bán thông qua cá nhân hoặc tổ chức tự nhận là đại diện của sàn tại Việt Nam và cá nhân/tổ chức này sẽ thay nhà đầu tư chuyển tiền, rút tiền và nhập lệnh lên sàn, thông báo lãi/lỗ, cũng như yêu cầu nhà đầu tư chuyển thêm tiền nếu tài khoản bị lỗ dẫn đến thiếu hụt tài sản ký quỹ.

Danh sách các sàn chứng khoán quốc tế bị phản ánh là lừa đảo

"Theo quy định pháp luật hiện hành về chứng khoán và thị trường chứng khoán, ngoài Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam và công ty con, không tổ chức, cá nhân nào được phép tổ chức và vận hành thị trường chứng khoán" - đại diện Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước thông tin.

Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật cho biết: "Theo Nghị định số 158/2020/NĐ-CP của Chính phủ về chứng khoán phái sinh và thị trường chứng khoán phái sinh, các công ty, tổ chức chỉ thực hiện việc kinh doanh chứng khoán phái sinh sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp giấy chứng nhận".

Theo Luật sư Diệp Năng Bình, việc vi phạm quy định về chứng khoán, quản lý nhân viên, người hành nghề chứng khoán có thể sẽ bị xử phạt rất nặng theo quy định tại Nghị định số 156/2020/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán.

"Nếu các đối tượng đưa ra các thông tin giả nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản của người bị hại thì đây là dấu hiệu của hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tùy theo số tiền chiếm đoạt mà áp dụng các khung hình phạt khác nhau. Mức cao nhất có thể bị phạt tù chung thân", vị Luật sư cho hay.

Hiện nay xuất hiện tình trạng các đối tượng lừa đảo trong lĩnh vực đầu tư tiền ảo, Forex, cờ bạc…đã bắt đầu len lỏi vào trong hệ thống trường học để lôi kéo giáo viên, sinh viên, học sinh tham gia.

Để hạn chế hậu quả của việc làm bất hợp pháp này, Báo Giáo dục và Thời đại bắt đầu triển khai chuyên đề: “Tuyên truyền nhằm làm rõ phương thức, thủ đoạn của các tổ chức lừa đảo chứng khoán, tiền ảo, cờ bạc trá hình” nhằm hạn chế các tác động xấu đến môi trường học đường và nền giáo dục nước nhà.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.