Sắc màu nhà Pháp ở Huế

GD&TĐ - Sau biến cố thất thủ kinh đô năm 1885, người Pháp chính thức vào Huế. Những khu phố mới của người Pháp dần dần mọc lên, sau này thành “nhà Tây” - theo cách gọi dân gian. Chúng không những không xâm phạm vẻ đẹp của tổng thể Huế mà dường như còn “trau chuốt” thêm nét sắc sảo của cố đô.

Nhà Pháp “Đại chủng viện” Huế
Nhà Pháp “Đại chủng viện” Huế

Phong cách kiến trúc mới lạ

Ban đầu phong cách kiến trúc nhà Pháp hơi cục mịch, nặng nề gồm có các đồn lính, công sở, bệnh viện. Đến chục năm sau, mới có sự cải cách để đẹp hơn, thanh lịch hơn, gồm có khách sạn, ngân khố, thư viện, biệt thự, trường học. Cố đô Huế dần dần hình thành hai trường phái kiến trúc Đông Tây kim cổ, lấy sông Hương làm địa giới. Tuy nhiên sự đổi mới của kiến trúc phương Tây lại phù hợp với cảnh quan thiên nhiên, dòng sông Hương, An Cựu, Gia Hội. Cuối cùng chúng đã làm nên “bài thơ đô thị” - cách gọi của KTS Hoàng Đạo Kính trân trọng dành cho Huế.

Khi xây dựng các tòa nhà tầng đầu tiên dọc bờ Nam sông Hương, người Pháp đã có chủ ý, làm lùi lại, khuất sau những cây xanh, thảm cỏ ven sông. Đến năm 1951- 1952, thành phố Huế được chia làm 2 phần rõ rệt. Phú thương và tầng lớp trung lưu người Việt sống ở khu thương mại phía Bắc sông Hương và trong thành nội. Bên kia bờ Nam sông Hương dành cho những quan lại, công chức triều Nguyễn và người Pháp. Do vậy các cơ sở quan trọng của bộ máy hành chính, y tế, giáo dục bắt đầu mọc lên gồm có bưu điện, ngân khố, bệnh viện và các trường học. Dù đã mang phong vị “phố Tây”, song hai bên đường lại trồng các loài cây “thuộc địa” là phượng vĩ, dừa, đoác, mù u, me, xà cừ rất thơ mộng. Nổi tiếng nhất vì chiếm một khu đất vàng là khách sạn mang tên chủ nhân - Morin, một loại deparment store giống như ở Paris, Pháp. Ở đây bán đầy đủ áo quần, thực phẩm, đồ chơi, nhập về từ Pháp, rất đắt tiền. Ngoài ra còn có một rạp chiếu phim, vào rạp khán giả phải trèo lên vài bậc tam cấp, đi qua một hành lang chừng 30 mét trước khi đến cửa. Nơi đây đã đón tiếp hầu hết các ông hoàng bà chúa quý phái, các vị mệnh quan quyền lực nhất Đông Dương. Ngay cả ông hoàng Charlie Chaplin (danh hài Charlot) bay sang thăm Huế cũng ở tại đây. Thế mới biết hồi đó khách sạn Morin danh tiếng như thế nào.

Nhà cổ kiểu Pháp của một ông hoàng triều Nguyễn
 Nhà cổ kiểu Pháp của một ông hoàng triều Nguyễn
Một biệt thự Pháp kiểu mẫu trên đường Lý Thường Kiệt

Một biệt thự Pháp kiểu mẫu trên đường Lý Thường Kiệt

Những điều bất ngờ chuyên biệt

Nhập gia tùy tục, người Pháp dần dần chịu ảnh hưởng của phong cách nhà vườn Huế. Các nhà Pháp dù cao hai, ba tầng đều được xây dựng chính giữa khuôn viên rợp bóng cây xanh. Tường nhà rất dày, có hành lang bao quanh, cửa vòm rộng lớn, để thích nghi với khí hậu nóng và ẩm. Hầu hết cửa lớn, cửa nhỏ đều có hai lớp, ngoài là cửa “bàn khoa”, trong là cửa kính, thích nghi với xứ Huế mưa nhiều hơn nắng. Trong sân nhà đa số có hồ nước nho nhỏ, bồn hoa đủ màu, lối đi rải sỏi trắng càng làm nổi bật diện mạo cổ kính, trầm mặc đặc trưng của thành phố “vương giả”.

