Sân Hàng Đẫy “chuyển mình” thành tổ hợp thể thao

GD&TĐ - Nhằm phục vụ Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 - SEA Games 31, UBND TP Hà Nội đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc đầu tư xây dựng tổ hợp thể thao Hàng Đẫy, với số vốn hơn 6.300 tỷ đồng…  

Phối cảnh thiết kế SVĐ Hàng Đẫy mới
Phối cảnh thiết kế SVĐ Hàng Đẫy mới

Một SVĐ hiện đại, đạt tiêu chuẩn FIFA

Theo báo cáo của UBND TP. Hà Nội, khu vực thành phố đề xuất nghiên cứu lập dự án xây dựng tổ hợp thể thao Hàng Đẫy có diện tích trên 32.000m2, trong đó SVĐ hơn 23.000m2, khu nhà thi đấu gần 7.000m2 và khu đất của Sở KH&ĐT diện tích 1.787m2.

SVĐ Hàng Đẫy dự kiến được xây mới trên khu đất SVĐ hiện nay. Cụ thể, SVĐ mới có sức chứa khoảng 20.000 chỗ ngồi, cao 35m, có 4 tầng hầm liên thông khu vực lập dự án (2 tầng thương mại dịch vụ, 2 tầng để xe). Đặc biệt, khán đài sẽ được thiết kế có mái che đạt tiêu chuẩn FIFA. SVĐ mới sẽ được mở rộng về phía đường Cát Linh, khu đất của Sở KH&ĐT.

Theo quy hoạch, khu đất phụ cận xây dựng nhà thi đấu Trịnh Hoài Đức đa năng rộng gần 7000m2, có 1.500 chỗ ngồi, với tổng chiều cao 35m. Trong đó, tầng 1 được bố trí sảnh, nhà thi đấu đa năng, khán đài và khu dịch vụ, tầng 2 - 3 là khu dịch vụ, tầng 4 - 8 là khu dịch vụ và văn phòng.

Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 6.309 tỉ đồng, xây dựng theo nguồn vốn xã hội hóa 100% do Tập đoàn T&T của “ông bầu” Đỗ Quang Hiển đầu tư. Dự án dự kiến được khai thác, vận hành khoảng 50 năm. Dự kiến ngay sau khi V - League 2018 hạ màn, sân Hàng Đẫy sẽ được đập bỏ để khởi công xây mới.

Vẫn còn nhiều băn khoăn

Sau khoảng 60 năm, SVĐ Hàng Đẫy đã có nhiều hạng mục xuống cấp, đây cũng được coi là một trong những SVĐ già nua nhất của Hà Nội. Mặt cổng chính phía phố Trịnh Hoài Đức có một dãy văn phòng cùng ki-ốt bán đồ thể thao. Để có thể thực hiện dự án, trụ sở Sở KH&ĐT sẽ được chuyển về Khu liên cơ hành chính trên đường Võ Chí Công.

Do vậy, việc xây mới SVĐ Hàng Đẫy cũng nhận được nhiều ý kiến ủng hộ của người dân và các chuyên gia. Ông Nguyễn Văn Hòa - 70 tuổi đang của sinh sống ở phố Hàng Cháo, cho biết: “SVĐ Hàng Đẫy là nơi diễn ra nhiều giải đấu thường xuyên, phục vụ số đông khán giả. Do vậy, có nhiều hạng mục xuống cấp cần sửa chữa, làm mới. Nếu xây mới lại toàn bộ SVĐ theo chuẩn quy mô quốc tế thì tốt quá, người dân như chúng tôi sẽ được xem các giải đấu được tốt hơn”.

Theo các chuyên gia, việc xây dựng tổ hợp thể thao Hàng Đẫy vẫn gây nhiều băn khoăn, đặc biệt về vấn đề ùn tắc giao thông và hạ tầng đô thị. TS Nguyễn Xuân Thủy (nguyên TGĐ NXB Giao thông Vận tải) cho rằng: “SVĐ Hàng Đẫy qua nhiều năm sử dụng đã cũ kỹ, xuống cấp phải xuất xây dựng lại nhằm đáp ứng được tốt hơn nhu cầu của các hoạt động văn hóa, thể thao. Tuy nhiên, việc xây mới phải được dựa trên cơ sở cũ, phương án kiến trúc phải được tính toán kỹ lưỡng để không ảnh hưởng tới hoạt động giao thông, đặc biệt là giao thông công cộng”.

Theo các chuyên gia, kế hoạch xây dựng sân Hàng Đẫy thành tổ hợp thể thao sẽ mang lại nhiều lợi ích, vì với nguồn vốn xã hội hóa, tư nhân sẽ khai thác hiệu quả hơn. Nhìn lại cách khai thác SVĐ hiện có ở Hà Nội, không phải SVĐ nào cũng được sử dụng hết công năng.

Thực tế, chẳng hạn như Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình cũng đang có nhiều hạng mục xuống cấp như đường chạy điền kinh mà thiếu tiền sửa chữa. Hay như Cung Thể thao dưới nước, ngoài một số giải đấu thì hiện vẫn chỉ cho thuê, dạy trẻ em học bơi... Được biết, thời điểm xây dựng SVĐ Mỹ Đình, kinh phí khoảng 1.000 tỉ đồng.

Hiện, các thiết kế sân Hàng Đẫy mới đã được các đối tác của Tập đoàn T&T thực hiện chi tiết, hiện đại và có công năng tối đa để khai thác, đảm bảo trở thành công trình ấn tượng và xứng tầm với một Thủ đô văn minh, hiện đại.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người dân bắt cá thòi lòi bằng xà di lưới.

Nghề độc, lạ vùng Đất Mũi

GD&TĐ - Nằm nơi vị trí địa đầu Tổ quốc, Cà Mau là địa phương có nhiều đặc sản nổi tiếng và nhiều nghề độc, lạ.