Giải dù lượn quốc tế đã đón hàng vạn du khách về đây. Nếu tính mỗi người dùng hai túi nilon thì hòn đảo này phải gánh thêm trên vai nó hàng tấn rác thải. Nhà máy xử lý rác thải ở đảo vốn dĩ quá tải, giờ lại chất chồng thêm “núi rác” nữa nên khó khăn lại chồng chất khó khăn.
Đứng trước nguy cơ hòn đảo bị ngập rác từ khách du lịch, hơn một năm qua, Đoàn thanh niên ở đảo liên tục phát động phong trào dọn rác, rồi các nhóm thiện nguyện từ đất liền ra đảo để dọn vệ sinh nhưng họ cũng chỉ có thể “sắp xếp rác cho gọn” chứ xử lý triệt để rác thì không thể! Biển quanh rìa đảo mỗi khi trời trong biển lặng có thể nhìn thấy những “dải túi nilon” dập dềnh theo sóng thay cho dải san hô trước đây. Không một loài cá tôm nào có thể sống chung với loại rác thải đáng sợ này.
Mới đây, có dịp trò chuyện với ông Nguyễn Sự, nguyên Bí thư TP Hội An - người rất dị ứng với túi nilon và xử lý khá triệt để với loại rác thải này lúc còn đương chức, vừa tham quan Lý Sơn về. Đề cập đến chuyện xử lý rác thải là túi nilon cho Lý Sơn, ông Sự lắc đầu ngay: “Hô hào chung chung như Lý Sơn đang làm là không bao giờ có thể chấm dứt được tình trạng sử dụng túi nilon bừa bãi như hiện nay. Cần tuyên truyền vận động người dân và khách du lịch hạn chế rồi chấm dứt sử dụng túi nilon khi ra đảo phải kết hợp với chế tài. Song song với đó là phải cung cấp những vật dụng khác để thay thế chứ cấm sử dụng túi nilon mà không tìm lối thoát cho nó thì chúng ta chỉ dừng lại ở những khẩu hiệu thôi”.
Kinh nghiệm từ đảo Cù Lao Chàm cho thấy, chính quyền Hội An đã làm rất quyết liệt xung quanh câu chuyện không sử dụng túi nilon khi ra đảo. Ngoài việc tuyên truyền để du khách hiểu về tác hại của túi nilon, các tàu chở khách kiểm tra rất chặt chẽ từng du khách khi ra Cù Lao Chàm.
Đối với người dân trên đảo Cù Lao Chàm, chính quyền vừa giải thích tác hại của túi nilon vừa cấp không các loại giỏ xách sử dụng lâu dài mỗi khi đi chợ. Vừa ngăn chặn nguồn cung từ du khách, vừa “triệt tiêu” nguồn ô nhiễm tại chỗ như thế, chỉ trong một thời gian ngắn, Cù Lao Chàm đã vắng bóng túi nilon. San hô bắt đầu “mọc” trở lại, cá tôm tụ về, khách du lịch ra đảo Cù Lao Chàm tận hưởng không khí trong lành nên nguồn thu từ du lịch của người dân trên đảo ngày một tăng lên.
Xét về địa lý cũng như lịch sử, địa danh Lý Sơn hấp dẫn du khách hơn Cù Lao Chàm nên việc đón khách du lịch ngày một tăng là điều không lạ. Các lễ hội ở Lý Sơn cũng được tổ chức thường xuyên và ngày một nhiều hơn. Rác, đặc biệt là túi nilon cũng theo đó mà tăng từng ngày. Nếu không có sự quyết liệt và đề ra các giải pháp hữu hiệu, chẳng mấy chốc hòn đảo này sẽ ngập trong rác.