Sẵn sàng đánh giá HS tiểu học theo hình thức mới

GD&TĐ - Cùng với cả nước, ngày 15/10 tới, TPHCM sẽ bắt đầu chính thức triển khai Thông tư mới của Bộ GD&ĐT về đánh giá HS tiểu học. 

Cô và trò Trường TH Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1
Cô và trò Trường TH Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1

Ngày 28-8-2014, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư số 30/2014/TT- GDĐT Quy định về đánh giá học sinh tiểu học. Theo đó, việc đánh giá học sinh tiểu học sẽ được điều chỉnh theo hướng, chỉ cho điểm với bài kiểm tra định kỳ (cuối học kỳ I và cuối năm học). 

Cụ thể: Hàng tuần, giáo viên lưu ý đến những học sinh có nhiệm vụ chưa hoàn thành; giúp đỡ kịp thời để học sinh biết cách hoàn thành; Hàng tháng, giáo viên ghi nhận xét vào sổ theo dõi chất lượng giáo dục về mức độ hoàn thành nội dung học tập từng môn học, hoạt động giáo dục khác... Khi nhận xét, giáo viên cần đặc biệt quan tâm động viên, khích lệ, biểu dương, khen ngợi kịp thời đối với từng thành tích, tiến bộ giúp học sinh tự tin vươn lên; Không dùng điểm số để đánh giá thường xuyên. 

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/10/2014.

Theo tìm hiểu được biết, từ đầu năm học 2014 - 2015, nhiều trường tiểu học trên địa bàn đã dần áp dụng thông tư này cho các khối lớp và hầu hết các GV đã quen dần với hình thức đánh giá mới này.

Giáo viên bận rộn nhưng rất ủng hộ

Con rất vui vì nhận được những bông hoa màu đỏ, cô giáo khen con chữ viết đã đẹp lên nhiều. Các bạn của con cũng có những bông hoa nên bạn nào cũng vui.

HS Hồ Ánh Hà -Trường Tiểu học Bình Triệu, quận Thủ Đức    

Nhiều GV tiểu học khi được hỏi về việc đánh giá HS tiểu học theo thông tư mới của Bộ GD&ĐT đều cho rằng bước đầu GV sẽ có chút bận rộn, nhưng thấy các em HS thoải mái, họ rất vui với hình thức đánh giá mới này.

“Khối lượng công việc GV phải làm so với những năm chấm điểm thì nhiều hơn. Ghi nhận xét như vậy cũng có những cái khó khăn cho GV vì 35 phút cho mỗi tiết lên lớp chúng tôi phải truyền thụ kiến thức cho các em. 

Vì thế để có thời gian chấm bài, một là chúng tôi phải vào sớm, hai là chúng tôi phải ở lại để chấm cho thật chính xác” - cô Bùi Thị Kim Dung, GV Trường TH Nguyễn Văn Trỗi (quận 4) - nói.

“Khi mới được chỉ đạo, chúng tôi cũng gặp nhiều khó khăn, cũng có nhiều vướng mắc và cảm thấy là khó mà thực hiện được. Nhưng sau khi được sự hướng dẫn của quận cùng Ban giám hiệu nhà trường, công việc chúng tôi đã nhẹ nhàng hơn. 

Qua cách nhận xét này, giữa phụ huynh và GV có thể kiểm tra, đánh giá lẫn nhau để biết được học sinh đang ở mức độ nào” - cô Nguyễn Thị Thanh Xuân, Trường TH Trương Quyền (quận 3) - chia sẻ.

Theo GV, nhận xét chi tiết thay vì chấm điểm giúp người dạy hiểu HS của mình, từ đó kịp thời động viên, khuyến khích để các em phấn đấu đạt kết quả cao hơn. Và nhờ không có điểm số mà HS cũng bớt ganh đua, tỵ nạnh nhau, không khí lớp học trở nên thân thiện, gần gũi hơn. Còn Ban Giám hiệu các trường đều khẳng định: Đây là điều cần thiết, đòi hỏi GV phải theo sát HS , nếu không muốn rơi vào đánh giá kiểu gom chung “cá mè một lứa”. 

Cô Phạm Thúy Hà - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, (quận 4) - nhấn mạnh: “Nếu mình chỉ ghi hoàn thành, đúng/sai không thì không nói được gì hết. Chính vì vậy, GV phải là người hết sức sâu sát trong việc đánh giá chứ chúng ta không đơn thuần chỉ là đúng/sai hoặc hoàn thành/chưa hoàn thành. 

Do đó, GV sẽ cảm thấy mình phải viết nhiều quá, phải làm nhiều quá. Nhưng sau khi ngồi lại trao đổi và chia sẻ những kinh nghiệm cho nhau, nhà trường đang cố gắng từng bước để tìm ra cách tối ưu giúp GV thấy mọi việc khoa học hơn, nhẹ nhàng hơn”.