Để sống chung với lũ lụt triền miên, nhà Pháp ở Huế phải tôn cao nền nhà hơn mặt sân đến 1- 1,5 mét. Khác với nhà rường cổ của người Việt lát gạch, nền nhà Pháp ở Huế được lát gạch men (tiếng Huế gọi là gạch bông). Thời ấy phải đặt mua và chở gạch men, bồn cầu, lavabo, đèn chùm đều bằng tàu thủy từ Pháp sang. Những bậc cấp dẫn vào nhà lại theo phong thủy Á đông, thường làm 5 hay 9 bậc (trực sinh). Tránh đâm thẳng vào tâm ngôi nhà, do đó lối đi theo hình vòng cung hai bên, mềm mại, tao nhã. Nhà đã cao, trần cũng cao, đóng phông bằng gỗ, mở rất nhiều cửa lớn nhỏ với bên ngoài. Nhà Pháp vì thế không gian thanh thoát, thích hợp với việc đọc sách, viết lách, nghỉ dưỡng.

Đại khái có thể chia nhà Pháp dựa theo 5 phong cách kiến trúc. Đó là “phong cách kiến trúc thuộc địa tiềm kỳ” mà tiêu biểu là công trình khoa giải phẫu, phòng thiết bị y tế... thuộc Bệnh viện trung ương Huế, một kiểu kiến trúc thô sơ dã chiến kiểu trại lính. “Phong cách tân cổ điển” có sự pha trộn nhiều trường phái kiến trúc cổ điển như Hy Lạp, La Mã, Phục Hưng... như các công trình còn lại đến bây giờ: trụ sở UBND phường Phước Vĩnh, Công an phường Vỹ Dạ, Khải Tường Lâu (thuộc Cung An Định). “Phong cách kiến trúc địa phương Pháp”: chủ yếu là nhà ở của các quan chức người Pháp (các biệt thự trên đường Lý Thường Kiệt, nhà nghệ thuật Điềm Phùng Thị...) nhưng có cải biến cho phù hợp với khí hậu nhiệt đới. “Phong cách kiến trúc Đông Dương”: là sự phát triển và kế thừa kiến trúc bản địa, có mái dốc lợp ngói liệt, trang trí mô phỏng kiểu cung điện, đền đài như trụ sở Thành ủy Huế và UBND thành phố, 2 trường Quốc Học, Hai Bà Trưng, Đại học Huế… Cuối cùng là “phong cách modern”, chú trọng công năng sử dụng tương tự kiến trúc hiện nay thường thấy là Nhà Văn hóa Hữu nghị, trường Đại học Khoa học Huế.

Nhưng khác với nhà cổ Á đông, vườn chiếm phần lớn khuôn viên, nhà Pháp có vườn rộng bề ngang nhưng bề dọc không sâu. Tiền đường, tiền sảnh rất rộng và thoáng. Người Pháp xử lý chống mối bằng cách trải đều dưới nền một lớp muối hột dày 20 cm, trước khi lát gạch. Gần hai trăm năm qua, nếu dạo chơi “ngẫu hứng” vào các khu phố cổ Vỹ Dạ, Kim Long, Bao Vinh, khách sẽ kinh ngạc trước vẻ đẹp “không có tuổi” của các ngôi biệt thự kiểu Pháp. Dù đã xanh rêu, vôi vữa úa màu, chúng vẫn sang trọng, tao nhã và thoáng mát lạ kỳ. Theo thống kê sơ bộ (năm 2001), hiện còn 251 ngôi nhà Pháp. Con số này đến nay giảm đi, vì hư hỏng nặng không thể sửa chữa, bảo tồn được nữa. 

Theo thống kê của Bộ Xây dựng, khảo sát trên 122 công trình nhà Pháp kiểu mẫu của Huế, nhận thấy hiện trạng phổ biến nhất là sự suy thoái vật liệu, nhà bị thấm dột và nền bị lún võng hoặc nứt gãy. Nay đã có tín hiệu đáng mừng, năm 2017 tỉnh Thừa Thiên Huế đang nghiên cứu qui hoạch các khu vực thường gọi là “phố Tây”, trước hết được giới hạn ở năm trục đường đẹp bậc nhất thành phố là đường Lê Lợi - Hoàng Hoa Thám - Trương Định - Hà Nội - Lý Thường Kiệt.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