Các sàn ACX, LCM, SEA Investing, DK Trade, Scope Markets có dấu hiệu lừa đảo?

GD&TĐ - Trụ sở của của các tổ chức này luôn trong tình trạng cửa đóng then cài, bảo vệ 'nghiêm ngặt'. Chúng tuyển dụng những bạn trẻ, sinh viên về đào tạo trở thành nhân viên môi giới, chuyên gia chỉ trong…2 ngày.

Hệ thống các sàn “chứng khoán quốc tế” đặt trụ sở tại 3 miền: Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh. Trụ sở của tổ chức này luôn trong tình trạng cửa đóng then cài, bảo vệ nghiêm ngặt bất thường. Chúng tuyển dụng những bạn trẻ, sinh viên về đào tạo trở thành nhân viên môi giới, chuyên gia chỉ trong…2 ngày.

Các sàn ACX, LCM, SEA Investing, DK Trade, Scope Markets có dấu hiệu lừa đảo? ảnh 1

Nạn nhân khi đến địa chỉ 68 Nguyễn Cơ Thạch - trụ sở của 'sàn chứng khoán'

Bên trong các sàn “chứng khoán quốc tế” hoạt động ra sao

Tiếp tục loạt bài vạch trần: “Hệ thống “chứng khoán quốc tế”: ACX, LCM, SEA Investing, DK Trade, Scope Markets…”"Ai đứng sau tổ chức “chứng khoán quốc tế” lớn nhất cả nước?" đang có dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của hàng triệu người Việt Nam.

Hệ thống này hoạt động từ năm 2019, do một người tên NP. đứng đầu. Đặc điểm dễ nhận biết của các sàn chứng khoán có dấu hiệu lừa đảo là hứa hẹn lãi suất cao và giao dịch trên ứng dụng MT4, MT5.

Hiện nay, NP. đã lui về “hậu trường” nhưng chỉ đạo Lê K N (sinh năm 1990, quê miền Bắc) – người đại diện Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư NewStar Việt NamTrần Đ S (sinh năm 1992) – người đại diện Công ty TNHH Dịch vụ DK Cam phụ trách 2 miền Nam Bắc. Trong đó, có một số nạn nhân đã giáp mặt Lê K N và Trần Đ S.

Trợ giúp cho S và N là hệ thống quản lý, nhân viên với những cái tên như Nguyễn Đức N, Trang Ng, Hoàng Tr, Nguyễn Ngọc H, Đào Đức L…Hệ thống này còn “bao nuôi” một đội 'bảo vệ đặc biệt' luôn thường trực tại sàn. Khi có nhà đầu tư đến khiếu nại, chúng cho nhóm này vây đánh.

Đã có nhiều nạn nhân hai miền Nam Bắc bị chúng đánh tại sàn hoặc dàn cảnh va chạm giao thông để đánh nạn nhân. Chúng không từ một thủ đoạn nào nhằm hạ thấp uy tín, danh dự, đe dọa tinh thần, thể xác của nhà đầu tư. Đây là một tổ chức hoạt động phức tạp, vươn vòi bạch tuộc xây dựng chân rết khắp Việt Nam. Theo một thống kê sơ bộ, mỗi tháng, doanh thu từ hệ thống này có thể lên tới hàng nghìn tỷ đồng.

Sau hơn 1 năm điều tra, bức tranh về hệ thống này được phác họa tương đối rõ ràng. Tại các văn phòng, luôn trong tình trạng cửa đóng then cài. Chúng tuyển dụng các bạn trẻ, sinh viên có độ tuổi từ 18-25 tuổi, không yêu cầu bằng cấp, kỹ năng về đào tạo thành nhân viên chăm sóc khách hàng qua điện thoại (telesale).