Được biết ngay từ đầu năm học 2014 - 2015, nhiều trường Tiểu họctrên địa bàn TPHCM đã bắt đầu triển khai từng phần một về việc đánh giá HS theo thông tư mới và nhận được những kết quả rất tích cực.

Thầy Lâm Ngọc Thanh Hà - Hiệu phó Trường TH Đống Đa (quận Tân Bình) - cho biết, ngay sau khi vào năm học mới, nhà trường đã từng bước áp dụng cách đánh giá mới để bước đầu cho GV làm quen đồng thời cũng từ đó rút ra được những bài học kinh nghiệm sẵn sàng áp dụng toàn trường vào ngày 15/10 tới. 

Qua gần hai tháng, các GV của Trường TH này đã bắt đầu quen với công việc này dù so với việc xem bài và cân nhắc cho điểm 7 hay 8, điểm 9 có phần vất vả hơn. 

“Chúng tôi thường trao đổi với các GV qua các buổi họp, hay thậm chí qua email để chuẩn bị thật tốt cho việc đánh giá HS theo thông tư mới. Trước đây trường cũng đã áp dụng không đánh giá HS lớp 1 nên các GV không gặp khó khăn gì ở các khối lớp còn lại”.

Cô và trò Trường TH Chính Nghĩa (quận 5, TP HCM)
Cô và trò Trường TH Chính Nghĩa (quận 5, TP HCM)

Chuẩn bị kỹ về tâm lý, các bước thực hiện

Để chuẩn bị từng bước chuẩn bị cho đánh giá theo thông tư mới, nhiều trường trên địa bàn đã tổ chức các buổi trò chuyện, tập huấn về cách tổ chức lớp, cách nhận xét ngắn gọn, hiệu quả, cách nhận xét học sinh theo tổ, theo môn. Điều này đã được Ban giám hiệu nhiều trường thực hiện và bước đầu có những tín hiệu tích cực.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Lê Hồng Sơn - GĐ Sở GD&ĐT TPHCM - cho biết: “Tôi tin rằng TPHCM làm tốt khi tiếp tục ở các lớp tiếp theo ở bậc tiểu học. Tôi nghĩ rằng, với cách làm năng động, sáng tạo của các GV, sự quản lý của hiệu trưởng các trường cũng như chỉ đạo của các phòng GD-ĐT các quận, huyện và của Sở thì việc này sẽ đạt được những kết quả tích cực”.

Ông Nguyễn Quang Vinh - Trưởng phòng Tiểu học (Sở GD&ĐT TPHCM) - nhận định: Việc áp dụng thông tư này sẽ xóa bỏ áp lực điểm số cho HS cũng như GV không còn chăm chăm vào điểm số mà dành nhiều thời gian quan tâm, theo dõi từng HS, đưa ra nhận xét, đánh giá một cách toàn diện về năng lực, phẩm chất để HS tiến bộ, đáp ứng phương châm giáo dục không chỉ dạy chữ mà còn dạy người. 

Mặt khác, với sự tham gia của cả phụ huynh còn tạo được sự gắn kết giữa gia đình và nhà trường. “Điều mấu chốt là dư luận nói chung và nhất là phụ huynh HS rất đồng tình và ủng hộ với cách đánh giá mới. Đó chính là cơ sở để ngành GD TPHCM thực hiện tốt chủ trương này.

Chị Nguyễn Mai Hường (phụ huynh em Trần Mai Hoa- Trường TH Thái Văn Lung, quận Thủ Đức) cho biết: Tôi cũng có được nhà trường thông qua việc này vào buổi họp phụ huynh đầu năm. Tôi hoàn toàn ủng hộ việc đánh giá không điểm số. 

Không chấm điểm, các cháu không áp lực, nhưng không có nghĩa là lười học bài, vì theo nhận xét của cô giáo, tôi biết được cháu có ưu điểm, khuyết điểm nào để chỉ thêm cho cháu. Nhờ có nhận xét của cô giáo, tôi nghĩ phụ huynh rất dễ theo dõi con cháu và uốn nắn dễ hơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Quán ăn đông kín khách, nhân viên phải làm việc liên tục. Ảnh: Nhật Minh

Hàng quán mở xuyên Tết: Cơ hội thu nhập cao

GD&TĐ - Trước nhu cầu ăn uống, vui chơi, gặp mặt đầu năm của người dân tăng cao, hầu hết nhà hàng, quán cà phê mở xuyên kỳ nghỉ đều đối mặt nguy cơ rơi vào trạng thái quá tải