Sao cho hài hòa...

GD&TĐ - Theo Văn bản số 4726/BGDĐT-GDTC của Bộ GD&ĐT, các địa bàn được xác định dịch ở cấp độ 1 và cấp độ 2 (nguy cơ thấp và trung bình) có thể tổ chức dạy học trực tiếp.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Địa bàn được xác định dịch ở cấp độ 3 (nguy cơ cao): tổ chức dạy học trực tiếp kết hợp trực tuyến, trên truyền hình. Địa bàn dịch cấp độ 4 (nguy cơ rất cao): Căn cứ vào tình hình thực tế và tiến độ triển khai kế hoạch năm học tại địa phương để tổ chức hình thức dạy học trực tuyến, trên truyền hình, giao bài tự học...

Tổng hợp đánh giá cấp độ dịch tại địa phương cập nhật ngày 26/10 trên Cổng thông tin của Bộ Y tế, cả nước có 33 tỉnh/thành không có xã, huyện nào là vùng cam (nguy cơ cao) và vùng đỏ (nguy cơ rất cao). Căn cứ văn bản trên của Bộ GD&ĐT, cả 33 tỉnh/thành này hoàn toàn có thể tổ chức dạy học trực tiếp.

Tuy nhiên, thống kê đến 25/10, cả nước chỉ có 23 địa phương triển khai dạy học trực tiếp. Các địa phương còn lại kết hợp dạy học trực tiếp, trực tuyến, qua truyền hình (15 tỉnh/thành); hoặc dạy học hoàn toàn bằng hình thức trực tuyến và qua truyền hình (25 tỉnh/thành). Số địa phương mở cửa trường học không đổi so với thống kê ngày 8/10 và giảm đi 2 so với ngày 27/9 của Bộ GD&ĐT.

Thông kê trên thể hiện tình hình chung là nhiều địa phương khá thận trọng khi quyết định cho học sinh đến trường trở lại. Đơn cử như Hà Nội, với 343 xã/phường thuộc vùng 1 (vùng xanh), 236 xã/phường thuộc vùng 2 (vùng vàng) và không có xã/phường thuộc vùng 3, 4, (công bố của Sở Y tế Hà Nội ngày 19/10), toàn thành phố đã đều đủ điều kiện cho học sinh đi học trực tiếp. Nhưng đến nay Hà Nội vẫn chưa có kế hoạch cụ thể về việc mở cửa trường học. Không ít địa phương hiện được đánh giá là nguy cơ thấp nhưng vẫn 100% dạy trực tuyến và trên truyền hình, như: Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh, Phú Yên, Sóc Trăng, Trà Vinh, Cần Thơ, Đồng Nai…

Lãnh đạo ngành Giáo dục một số địa phương chia sẻ: Đi học trực tiếp là mong mỏi của toàn ngành, vì đây là hình thức bảo đảm chất lượng dạy học tốt nhất. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, việc tổ chức cho học sinh đi học trở lại quả là bài toán “cân não” khi học sinh chưa được tiêm vắc-xin, nhiều phụ huynh chưa sẵn sàng và yên tâm cho con đến trường. Việc xác định vùng xanh, vàng, cam, đỏ cũng thường xuyên biến động, nhất là khi người dân các tỉnh có thể qua lại và tăng khả năng lây nhiễm. Việc một số vùng xuất hiện F0 sau một thời gian cho học sinh đi học trở lại cũng là bài học thực tế, làm tăng thêm sự thận trọng của lãnh đạo địa phương.

Trong khi đó, một số chuyên gia dịch tễ lại đưa quan điểm cần sớm mở cửa lại trường học; như ý kiến trên một số phương tiện truyền thông của PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế). Ông cho rằng, quan điểm đợi phủ vắc-xin cho trẻ em mới mở cửa trường học là không phù hợp. Học sinh ở nhà lâu ngày không được đến trường, không được giao lưu với bạn, giáo viên với học sinh sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất, tinh thần. Thậm chí, rủi ro của việc trẻ không được đi học, không được đến trường cao hơn việc có thể một số cháu nhiễm Covid-19.

Quyết định mở cửa trường học vẫn là ở lãnh đạo các tỉnh/thành. Việc cân nhắc, tính toán cẩn trọng là phải làm trong điều kiện dịch bệnh hiện nay; nhưng cũng cần phù hợp, hài hòa; không để vì dễ cho quản lý mà ảnh hưởng đến lợi ích của người học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