Trước khi bắt đầu làm việc, nhân sự mới sẽ được đào tạo trong…2 buổi. Trong 2 buổi đó, chúng sẽ sẽ giới thiệu tổng quan về thị trường chứng khoán phái sinh, những ưu điểm của thị trường chứng khoán phái sinh cũng như những thủ đoạn để mời gọi nhà đầu tư. Toàn bộ kiến thức được truyền thụ bằng lý thuyết sách vở và chủ yếu cóp nhặt được trên mạng internet.

Khi bước vào làm việc, leader sẽ gửi cho những thành viên trong nhóm một danh sách số điện thoại mà chúng giới thiệu: “Công ty phải bỏ tiền mua danh sách (data) khách hàng từ bên thứ 3.

Sau khi có danh sách, nhân viên sẽ dùng phần mềm trên máy tính để gọi điện cho khách hàng. Điểm đặc biệt của phần mềm này là chỉ có thể gọi một chiều. Do vậy khách hàng có muốn cũng không thể gọi lại hay phản hồi lại.

Có những khách hàng bực tức đến mức hét vào điện thoại: “Chị không biết vì sao các em có số điện thoại của chị nhưng đừng gọi mời chị tham gia phái sinh nữa. Và các em cũng chấm dứt luôn tình trạng gọi điện làm phiền chị đi”.

Quy trình dụ dỗ, lôi kéo nhà đầu tư mở tài khoản và nạp tiền gồm 3 bước: Canvas, Anti và Sale.

Ở bước Canvas, nhân viên sẽ gọi bất kỳ số điện thoại trong một danh sách khách hàng (gọi là data) được Leader cung cấp.

“Em chào anh! Em gọi từ công ty chứng khoán quốc tế. Hiện nay bên em đang có thông tin tốt về đầu tư chứng khoán xin phép được gửi đến anh qua zalo để anh tham khảo”.

Tại bước Sale, nhân viên sẽ giới thiệu về các chuyên án mà công ty đang thực hiện. Những chuyên án này là những mã cổ phiếu quốc tế sẽ chi trả cổ tức trong thời gian tới.

Sau 3 bước này, nếu khách hàng đồng ý mở tài khoản, chúng sẽ dụ dỗ nạp khoản vốn nhỏ và cho thắng vài lệnh rồi tiếp tục nói nhà đầu tư nạp vốn lớn hơn. Khi nhà đầu tư nạp vốn lớn, chúng sẽ chuyển tài khoản cho bộ phận được gọi là “chuyên gia chứng khoán”.

“Bọn em được các leader giao chỉ tiêu 1 tháng phải đánh cháy 3000 USD tài khoản của khách hàng. Nếu đánh cháy càng nhiều tài khoản thưởng hoa hồng càng lớn”, một nhân viên làm việc tại sàn ASX (số 33 Trần Não, Quận 2, Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết.

Với chiêu thức như trên, chúng đã thàn công trong việc dụ dỗ nhiều đóng, nộp tiền của hàng triệu người Việt Nam. Toàn bộ số tiền có được, các đối tượng cầm đầu chia nhau, mua nhà, mua xe, ăn chơi, hưởng lạc. Trong khi đó, những nạn nhân của chúng thì rơi vào cảnh nợ nần, tan cửa nát nhà. Nhiều trường hợp cùng quẫn đến mức phải tự tử, chết trong uất nghẹn.

Chiêu bài moi tiền của nhưng 'chuyên gia' chứng khoán

Trước tình trạng hoạt động 'mờ ám' của các sàn Forex nhiều như hiện nay, một số chuyên gia khuyên nhà đầu tư nên liên tục cập nhật các thông tin mới nhất về các sàn giao dịch được cấp phép bởi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Đây là cơ quan duy nhất có thẩm quyền cấp phép cho các sàn giao dịch ngoại hối được hoạt động tại Việt Nam.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội cho biết: "Nhằm lách luật, nhiều công ty núp bóng sàn giao dịch nước ngoài, lôi kéo cá nhân đầu tư với lãi suất cao để lừa đảo. 1 tờ giấy đăng ký kinh doanh với số vốn khủng chắc chắn là chưa đủ để chứng minh tính hợp pháp của sàn giao dịch đó".

