Sắp xếp đội ngũ giáo viên sao cho cân bằng nguyện vọng và thực tế

GD&TĐ - Việc trao quyền lựa chọn nhóm môn học cho học sinh ở lớp 10 Chương trình GDPT 2018 còn dẫn đến tình trạng thừa – thiếu giáo viên cục bộ.

Giáo viên tổ Sinh học, Trường THPT Trần Phú (Đà Nẵng) đảm nhiệm một chuyên đề Giáo dục địa phương thuộc lớp 10 Chương trình GDPT 2018. Ảnh: ITN
Giáo viên tổ Sinh học, Trường THPT Trần Phú (Đà Nẵng) đảm nhiệm một chuyên đề Giáo dục địa phương thuộc lớp 10 Chương trình GDPT 2018. Ảnh: ITN

Ở miền núi, học sinh lớp 10 Chương trình GDPT 2018 có nhu cầu đăng ký môn lựa chọn theo hướng nghiêng về các môn Khoa học xã hội trong khi ở thành phố thì ngược lại. Điều này khiến các trường học đứng trước bài toán sắp xếp đội ngũ, điều tiết như thế nào để cân bằng giữa nguyện vọng của học sinh và thực tế giáo viên.

“Cung”, “cầu” lệch pha

Thầy Phạm Thạch Sinh – Hiệu trưởng Trường THPT Bình Sơn (huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) - cho biết: “Chương trình GDPT 2018 trao quyền chủ động cho người học mà tiêu biểu là việc lựa chọn các môn học. Đây là cơ hội để học sinh hình thành năng lực và thực hiện được năng lực đó; định hướng được nghề nghiệp tương lai khi bước chân vào bậc học này”.

Cho dù Trường THPT Bình Sơn xây dựng các nhóm môn học lựa chọn để vừa đảm bảo nhu cầu lựa chọn của học sinh, phù hợp với điều kiện đội ngũ, cơ sở vật chất hiện có nhưng vẫn có bị động nhất định.

Một số nhóm môn, số học sinh đăng ký học lớn khiến nhà trường gặp khó khăn trong tập trung đội ngũ và biên chế lớp. Theo thầy Phạm Thạch Sinh, học sinh đăng ký nhóm môn lựa chọn có môn Sinh chỉ đủ biên chế thành 2 lớp ở khối lớp 10 năm học 2023 – 2024. Môn Âm nhạc mới có hơn 20 em đăng ký theo học.

Việc trao quyền lựa chọn nhóm môn học cho học sinh ở lớp 10 Chương trình GDPT 2018 còn dẫn đến tình trạng thừa – thiếu giáo viên cục bộ. Thầy Phạm Thạch Sinh phân tích, sự thừa – thiếu này, nhà trường không thể dự báo trước cho từng năm học mà tùy thuộc vào thực tế học sinh đăng ký chọn nhóm môn học sau khi trúng tuyển vào lớp 10. Như năm học 2023 - 2024, số học sinh đăng ký theo học nhóm môn lựa chọn nghiêng về Khoa học tự nhiên của Trường THPT Bình Sơn chiếm khoảng 55%.

Trong khi đó, ở hướng ngược lại, ông Phùng Văn Huy - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Nam - cho biết, với các trường THPT vùng miền núi, đa phần học sinh lựa chọn nhóm môn Khoa học xã hội dẫn đến các trường thiếu giáo viên môn học này và thừa giáo viên môn Khoa học tự nhiên.

Tương tự, Trường THPT Trần Phú (Đà Nẵng) từ chỗ dự kiến năm học 2023 - 2024 chỉ biên chế 2 lớp 10 với nhóm môn lựa chọn gồm Vật lý - Hóa học - Tin học - Công nghệ (Công nghiệp) đã phải điều chỉnh thành 4 lớp do số lượng học sinh đăng ký quá đông.

Vì vậy, để đủ định mức 17 tiết/tuần, ban giám hiệu các trường có giải pháp bố trí giáo viên dôi dư đảm nhận dạy phần giáo dục địa phương, hoạt động trải nghiệm – hướng nghiệp và làm các phần việc kiêm nhiệm khác.

