Sạt lở ở Thủy Điện Rào Trăng 3: Mẹ già cạn nước mắt gọi tên con

GD&TĐ - Từ khi nghe tin, bà Lê Thị Long, xã Hộ Độ, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh khóc ngất, gào thét gọi tên con. Con trai bà được xác định là mất tích khi đang làm việc tại thủy điện Rào Trăng 3 sau vụ sạt lở đất tại đây.

Các nạn nhân đã được đưa vào bệnh viện cấp cứu.
Các nạn nhân đã được đưa vào bệnh viện cấp cứu.

Nỗi đau nơi quê nghèo

Bà Lê Thị Long đau xót khi nhận tin con trai Lê Văn S. tử vong trong vụ sạt lở thủy điện Rào Trăng.
Bà Lê Thị Long đau xót khi nhận tin con trai Lê Văn S. tử vong trong vụ sạt lở thủy điện Rào Trăng.

Liên quan đến vụ sạt lở thủy điện Rào Trăng 3 tại xã Phong Xuân, huyện Phong Điền (Thừa Thiên - Huế), hiện lực lượng chức năng đã tìm thấy thi thể 3 công nhân. Theo nguồn tin ban đầu, 3 nạn nhân này cùng trú tại thôn Xuân Tây, xã Hộ Độ, huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh).

Đến chiều 14/10, lực lượng chức năng đang tiếp tục tìm kiếm nhóm công nhân thi công thủy điện, cùng 13 người trong đoàn công tác của Quân khu 4 vào tiếp cận hiện trường vụ sạt lở thủy điện Rào Trăng 3 đang mất liên lạc. Vụ sạt lở thủy điện này bước đầu đã tìm thấy thi thể của 3 công nhân.

Danh tính 3 nạn nhân này được xác định là: Anh Lê Văn S. (SN 1986); anh Trương Văn N. (SN 1986) và anh Lê Văn H. (SN 1983), cùng trú thôn Xuân Tây, xã Hộ Độ, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh.

Nhiều người dân xã Hộ Độ đã đến tại nhà bà Lê Thị Long (62 tuổi, trú thôn Xuân Tây) sau khi nhận được thông tin con trai Lê Văn S. là nạn nhân đã tử vong trong vụ sạt lở thủy điện Rào Trăng 3. Ngôi nhà cấp 4 của bà Long chật cứng người, ai nấy khuôn mặt thất thần lo âu. Từ trong nhà, bà Long gào khóc gọi tên con trong nỗi đau đớn, xót xa.

Cơn mưa nặng hạt sáng 14/10 trước giờ cơn bão số 7 đổ bộ vào đất liền càng khiến không khí tại các gia đình công nhân mất tích trong vụ sạt lở khu vực thủy điện Rào Trăng 3 ở xã Hộ Độ thêm nặng nề.

Lo lắng, hoang mang và cùng hi vọng về một phép nhiệm màu từ công tác cứu hộ của lực lượng chức năng - đó là tâm trạng chung của các gia đình khi con em họ đang ở đâu đó giữa rừng núi hẻo lánh. Nhiều bà con, chòm xóm đến động viên tinh thần gia đình các công nhân gặp nạn cũng mong ngóng từng dòng thông tin tìm kiếm nạn nhân qua báo đài.

Xe Y tế được huy động.
Xe Y tế được huy động.

Cuộc điện thoại cuối cùng của con trai

Sử dụng máy bay trực thăng để tìm kiếm và tiếp tế lương thực.
Sử dụng máy bay trực thăng để tìm kiếm và tiếp tế lương thực.

Trong ngôi nhà cấp 4 ẩm thấp, bà Long ngồi gục ở góc giường nghẹn ngào kể. Anh S. đi làm tại thủy điện Rào Trăng 3 đã bốn năm theo người chủ thầu cùng xã. Tối 10/10, gia đình bà vừa xem thời sự thì nhận được cuộc gọi điện thoại từ anh S. báo khu vực anh đang ở đang mưa to, gió lớn. “Con tôi báo cùng anh em đang mắc kẹt trên núi, không ra ngoài được”, bà Long nhớ lại.

Đó cũng là cuộc điện thoại cuối cùng bà nhận được từ con mình. Chiều 12/10, dõi theo tin bão lũ ở miền Trung, trong đó có việc xảy ra sự cố ở thủy điện Rào Trăng 3, gia đình bà Long như chết lặng.

Cách nhà bà Long không xa, gia đình bà Lê Thị Hoan (60 tuổi, ngụ thôn Liên Xuân, xã Hộ Độ, huyện Lộc Hà) cũng như đang ngồi trên đống lửa. Con trai Nguyễn Đình Giáp (29 tuổi) làm việc ở thủy điện Rào Trăng 3 vẫn bặt vô âm tín.

Theo bà Hoan, từ chiều 12/10, nghe tin thủy điện nơi con trai bà làm việc xảy ra sạt lở đất, gia đình bà rất nóng ruột. Suốt đêm, vợ chồng bà cố gắng gọi điện thoại cho con trai nhưng không liên lạc được.

