(GD&TĐ) - Thị trường tiếp tục có một phiên tăng điểm, thanh khoản duy trì ở mức cao giúp cho tâm lý các nhà đầu tư ngày một tích cực hơn…
Thông tin CPI tháng 3-2012 của cả nước đã được công bố vào cuối tuần qua với mức tăng khá thấp chỉ có 0,16% so với cùng kỳ tháng trước. Như vậy, lạm phát năm tiếp tục giảm về mức 14,15%/năm, đây là dấu hiệu tích cực cho thấy lạm phát đang trên đà giảm tốc thực sự. Nhờ đó, tiền đề cho việc hạ dần lãi suất đầu vào và đầu ra nhằm tháo gỡ khó khăn về chi phí vốn cho doanh nghiệp sản xuất đang được mở ra.
Tuy nhiên, nếu nhìn nhận ở một khía cạnh khác, sự hạ nhiệt của lạm phát đang đồng hành cùng với những biểu hiện đáng lưu ý của nền kinh tế. Theo số liệu ước tính của Bộ KH&ĐT, trong quý I/2012, tăng trưởng GDP chỉ đạt 4% (mức tăng thấp nhất kể từ Q1/2009). Điều này cho thấy nền kinh tế đang đối mặt với sự suy yếu của cả sản xuất và tiêu dùng như tình trạng hồi đầu năm 2009. Giá trị sản xuất của ngành công nghiệp trong quý I/2012 chỉ tăng 4,1%, thấp hơn rất nhiều so với mức tăng 14,1% của cùng kỳ năm trước. Thêm vào đó, mức tiêu thụ của người tiêu dùng và tổng cầu của toàn nền kinh tế cũng đang có dấu hiệu chững lại. Diễn biến trên cho thấy nền kinh tế Việt Nam vẫn đang gặp khó khăn trong ngắn hạn do ảnh hưởng của chính sách thắt chắt tiền tệ từ cuối năm 2011 đến nay.
Việc giảm lãi suất cho vay bắt đầu trở nên cấp thiết trong giai đoạn này, đồng thời kỳ vọng vào những quyết sách điều hành hợp lý để giúp nền kinh tế phục hồi nhưng vẫn đảm bảo mục tiêu kiềm chế lạm phát trong những quý còn lại của năm 2012.
Trước những diễn biến về kinh tế vĩ mô, có vẻ các nhà đầu tư cũng đang có tâm lý chờ đợi khả năng điều chỉnh lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp trong thời gian tới khi lạm phát đã đang trên đà sụt giảm. Có thể nhận thấy tâm lý tích cực vẫn duy trì khá tốt trong phiên giao dịch hôm nay. Ngoài ra, dòng tiền tham gia thị trường tương đối ổn định trong những phiên giao dịch gần đây là một dấu hiệu tốt để hỗ trợ cho đà tăng điểm của các chỉ số.
Mặc dù vậy, vẫn còn sự giằng co khi các cổ phiếu bluechips bước vào vùng giá cao vẫn đang tiếp diễn. Nếu điều này duy trì quá lâu sẽ dẫn đến tâm lý muốn chốt lời và áp lực bán ra sẽ mạnh dần lên.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 26/3, cả hai sàn tiếp tục đóng cửa trong sắc xanh: VNIndex tăng 1,14% lên 459,26điểm; VN30 tăng 0,86% lên 517,27 điểm và HNIndex tăng 0,19% lên 77,72 điểm.
Thanh khoản tăng nhẹ trên sàn HSX với giá trị khớp lệnh đạt 1.220 tỷ đồng (+6,3% so với phiên giao dịch cuối tuần trước). Ngược lại, thanh khoản trên sàn HNX sụt giảm trong phiên hôm nay, giá trị khớp lệnh đạt 982 tỷ đồng (-11,9%). GDTT trên sàn HSX không đáng kể ngoài giao dịch của 516.920 đv cổ phiếu MBB với giá trị tương ứng 7,8 tỷ đồng.
Khối ngoại tiếp tục mua ròng trên cả hai sàn với giá trị mua ròng đạt 94,51 tỷ trên sàn HSX và 5,54 tỷ trên sàn HNX. So với phiên giao dịch cuối tuần trước, giá trị mua ròng có tăng nhẹ trên sàn TP.HCM song lại sụt giảm mạnh trên sàn Hà Nội. Các mã được mua nhiều nhất trong phiên gồm có STB (30,94 tỷ đồng), CTG (15,02 tỷ đồng) và VCG (4,29 tỷ đồng).
Kể từ ngày 26-3-2012, quy chế giao dịch trên sàn HNX có một số thay đổi liên quan đến việc giao dịch lô lẻ (có khối lượng từ 1-99 cổ phiếu) sẽ được thực hiện trực tiếp ngay trên hệ thống của HNX và giá tham chiếu của cổ phiếu niêm yết sẽ được xác định theo giá bình quân của các giao dịch trong 15 phút cuối cùng của ngày giao dịch gần nhất trước đó thay vì xác định theo bình quân gia quyền của các giao dịch trong cả ngày giao dịch như trước đây. Như vậy, chênh lệch biến động của giá tham chiếu và cả chỉ số HNIndex sẽ được giảm bớt theo cách tính này, từ đó giúp NĐT có được mức giá tham chiếu tốt hơn cho ngày giao dịch tiếp theo.
Vũ Thành