Nhiều công ty tự xưng là đơn vị trung gian của các sàn giao dịch ngoại hối/chứng khoán nước ngoài. Chúng dùng lãi suất cao bất thường từ 15 - 30%/tháng để dụ dỗ nhà đầu tư.

Theo luật sư, các sàn forex, chứng khoán quốc tế được các đối tượng quản trị thiết kế với các chức năng can thiệp vào tài khoản của các khách hàng.

Admin có thể tự đặt lệnh vào tài khoản khách hàng, thay đổi số dư tiền trên tài khoản; can thiệp vào quá trình đặt lệnh như kéo dài độ trễ của lệnh, kéo giãn khoảng giá mua và bán, “đánh cháy” tài khoản của khách hàng...

Trường hợp nhà đầu tư thắng nhiều, chủ sàn sẽ can thiệp kỹ thuật như chặn quyền truy cập tài khoản, tự đặt lệnh khống, dẫn đến cháy tài khoản và không thể rút được tiền. Cuối cùng, khi đã chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư, các đối tượng đánh sập sàn giao dịch để tránh sự truy vết của cơ quan công an và nhà đầu tư không thể đi đòi tiền..

"Nhà đầu tư trên sàn giao dịch Forex thực chất là chơi với chủ sàn, toàn bộ tiền đánh thua là chủ sàn được hưởng.

Các công ty/cá nhân lừa đảo qua các sàn ngoại hối, chứng khoán quốc tế thường sử dụng loại hình kinh doanh theo phương thức đa cấp", luật sư Hà lưu ý.

Các sàn ACX, LCM, SEA Investing, DK Trade, Scope Markets có dấu hiệu lừa đảo? ảnh 2

Bên trong một sàn giao dịch chứng khoán của hệ thống này

Để xây dựng niềm tin từ khách hàng, những kẻ lừa đảo rất tích cực làm truyền thông xây dựng hình ảnh. Nội dung thường nhấn mạnh vào khả năng thu lợi nhuận với con số “khủng”, liên tục khoe khoang về tài khoản ngân hàng tăng lên nhiều ra sao cùng với hình ảnh lối sống ăn chơi xa xỉ.

Theo quy định của pháp luật, hành vi kinh doanh, môi giới Forex trái phép sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Điều 290, hành vi lừa đảo trong thương mại điện tử, thanh toán điện tử, kinh doanh tiền tệ, huy động vốn, kinh doanh đa cấp qua mạng nhằm chiếm đoạt tài sản có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp: phạm tội 02 lần trở lên; có tính chất chuyên nghiệp; chiếm đoạt tài sản từ 50 - 200 triệu đồng… thì phạt tù từ 02 - 07 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200 đến dưới 500 triệu đồng; gây thiệt hại từ 300 đến dưới 500 triệu đồng… thì bị phạt tù từ 07 - 15 năm.

Nặng nhất, người phạm tội có thể bị phạt tù từ 12 - 20 năm, nếu chiếm đoạt hoặc gây thiệt hại trên 500 triệu đồng.

Hiện nay xuất hiện tình trạng các đối tượng lừa đảo trong lĩnh vực đầu tư tiền ảo, Forex, cờ bạc…đã bắt đầu len lỏi vào trong hệ thống trường học để lôi kéo giáo viên, sinh viên, học sinh tham gia.

Để hạn chế hậu quả của việc làm bất hợp pháp này, Báo Giáo dục và Thời đại bắt đầu triển khai chuyên đề: “Tuyên truyền nhằm làm rõ phương thức, thủ đoạn của các tổ chức lừa đảo chứng khoán, tiền ảo, cờ bạc trá hình” nhằm hạn chế các tác động xấu đến môi trường học đường và nền giáo dục nước nhà.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