Sáp nhập ngân hàng: Vietcombank gọi tên ai?

Với mục tiêu trở thành ngân hàng số 1 Việt Nam, Vietcombank đang cẩn trọng lựa chọn "ứng cử viên"sáng giá để tiến hành sáp nhập.

Vietcombank lựa chọn phương án "chậm mà chắc" trong "công cuộc" sáp nhập
Vietcombank lựa chọn phương án "chậm mà chắc" trong "công cuộc" sáp nhập

Theo tuyên bố của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), nửa đầu năm 2015 là thời điểm hoạt động M&A ngân hàng sẽ được triển khai quyết liệt nhằm tái cơ cấu hệ thống tài chính.

Tại hội nghị tổng kết gần đây của Vietcombank, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cũng tái khẳng định: Quá trình tái cơ cấu, trong đó có hoạt động M&A ngân hàng sẽ được triển khai quyết liệt trong 6 tháng đầu năm 2015. Các ngân hàng lớn, trong đó có Vietcombank phải cùng NHNN tham gia quá trình tái cơ cấu, sáp nhập ngân hàng.

Trong khi hai "đại gia" Vietinbank và BIDV đều đã công bố và lên kế hoạch sáp nhập với các ngân hàng yếu kém hơn thì Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) vẫn chưa “hé lộ” tên ngân hàng sẽ sáp nhập chung với mình.

Sáng ngày 24/4, tham gia Đại hội đồng cổ đông thường niên lần thứ 8 năm 2015 của Vietcombank, trao đổi với cổ đông, ông Nghiêm Xuân Thành - Chủ tịch HĐQT Vietcombank - cho hay: 

Tại ĐHCĐ bất thường tháng 12 năm ngoái, ngân hàng đã xin ý kiến cổ đông cho chủ động tìm kiếm, hợp nhất, sáp nhập với tổ chức tín dụng khác khi có điều kiện. 

Tuy nhiên, "đến thời điểm này, do phải tìm hiểu nên ban lãnh đạo ngân hàng vẫn chưa có phương án nào cụ thể. Khi tìm được đối tác chính thức, chúng tôi sẽ thông báo cổ đông sau”, ông Thành khẳng định.

Không những vậy, lãnh đạo Vietcombank cũng cho rằng, tổ chức mà ngân hàng tìm kiếm sáp nhập phải đáp ứng đủ các tiêu chí như sau khi sáp nhập vào phải tăng quy mô, tăng vốn nên sẽ không lựa chọn ngân hàng bị âm vốn. Bên cạnh đó, ngân hàng được sáp nhập vào phải có mạng lưới bổ trợ cho Vietcombank để tăng quy mô và củng cố uy tín.

Tính đến cuối năm 2014, tổng tài sản của Vietcombank đạt 568.000 tỷ đồng, tăng 23% so với năm 2013. Dư nợ tín dụng đạt 326.000 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế năm 2014 đạt 5.876 tỷ đồng, tăng 2,3% so với năm 2013.

Năm 2015, ngân hàng đặt kế hoạch tăng 11,5% tổng tài sản lên 643 nghìn tỷ đồng; tín dụng tăng trưởng 13%; huy động vốn tăng 12%; tỷ lệ nợ xấu dưới 2,5%. Lợi nhuận trước thuế dự kiến là 5.900 tỷ đồng, tăng nhẹ so với năm 2014.

“Chúng tôi đang hướng tới mục tiêu ngân hàng số 1 tại Việt Nam (xét về quy mô và chất lượng) nên phải tìm kiếm đối tác sáp nhập một cách kỹ lưỡng, thận trọng” - Lãnh đạo Vietcombank nhấn mạnh.

Cho đến nay, vị trí ngân hàng số một tại Việt Nam vẫn chưa được thiết lập và xác định một cách cụ thể nhất, về tên tuổi và các tiêu chí so sánh, và hơn hết là có sự thay đổi vị trí qua các quá trình.

Về quy mô mạng lưới và tổng tài sản, đến nay Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) vẫn là lớn nhất. Nhưng nếu về quy mô vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu, đặc biệt là về con số lợi nhuận tuyệt đối, thì VietinBank đang dẫn đầu.

Liên quan đến con số lợi nhuận tuyệt đối, nhiều năm trước Vietcombank khẳng định vị trí số một một cách vững chắc, khi lợi nhuận 4 ngân hàng xếp sau cộng lại mới có thể so sánh với họ. Nhưng những năm gần đây, tăng trưởng lợi nhuận của Vietcombank thấp, trong khi VietinBank bứt phá và vượt trôi.

Hai năm gần đây, lợi nhuận VietinBank khựng lại và sụt nhẹ, nhưng vẫn bỏ xa Vietcombank, xét theo con số giá trị tuyệt đối. Trong khi đó, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đang nổi lên, còn Agribank hiện vẫn còn ở xa trong so sánh này.

Năm 2014, lợi nhuận trước thuế của VietinBank là 7.300 tỷ đồng, Vietcombank là 5.876 tỷ đồng, BIDV 6.065 tỷ đồng.

Căn cứ vào tình hình hiện tại, cuộc chạy đua vị trí "ngân hàng số 1" Việt Nam vẫn vô cùng gay cấn và quyết liệt. Và điều đó cũng lý giải phần nào cho việc Vietcombank lựa chọn phương án "chậm mà chắc", khắt khe tìm kiếm "ứng cử viên" sáng giá để tiến hành sáp nhập.

Theo nguoiduatin.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh sĩ NATO trong một cuộc tập trận tại Estonia.

Trung tâm mới của NATO

GD&TĐ - Bulgaria chuẩn bị xây dựng một khu phức hợp cơ sở vật chất để làm nơi đóng quân cho một lữ đoàn NATO đa quốc gia gồm 3.000 quân nhân.