Sản phẩm xanh và tiêu dùng xanh chưa phải là ưu tiên hàng đầu của người tiêu dùng

GD&TĐ -Tiêu dùng xanh tại Việt Nam đang gặp thách thức lớn từ giá cao, chất lượng sản phẩm chưa đạt kỳ vọng và độ phủ còn hạn chế.

Tỷ lệ người dân tiêu dùng xanh ở mức độ phổ biến cũng chỉ chiếm khoảng 12% - 18%
Tỷ lệ người dân tiêu dùng xanh ở mức độ phổ biến cũng chỉ chiếm khoảng 12% - 18%

Khảo sát “Tiêu dùng xanh 2024” do Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao vừa công bố cho thấy, việc lựa chọn sản phẩm xanh và tiêu dùng xanh chưa phải là ưu tiên hàng đầu của người tiêu dùng hiện nay. Bức tranh tiêu dùng xanh trong các cộng đồng dân cư còn khá “tối màu” khi ngay tại Hà Nội và TPHCM - 2 trung tâm văn hóa, kinh tế lớn nhất cả nước - nhưng tỷ lệ người dân tiêu dùng xanh ở mức độ phổ biến cũng chỉ chiếm khoảng 12% - 18%.

khoinghiep.jpg
Than hoạt tính từ cây tre le, một sản phẩm xanh thu hút nhiều sự quan tâm của người tiêu dùng. (Ảnh: Trần Quỳnh)

Ông Nguyễn Văn Phượng – Phụ trách điều tra thị trường của Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao đánh giá, chi phí sản xuất sản phẩm xanh thường cao hơn do nguyên liệu thân thiện với môi trường thường có giá cao và quy trình sản xuất có thể tốn kém hơn. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp lo ngại rằng họ sẽ không thể cạnh tranh với các sản phẩm thông thường về giá cả, từ đó ảnh hưởng đến doanh thu và lợi nhuận

Bên cạnh đó, mặc dù có sự tăng trưởng về ý thức tiêu dùng xanh, nhưng vẫn còn một bộ phận người tiêu dùng chưa có đầy đủ thông tin về sản phẩm xanh.

Khảo sát cho thấy chỉ có khoảng 40% người tiêu dùng biết đến sản phẩm xanh từ các kênh thông tin khác nhau, chủ yếu qua Internet. Điều này khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tiếp cận thị trường. Hơn nữa, ở một số khu vực nông thôn, nhận thức về bảo vệ môi trường và tiêu dùng xanh vẫn còn hạn chế. Khoảng 7% người tiêu dùng thậm chí cho rằng họ chưa cảm thấy cần thiết phải tiêu dùng xanh.

Ngoài ra, sự sẵn có và độ phủ của sản phẩm xanh trên thị trường cũng là một thách thức lớn. Kết quả khảo sát cho thấy các sản phẩm xanh chưa có mặt đủ rộng rãi tại các kênh phân phối. Điều này không chỉ làm giảm khả năng tiếp cận của người tiêu dùng mà còn khiến họ gặp khó khăn trong việc tìm kiếm các sản phẩm mà họ mong muốn.

"Việc mở rộng kênh phân phối sản phẩm xanh cũng cần một thời gian dài và đầu tư lớn, điều mà nhiều DN không thể dễ dàng thực hiện trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt hiện nay" - ông Phượng lý giải.

93eac751ec6954370d78.jpg
Giá cao vẫn là rào cản lớn với người tiêu dùng sản phẩm xanh. (Ảnh: Trần Quỳnh)

Thêm vào đó, dù có nhiều chính sách khuyến khích tiêu dùng xanh từ phía nhà nước, nhưng vẫn còn nhiều lỗ hổng trong việc thực thi và hỗ trợ DN. Các DN cần một chính sách hỗ trợ rõ ràng và đồng bộ hơn để thúc đẩy tiêu dùng xanh. Sự thiếu hụt này không chỉ làm giảm động lực của DN trong việc phát triển sản phẩm xanh mà còn khiến họ gặp khó khăn trong việc xây dựng lòng tin với người tiêu dùng.

Hiện, khoảng 18% NTD cho biết không hài lòng với chất lượng của sản phẩm xanh, cho rằng sản phẩm không đáp ứng được kỳ vọng của họ. Điều này có thể là do một số DN chưa đầu tư đủ vào nghiên cứu và phát triển để cải thiện chất lượng sản phẩm xanh. Sự phàn nàn này không chỉ làm giảm lòng tin của người tiêu dùng đối với sản phẩm xanh mà còn tạo ra những rào cản lớn trong việc thu hút khách hàng.

Ngoài ra, DN còn phải đối mặt với sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các sản phẩm thông thường, vốn có giá thành rẻ hơn và được người tiêu dùng ưa chuộng hơn.

"Khi người tiêu dùng vẫn ưu tiên giá cả hơn chất lượng và giá trị bền vững, DN sẽ gặp khó khăn trong việc chuyển đổi thị trường và thay đổi thói quen tiêu dùng" - ông Phượng nhận xét.

Khảo sát cũng cho thấy, người tiêu dùng sẵn sàng chi trả tăng thêm để có thể sử dụng sản phẩm xanh ở những mức độ khác nhau, trong đó mức độ chi trả tăng thêm được người tiêu dùng hưởng ứng nhiều nhất là chi tăng thêm từ 5% đến 10% so với sản phẩm thông thường để tiêu dùng sản phẩm xanh, đặc biệt chỉ có khoảng 20% người tiêu dùng chấp nhận chi trả tăng thêm trên 10%.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bom lượn FAB-3000 của Nga.

Chật vật đối phó bom lượn

GD&TĐ - Bom lượn Nga đang là ám ảnh với hệ thống phòng thủ Ukraine dù lực lượng này đang được trang bị những vũ khí đánh chặn tối tân của phương Tây.