Giáo viên tổ Sinh học, Trường THPT Trần Phú (Đà Nẵng) đảm nhiệm một chuyên đề Giáo dục địa phương thuộc lớp 10 Chương trình GDPT 2018. Ảnh: ITN

Giáo viên tổ Sinh học, Trường THPT Trần Phú (Đà Nẵng) đảm nhiệm một chuyên đề Giáo dục địa phương thuộc lớp 10 Chương trình GDPT 2018. Ảnh: ITN

Chuyển từ giáo viên đơn môn sang đa môn

Chuẩn bị cho năm học 2023 - 2024, toàn bộ giáo viên tổ Hóa học của Trường THPT Nguyễn Hiền (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) được cử đi tập huấn nội dung dạy - học hoạt động trải nghiệm. Ngoài 1 giáo viên kiêm nhiệm chức danh tổ trưởng, 1 giáo viên kiêm nhiệm làm Phó Bí thư Đoàn trường, số giáo viên còn lại của tổ Hóa sẽ được phân công làm giáo viên chủ nhiệm.

Cô Trần Thị Minh Huệ - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hiền - chia sẻ: “Trong phân công nhiệm vụ với số giáo viên không đủ định mức tiết dạy/tuần, chúng tôi chủ trương không chồng chéo và không làm khó thầy cô. Khi xây dựng các nhóm môn lựa chọn, phải tính đến yếu tố cân đối của từng bộ môn để giáo viên vẫn dạy - học với số lượng tiết nhất định, đúng với chuyên môn”. Như giáo viên dạy môn Sinh học sẽ đảm nhận thêm môn học Công nghệ (Nông nghiệp trồng trọt); giáo viên môn Vật lý dạy thêm môn Công nghệ (Công nghiệp thiết kế).

Do có chưa đến nửa số học sinh của biên chế lớp truyền thống đăng ký theo học Âm nhạc nên số tiết dạy trên thực tế của giáo viên bộ môn này tại Trường THPT Bình Sơn chỉ có 2 tiết/tuần. Thầy Phạm Thạch Sinh cho hay, nhà trường sẽ tập huấn để giáo viên bộ môn hỗ trợ Đoàn trường trong tổ chức hoạt động trải nghiệm, tham gia tổ tư vấn tâm lý học đường… nhằm đủ định mức tiết dạy/tuần.

Tại Trường THPT Hướng Phùng (Hướng Hóa, Quảng Trị) khi xây dựng nhóm môn lựa chọn, nhà trường biên chế 1 lớp nghiêng về môn Khoa học tự nhiên đơn thuần và 1 lớp nghiêng về môn Khoa học xã hội. Điều này, theo thầy Hiệu trưởng Nguyễn Hữu Thịnh, để phục vụ những học sinh xác định được môn học sở trường và nguyện vọng nghề nghiệp sau này. Với 2 lớp còn lại, các môn lựa chọn có sự xen kẽ để đảm bảo cân đối trong đội ngũ.

Hiện, Trường THPT Hướng Phùng còn thiếu 0,3 giáo viên so với nhu cầu dạy học thực tế. Vì vậy, bài toán sắp xếp đội ngũ không quá căng thẳng dù trường chỉ có 11 biên chế lớp/3 khối lớp.

Thầy Thịnh ví dụ: “Như với môn Hóa học, trường có 2 giáo viên. Nếu chỉ tính số tiết đứng lớp/tuần sẽ dôi dư nhiều. Nhưng 2 giáo viên này đều làm công tác kiêm nhiệm như giáo viên chủ nhiệm, Bí thư Đoàn trường. Với 2 giáo viên môn Sinh học thì một người làm tổ trưởng tổ chuyên môn kiêm Ban chấp hành Công đoàn, quản lý cơ sở dữ liệu ngành nên đã giảm được 12 - 13 tiết/tuần, số tiết thực dạy chỉ còn khoảng 6 - 7 tiết”.

Ngành Giáo dục Quảng Trị đang ưu tiên giải bài toán thừa – thiếu giáo viên cục bộ bằng cách luân chuyển, biệt phái giáo viên giữa các trường. Như Trường THPT Hướng Phùng, một giáo viên Toán được biệt phái từ Trường THPT Vĩnh Định vào năm trước và năm nay tiếp tục ở lại.

Làm việc với Sở GD&ĐT Đà Nẵng về triển khai Chương trình GDPT 2018, ông Nguyễn Văn Quảng – Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đề nghị Sở GD&ĐT Đà Nẵng cần rà soát để chủ động điều tiết đội ngũ giáo viên giữa các trường, địa phương với nhau để khắc phục tình trạng thừa – thiếu cục bộ theo từng năm học.

Nếu chỉ bó hẹp đội ngũ trong từng trường sẽ rất khó vì học sinh chọn nhóm môn học lựa chọn mỗi năm mỗi khác, nên phải xây dựng cơ chế để có sự liên kết giữa các trường. Ngoài ra, chú trọng đẩy mạnh bồi dưỡng, tự bồi dưỡng trong đội ngũ giáo viên để đáp ứng với sự dịch chuyển từ dạy đơn môn sang đa môn như hiện nay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.