“Đến khoảng 10 sáng 13/10, tôi bất ngờ nhận được điện thoại của con trai, nó bảo mẹ yên tâm con đã thoát nạn rồi. Nó bảo cùng với hai công nhân khác chạy được lên núi khi xảy ra sạt lở đất”, bà Hoan kể lại.

Nói được vài câu, điện thoại anh Giáp bỗng không thể liên lạc được nữa. Từng giờ trôi qua, bà Hoan không rời tay khỏi chiếc điện thoại để chờ một cuộc gọi từ con.

“Gia đình tôi và mọi người có con em đang mất liên lạc đều mong lực lượng cứu hộ vượt khó, sớm tìm được người mất tích trở về an toàn”, bà Hoan hi vọng.

Ông Phan Đình Hinh - Bí thư Đảng ủy xã Hộ Độ, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh cho biết, tại xã có hơn 10 người đi làm việc tại thủy điện Rào Trăng 3, trong đó có một số người đang mất tích. Xã đã nhận thông tin có 3 người tử vong trong vụ việc nhưng cơ quan chức năng chưa công bố.

Lực lượng quân đội được tăng cường cao nhất.
Lực lượng quân đội được tăng cường cao nhất.

Tiếp cận hiện trường tìm thấy 19 công nhân và 1 thi thể

Số người mất tích được công bố chính thức là 30 người. Trong đó có nhóm 13 người gồm các cán bộ, chiến sĩ thuộc Bộ Tư lệnh Quân khu 4 và lãnh đạo địa phương đi kiểm tra, xác minh sự việc. 17 người là công nhân thủy điện Rào Trăng 3. 

Đoàn công tác đến thủy điện Rào Trăng 3 để cứu hộ gồm 21 người. Trước khi tiến sát vào hiện trường, đoàn thuộc Bộ tư lệnh Quân khu 4 và UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tổ chức đi kiểm tra, khảo sát để xác minh thông tin và cứu hộ sau khi nhận được tin báo của người dân về sự cố.

Sư đoàn không quân 372 thuộc Quân chủng PK – KQ đã điều động 2 trực thăng sẵn sàng cùng tham gia cứu hộ. Hàng trăm chiến sĩ và lực lượng chức năng cùng nhiều phương tiện được điều động đến hiện trường. Hai chiếc trực thăng được điều động gồm: Một chiếc Mi17 và một chiếc Mi171 ra sân bay Phú Bài nằm chờ lệnh để cất cánh.

Đội chó nghiệp vụ tìm kiếm cứu nạn của Trường Trung cấp 24 Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã hành quân vào Thừa Thiên - Huế thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn tại khu vực thủy điện Rào Trăng 3. Hàng cứu trợ cho các công nhân, đoàn công tác cứu hộ, cứu nạn tại khu vực thủy điện Rào Trăng 3 đã được thực hiện ngay chiều nay 14/10. 

Đến khoảng 13 giờ 50 phút, 19 công nhân thuộc thủy điện Rào Trăng 3, Rào Trăng 4 và 1 thi thể đã được xe cấp cứu đưa ra khỏi hiện trường. 

Như đã thông tin, 12 giờ ngày 12/10, một người dân điện thoại trực tiếp cho ông Phan Thiên Định, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, thông báo lúc 12 giờ ngày 11/10 đã xảy ra vụ sạt lở núi, vùi lấp nhà điều hành thủy điện Rào Trăng 3. Nhận được thông tin, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tổ chức đoàn công tác 21 người đến hiện trường để kiểm tra, tìm phương án ứng cứu.

Lúc 14 giờ ngày 12/10, đoàn xuất phát từ cơ quan Huyện ủy Phong Điền đi thủy điện Rào Trăng 3, đến 16 giờ cùng ngày đến ngầm tràn 71 nhưng ô tô không qua được. Sau đó, đoàn để lại ô tô đi bộ vào thủy điện Rào Trăng 3 khoảng 13 km.

Đến 21 giờ cùng ngày, đoàn đến tiểu khu 67, Trạm kiểm lâm Sông Bồ. Lúc 22 giờ ngày 12/10, đoàn dừng nghỉ tại nhà kiểm lâm. Dãy nhà gồm 4 gian trong đó có 3 gian nghỉ và 1 gian bếp.

Đến 0 giờ ngày 13/10, khu vực đoàn cứu hộ cứu nạn dừng nghỉ có tiếng nổ lớn, sụt núi, đất đá trùm lên tòa nhà đoàn đang nghỉ khiến 13 người mất tích (11 cán bộ quân đội và 2 cán bộ địa phương), 8 người khác thoát được ra ngoài. Trong số những người mất tích có Thiếu tướng Nguyễn Văn Man, Phó Tư lệnh Quân khu 4.

Đã có 5 công nhân được cứu nạn và đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Phong Điền chiều 13/10. Có 40 công nhân của thủy điện Rào Trăng 3 đã được xác định an toàn. Tiếp tế lương thực bằng đường thủy trong điều kiện các tuyến đường bộ đi lên khu vực trên bị sạt lở nghiêm trọng. 

Công tác cứu nạn đang được gấp rút triển khai nhanh nhất để tìm kiếm những người bị nạn gồm 17 công nhân của thủy điện Rào Trăng 3 và 13 cán bộ chiến sĩ bị nạn khi trên đường đi ứng cứu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.