Sắp xếp điểm trường, lớp học: Giải pháp nâng chất giáo dục vùng khó

GD&TĐ - Học sinh được học trong điều kiện cơ sở vật chất khang trang, chất lượng giáo dục nâng cao, hoạt động bán trú đảm bảo… đó là kết quả ban đầu từ việc sắp xếp lại điểm trường lớp học mà Trường TH Lóng Sập, xã Lóng Sập, huyện Mộc Châu – Sơn La thực hiện thành công. Những kinh nghiệm rút ra có thể vận dụng cho nhiều trường học vùng khó khi bước vào “dồn điền đổi thửa” trong giáo dục.

Bữa sáng của HS Trường TH Lóng Sập. Ảnh: Thanh Long
Bữa sáng của HS Trường TH Lóng Sập. Ảnh: Thanh Long

Không để học sinh thiệt thòi

Trường TH Lóng Sập, xã Lóng Sập huyện Mộc Châu (Sơn La) không khí như rộn ràng hơn khi học sinh của 3 điểm trường lẻ đã được sắp xếp ổn định việc học tập, nội trú tại trường trung tâm.

Cô giáo Phạm Thị Huệ - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Năm học này trường có 592 học sinh; 56 CBGV. Trước đây, trường có tổng số 12 điểm trường lẻ thì 2 năm gần đây sau khi dồn ghép thành công 3 điểm trường lẻ về trường trung tâm số điểm trường đã giảm xuống còn 9 (trong đó 1 điểm trung tâm và 8 điểm lẻ).

Những năm học trước, cơ sở vật chất tại hầu hết điểm trường lẻ dù đã được chính quyền xã và nhà trường hết sức quan tâm song không tránh khỏi thiếu thốn. Giáo viên dạy học tại các điểm lẻ phải đi lại trên những con đường nguy hiểm, xa xôi. Học sinh tại điểm lẻ không được học bán trú dẫn tới tình trạng trốn bỏ học nhiều… Điều đó, dẫn tới tỉ lệ chuyên cần và chất lượng dạy học không đạt hiệu quả như mong muốn.

Để nâng cao chất lượng giáo dục, giúp HS có cơ hội học tập sinh hoạt trong điều kiện tốt nhất bên cạnh hàng loạt giải pháp được tiến hành thì vấn đề sắp xếp lại điểm trường lớp học hợp lý được BGH Trường TH Lóng Sập xác định như việc làm cần thiết và quan trọng. Chính vì vậy, từ năm học 2017 – 2018, BGH và toàn thể đội ngũ GV nhà trường đã quyết tâm thực hiện.

Song trên thực tế Trường TH Lóng Sập là trường thuộc vùng 2 biên giới đặc biệt khó khăn để bước vào thực hiện “dồn điền đổi thửa” điểm trường lớp học đã đặt ra cho BGH, PHHS hàng loạt thách thức về cơ sở vật chất, chế độ bán trú; sự đồng thuận của PHHS khi phải cho con em đi học xa…

Tuy nhiên không thể vì khó khăn mà HS chịu thiệt thòi, để chất lượng giáo dục giảm sút.

Đối diện cùng thách thức

Phòng bán trú của HS được đảm bảo tốt nhất. Ảnh: Thanh Long
Phòng bán trú của HS được đảm bảo tốt nhất. Ảnh: Thanh Long 

Năm học 2017 – 2018 là năm học đầu tiên Trường TH Lóng Sập bắt tay sắp xếp lại các điểm trường lẻ. Ba điểm trường lẻ là Buốc Quang, Buốc Bác, Pha Nhên sau khi xem xét về cơ sở vật chất, sĩ số học sinh, điều kiện tự nhiên… đã được chọn dồn ghép về trường trung tâm.

Có thể thấy, mặc dù việc dồn ghép các điểm trường lẻ về trường chính giúp HS có điều kiện được học tập và chăm sóc tốt hơn nhưng hàng loạt khó khăn thách thức đặt ra buộc nhà trường phải giải quyết tức thì.

Cô Phạm Thị Huệ - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Quá trình làm công tác vận động chuyển con về điểm trường chính, không ít PHHS tỏ ra thiếu tin tưởng thậm chí yêu cầu phải được tận mắt chứng kiến và thăm chỗ học hành ăn ngủ của con ở trường. Nếu không đảm bảo sẽ không cho con đi học tiếp... Những tâm tư, yêu cầu ấy của PHHS hoàn toàn chính đáng và có thể hiểu. Vì vậy, BGH nhà trường phải bằng mọi cách để chuẩn bị tốt nhất về cơ sở vật chất, tạo sự yên tâm, niềm tin và đồng thuận từ PHHS.

