Ấn Độ trở thành nước xuất khẩu vũ khí tỷ dollars
Thông báo mới đây trên website của Bộ Quốc phòng Ấn Độ nêu rõ, sáng kiến “Ấn Độ tự cường” đã giúp đất nước này trở thành một nước xuất khẩu vũ khí lớn trên thế giới, bằng các chính sách và biện pháp khuyến khích các chương trình thiết kế, phát triển và sản xuất thiết bị quốc phòng trong nước, nhờ đó giảm phụ thuộc vào nhập khẩu về lâu dài.
Nhờ sáng kiến này, chi tiêu mua sắm quốc phòng từ các nguồn cung cấp nước ngoài đã giảm từ 46% (tổng chi mua sắm giai đoạn 2018-2019) xuống chỉ còn 36,7% vào tháng 12/2022.
Về xuất khẩu quốc phòng, số liệu của bộ này nêu lên rằng, xuất khẩu các loại trang bị, vũ khí của Ấn Độ đã tăng hơn 8 lần kể từ giai đoạn 2016-2017.
“Trong giai đoạn năm 2016-2017, xuất khẩu quốc phòng chỉ đạt 15,2 tỷ rupee (tương đương 184,7 triệu USD), con số này đã tăng lên 138 tỷ rupee (tương đương 1,67 tỷ USD) như hiện nay” - Bộ Quốc phòng cho biết.
Được biết, sáng kiến và chương trình hành động “Ấn Độ tự cường” (Self-reliant India, theo tiếng Hin-đi là Atmanirbhar Bharat) được Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi công bố vào tháng 5/2020.
Chiến đấu cơ hạng nhẹ HAL Tejas của Không quân Ấn Độ |
Mục tiêu của chương trình là giúp Ấn Độ tự chủ trong các lĩnh vực kinh tế then chốt và tăng khả năng trụ vững trước những biến động lớn về địa kinh tế trong tương lai. Trong đó nhấn mạnh tầm nhìn về một Ấn Độ tự lực và kiên cường, hòa nhập với cộng đồng thế giới.
Kế hoạch hành động của sáng kiến “Ấn Độ tự cường” của chính quyền Thủ tướng Modi dựa trên năm trụ cột: Một là: Phát triển nền kinh tế mới (trở thành nền kinh tế quy mô 5.000 tỷ USD); Hai là: Tạo dựng cơ sở hạ tầng hiện đại; Ba là: Thiết lập hệ thống phân phối dựa trên công nghệ; Bốn là: Tận dụng dân số trẻ; Năm là: Khai thác hiệu quả nhu cầu trong nước.
Trên cơ sở sáng kiến chung cho cả nền kinh tế của Thủ tướng Modi, vào tháng 8/2020, Bộ Quốc phòng Ấn Độ đã nêu ra một loạt chương trình hành động thúc đẩy phong trào “Ấn Độ tự cường” với mục tiêu đẩy mạnh nền công nghiệp quốc phòng nội địa, giảm phụ thuộc vào khí tài quân sự nhập khẩu từ nước ngoài.
Sáng kiến “Ấn Độ tự cường” và chương trình hành động quốc phòng
Theo trang mạng Hindustan Times, sáng kiến của Bộ Quốc phòng Ấn Độ tập trung vào nâng cấp các cơ sở quốc phòng, hiện đại hóa nhà máy đóng tàu, triển khai các khí tài quốc phòng sản xuất trong nước và ký kết biên bản ghi nhớ mới với khu vực tư nhân để tăng cường nội địa hóa.
Xe tăng chiến đấu chủ lực (MBT) Arjun của Lục quân Ấn Độ |
Bên cạnh đó, Ấn Độ cũng sẽ cấm nhập khẩu dần dần trong vòng 5 năm, có lộ trình từ trang, thiết bị đơn giản đến phức tạp, từ sản phẩm công nghệ thấp đến công nghệ cao, cho 101 loại thiết bị quân sự.
Việc cấm nhập khẩu theo từng giai đoạn giúp các nhà thầu quân sự Ấn Độ có thời gian phát triển công nghệ cho các sản phẩm thay thế để đáp ứng nhu cầu của quân đội.
Danh sách các mặt hàng cấm rất đa dạng, từ những trang bị đơn giản như áo khoác chống đạn cho tới những loại vũ khí công nghệ cao và quan trọng như pháo, súng trường tấn công, máy bay vận tải, trực thăng chiến đấu hạng nhẹ, thiết bị bay không người lái, tàu khu trục tên lửa...
Là quốc gia có tiềm lực quân sự lớn thứ tư thế giới nhưng trong nhiều thập kỷ qua, Ấn Độ vẫn phụ thuộc chủ yếu vào vũ khí nhập khẩu.
Suốt nhiều năm qua, Ấn Độ luôn nằm trong số các quốc gia nhập khẩu vũ khí hàng đầu thế giới, với đủ mọi loại từ phức tạp như xe tăng, máy bay chiến đấu, đến các loại đơn giản như đạn pháo, tên lửa chống tăng.
Điều này là gánh nặng với ngân sách quốc phòng Ấn Độ, đồng thời cũng khiến quốc gia Nam Á đối mặt với nguy cơ thiếu thốn trang thiết bị quân sự nếu nguồn cung từ nước ngoài bị gián đoạn.
Ấn Độ hợp tác với Nga phát triển tên lửa hành trình siêu âm BrahMos |
Để khắc phục tình trạng này, những năm qua, Ấn Độ đã ký nhiều hợp đồng lớn với các đối tác để mua vũ khí, trang bị nhưng kèm với điều kiện bán giấy phép sản xuất và chuyển giao công nghệ chế tạo trong nước. Điển hình cho việc này là chương trình hợp tác với Nga để phát triển tên lửa hành trình siêu âm BrahMos.
Biện pháp này đã giúp nâng cao tỷ lệ nội địa hóa trong trang bị, vũ khí, giúp ngành công nghiệp quốc phòng Ấn Độ sở hữu các công nghệ cốt lõi, từ đó dần tự phát triển các vũ khí cho riêng mình.
Bên cạnh đó, Ấn Độ cũng triển khai một số chương trình sản xuất vũ khí nội địa như xe tăng Arjun, máy bay chiến đấu Tejas, trực thăng tấn công hạng nhẹ LCH...
Việc giảm phụ thuộc vào các mặt hàng nhập khẩu, tăng cường năng lực sản xuất vũ khí trong nước giúp không chỉ Ấn Độ giảm bớt gánh nặng cho ngân sách quốc gia, đáp ứng được yêu cầu nâng cao năng lực phòng thủ đối phó với những thách thức an ninh, mà còn giúp tạo thêm việc làm cho lao động trong nước, góp phần giải quyết một số khó khăn, thách thức về kinh tế do đại dịch gây ra.
Quan trọng hơn, đây chính là cơ hội để quốc gia Nam Á phát huy tối đa tiềm lực khoa học công nghệ và năng lực sản xuất quốc phòng, từ đó nâng cao vị thế của nước này trên thị trường xuất khẩu vũ khí toàn cầu.