Sau bão lũ lịch sử, nhiều địa phương nỗ lực khắc phục hậu quả

GD&TĐ - Cơn bão số 12 đổ bộ vào khiến 4 địa phương Bình Định, Khánh Hòa, Quảng Ngãi và Thừa Thiên - Huế chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Cùng với đó, những địa phương liền kề cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ của bão số 12 và mưa lũ.

 Sau bão lũ lịch sử, nhiều địa phương nỗ lực khắc phục hậu quả

Bão mạnh đổ bộ cộng với mưa lũ, sạt lở gây thiệt hại nghiêm trọng, do đó, việc khắc phục, tái thiết sau bão lũ là rất quan trọng.

Thống kê đến thời điểm hiện tại, bão số 12 và mưa lũ đã làm hơn 100 người thiệt mạng, mất tích. Bão số 12 gây thiệt hại theo ước tính sơ bộ khoảng 542 tỷ đồng.

Bình Định: Gấp rút triển khai thông luồng lạch ra vào cảng Quy Nhơn

Tại tỉnh Bình Định, hiện nay, công tác thông luồng cảng Quy Nhơn đang được gấp rút triển khai. Trước đó, bão số 12 đã nhấn chìm 2 tàu tại khu vực cảng này, khiến luồng lạch ra vào cảng bị ách tắc.

Theo ông Nguyễn Hữu Phúc, Phó Tổng Giám đốc Thường trực cảng Quy Nhơn, tình trạng nhiều tàu hàng bị chìm tại các vị trí trong vùng luồng lạch ra vào cảng đã làm cho cảng bị “tê liệt” trong mấy ngày nay. Hiện trên các vị trí tại phao số 3 và phao số 5 có 2 tàu đang bị chìm là tàu Nam Khánh 26 và tàu Biển Bắc 16, khiến cho hoạt động ra vào cảng bị ách tắc nên mấy ngày nay hầu như các tàu có trọng tải lớn không thể ra vào cảng để xếp dỡ hàng hóa.

Ngư dân Khánh Hòa đối mặt với vô vàn khó khăn phía trước

Nhiều làng biển tại Khánh Hòa tiêu điều sau bão số 12, ngư dân lo lắng không biết làm gì sinh sống.

Theo thống kê ban đầu, bão số 12 đã gây chìm khoảng 1.400 tàu thuyền của ngư dân Khánh Hòa. Hiện vẫn còn nhiều lồng bè, ghe thuyền của ngư dân bị trôi dạt ngoài biển chưa tìm được, cuộc sống hàng ngàn hộ dân ven biển tỉnh Khánh Hòa đang đối mặt với vô vàn khó khăn phía trước.

Tại Làng biển Ngọc Diêm, xã Ninh Ích, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa, gần như tất cả tàu thuyền đều bị bão nhấn chìm. Một số tàu bị nước cuốn trôi vẫn chưa tìm ra, một số đã được kéo vào bờ và trong tình trạng hư hỏng nặng.

Sau ngập nặng, Hội An đã sạch, đẹp trở lại

Tính đến chiều 9/11, các hoạt động sinh hoạt của người dân tại Hội An đã được trở lại bình thường, rất nhiều khách quốc tế đến tham quan; đồng thời các tuyến đường chính của phố cổ Hội An như Bạch Đằng, Trần Phú, Nguyễn Thái Học, Nguyễn Thị Minh Khai… đã trở lại sạch, đẹp sau trận lũ lịch sử gây ngập nặng những ngày vừa qua.

Theo ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP Hội An, mọi công tác chuẩn bị cho các sự kiện của APEC 2017 đã hoàn thành khoảng 95%. Chúng tôi đã sẵn sàng đón các đại biểu tới tham quan TP xinh đẹp này.

Quảng Ngãi nỗ lực khắc phục hậu quả sau bão

Nhiều nơi trên địa bàn tỉnh nước lũ đang rút, nhưng vẫn còn hàng nghìn hộ dân ở vùng hạ lưu sông Trà Khúc, sông Vệ, Trà Câu đang ngập sâu trong nước. Nhiều khu dân cư ở các huyện Bình Sơn, Tư Nghĩa, Nghĩa Hành và TP Quảng Ngãi vẫn còn ngập nước.

Ngay khi nước có dấu hiệu rút, chính quyền địa phương đã huy động lực lượng thanh niên, quân đội, công an cùng người dân bắt tay ngay dọn dẹp nhà cửa, vệ sinh môi trường, sớm ổn định cuộc sống sau lũ.

Phú Yên đang tích cực khắc phục đoạn hư hỏng trên tuyến đường sắt Bắc-Nam

Tại Phú Yên, tuyến đường sắt Bắc - Nam đi qua địa bàn tỉnh hiện cũng chưa thể thông tuyến do vị trí sạt lở có địa hình hiểm trở.

Theo dự kiến ngày 9/11 sẽ cơ bản khắc phục xong đoạn hư hỏng do sạt lở đất do ảnh hưởng mưa lũ trên tuyến đường sắt Bắc-Nam. Nhưng việc sửa chữa gặp nhiều khó khăn do thời tiết, mưa bão tiếp tục kéo dài khiến ngành đường sắt phải lùi ngày.

Sau khi kiểm tra hiện trường công tác khắc phục hậu quả do bão số 12 gây ra, lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) yêu cầu các đơn vị liên quan tập trung nhân lực, vật lực, hoàn thành sửa chữa giai đoạn 1 bước 1, trả tốc độ 5 km/giờ chậm nhất trong ngày 15/11.

Thành phố Huế tích cực dọn dẹp sau lũ

Sau 4 ngày ngập nặng nước lũ đã rút, thành phố Huế đang nhanh chóng huy động các lực lượng cùng với người dân tổng vệ sinh môi trường dọn dẹp lượng lớn bùn đất cùng rác thải đọng lại trên các tuyến đường, nhằm phòng tránh các loại dịch bệnh.

Công nhân của công ty môi trường và công trình đô thị Huế cho biết, lượng bùn, rác sau lũ đọng lại nhiều gấp nhiều lần ngày thường do đó toàn bộ công nhân của công ty phải làm việc khẩn trương, cố gắng hơn mới giúp thành phố sạch trở lại như trước.

Tỉnh Thừa Thiên – Huế yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế khẩn trương tổ chức triển khai công tác khắc phục hậu quả do lũ, lụt gây ra; Tổ chức thăm hỏi, động viên và hỗ trợ kịp thời đối với các gia đình có người chết, người bị thương theo quy định; Tập trung khắc phục nhà cửa bị ngập, nước rút đến đâu tổ chức dọn dẹp vệ sinh để đảm bảo sinh hoạt trở lại của người dân.

Tin tiêu điểm

Hệ thống HIMARS của Ukraine sẽ được sử dụng để phóng ATACMS.

Canh bạc nguy hiểm với ATACMS

Thế giới
GD&TĐ - Theo chuyên gia quân sự kỳ cựu Nga, Andrey Koshkin, hệ thống phòng thủ nhiều tầng của Moscow luôn sẵn sàng đánh chặn mọi tên lửa, kể cả ATACMS tầm xa.

Đừng bỏ lỡ

AFC khen cổ động viên U23 Indonesia

AFC khen cổ động viên U23 Indonesia

GD&TĐ - Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) hết lời khen ngợi Indonesia sau khi gây địa chấn hạ Hàn Quốc để vào bán kết U23 châu Á 2024.