Trước tiên, để hơn 40 HS ở điểm trường chuyển về học tập, sinh hoạt, trường phải tăng cường cả số phòng học và phòng bán trú trên cơ sở vật chất đang có. Hàng loạt các phòng chức năng như phòng hội đồng, hiệu trưởng, thư viện… được dọn dẹp để biến thành phòng học và phòng bán trú. Giường chiếu, chăn màn cho phòng bán trú được nhà trường huy động thêm từ nhiều nguồn khác nhau: Kêu gọi giáo viên đóng góp hỗ trợ, các cá nhân và nhà từ thiện cùng chung tay.

Khó khăn khác, số HS của bản Pha Nhên được chuyển về điểm trường chính hoàn toàn nằm trong diện không được hưởng chế độ bán trú mà việc đóng góp tiền ăn bán trú ngày 3 bữa nằm ngoài khả năng của gia đình HS. Nếu không được hỗ trợ chắc chắn các gia đình sẽ cho con nghỉ học. Để tháo gỡ vấn đề này, nhà trường đã kêu gọi Đồn Biên phòng Lóng Sập giúp đỡ HS bữa ăn sáng, còn đó GV đóng góp năm mười nghìn đồng/người/tháng từ lương để lo bữa trưa và tối cho HS.

Nhà trường cũng kêu gọi PHHS cùng góp củi, thầy cô giáo giúp đỡ về rau xanh. Ngoài ra, trường còn nhận đỡ đầu hoàn toàn việc học tập sinh hoạt tại trường với một số HS có hoàn cảnh đặc biệt. Với sự chung tay góp sức từ gia đình, nhà trường, xã hội nên hoạt động bán trú của học sinh ở các điểm trường lẻ dồn về và tại điểm trường trung tâm đã cơ bản được đảm bảo.

Cũng theo cô Phạm Thị Huệ, đến nay sau 2 năm thực hiện sắp xếp lại điểm trường lớp học thành công đã giúp ổn định sĩ số học sinh trên lớp, việc GD kĩ năng sống cho HS được tăng cường… góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, HS không còn bỏ học và được giáo dục một cách toàn diện.

Điều quan trọng khác từ việc sắp xếp lại điểm trường lớp học hiệu quả, đó là lấy được niềm tin của PHHS khi cho con về học bán trú ở các điểm trường trung tâm xa hơn. Công tác vận động PHHS trong quá trình sắp xếp lại trường lớp giảm khó khăn. Chỉ cần nhà trường thông qua về chủ trương thì PHHS đồng thuận thực hiện.

    Theo đánh giá của ông Ngô Ngọc Toàn – Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Mộc Châu: Sắp xếp lại điểm trường, lớp học hiệu quả hợp lý của Trường TH Lóng Sập đã đạt được hiệu quả giáo dục cao cũng như tạo được sự đồng thuận từ PHHS và xã hội. Thời gian tới, Phòng GD&ĐT huyện Mộc Châu sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân về tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện thông qua sắp xếp lại điểm trường, lớp học hợp lý; tạo sự đồng thuận, ủng hộ và tự giác thực hiện của PHHS. Đồng thời kêu gọi nguồn lực xã hội hóa trong giáo dục để hoàn thiện cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng dạy và học… 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hầm biogas nơi 3 người tại Đồng Nai gặp nạn.

Phòng tránh ngạt khí trong hầm biogas

GD&TĐ - Việc sử dụng hầm biogas tiềm ẩn không ít rủi ro nếu không tuân thủ đúng quy tắc an toàn khi vận hành. Thủ phạm gây ngộ độc khí gas là oxit carbon (CO).
Mẫu viên nang điều trị mất ngủ có thành phần từ dược liệu: Xấu hổ, vông nem, hậu phác nam và cam thảo nam.

Viên nang dược liệu chữa mất ngủ

GD&TĐ - Các nhà khoa học Đại học Y Dược TPHCM đã nghiên cứu bào chế viên nang hỗ trợ điều trị mất ngủ có thành phần từ dược liệu.
Minh họa/INT.

Phê bình nghệ thuật đang ở đâu?

GD&TĐ - Một thực tế khá phổ biến trong đời sống sinh hoạt nghệ thuật là các nhà phê bình lặng lẽ “đi trốn”, phó mặc “sân chơi” truyền thông, mạng xã hội.