Việc Masan đầu tư nhà máy chế biến thịt lợn quy mô lớn tại Hà Nam không chỉ nhằm đưa sản phẩm thịt lợn của Việt Nam đủ sức cạnh tranh tại thị trường trong nước, sớm vươn ra xuất khẩu, mà còn là kỳ vọng tạo hạt nhân thu hút tiêu thụ lợn cho người chăn nuôi lợn tại tỉnh Hà Nam nói riêng cũng như các tỉnh thành lân cận ở phía Bắc.
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, dự án của Masan tại Hà Nam là một điển hình về dây chuyền công nghệ hiện đại, quy mô công suất lớn. Vì vậy, Tập đoàn Masan cũng không thể tự sản xuất đủ nguyên liệu cho chế biến của nhà máy. Cụ thể giai đoạn I, Masan chỉ sản xuất với công suất khoảng 230.000/năm. Như vậy, để đủ nguyên liệu cho chế biến thì Masan sẽ phải tổ chức liên kết chăn nuôi cùng với người dân.
Bộ NN&PTNT cũng đề nghị Tập đoàn Masan nghiên cứu phương thức hợp tác kinh tế trong liên kết sản xuất với người dân, đầu tư cho các hộ liên kết như con giống, thức ăn, chuyển giao công nghệ… để sản xuất theo quy chuẩn của Masan, bảo đảm người dân có việc làm và doanh nghiệp có nguyên liệu chế biến đủ sức cạnh tranh.
Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương đã xác định thịt lợn là mặt hàng cần phải ưu tiên mở cửa thị trường tiêu thụ. Theo đó, bên cạnh việc tổ chức lại hệ thống phân phối, tiêu thụ bài bản cho thị trường trong nước, đã và đang có nhiều hoạt động xúc tiến, khảo sát, đàm phán tháo gỡ vướng mắc với nhiều nước trong khu vực nhằm xuất khẩu các sản phẩm thịt lợn.