Như Dân Trí cũng đã đưa tin cách đây vài ngày, hiện nay, nguồn nước sạch ở Sa Pa đang khan hiếm chưa từng thấy. Mỗi ngày, nhà máy nước Sa Pa chỉ bơm cho các hộ gia đình, hộ kinh doanh 1 - 2 giờ đồng hồ, nên không đủ để phục vụ nhu cầu sinh hoạt và kinh doanh.
Nhà máy nước thông báo tình trạng khan hiếm sẽ tạm thời chấm dứt khi trời đổ mưa. Tuy nhiên, theo anh Tường Mạnh Quý, chủ khách sạn Phố Núi (thị trấn Sa Pa) thì: “Dù trời có đổ mưa, nhưng nếu chỉ mưa 1 - 2 ngày thì tình trang khan hiếm nước cũng không đỡ.”
“Mà để tháo gỡ được vấn đề này phải giải quyết được nút thắt của nó. Mà trong đó, lí do thiếu nước ở Sa Pa hiện có 3 nguyên nhân, thứ nhất là do hồ Thác Bạc và một số hồ nước khác đã cạn khô. Thứ hai là do đang vào vụ của người Mông, họ lấy nước về làm ruộng và thứ ba là bởi, nước được các hộ kinh doanh cá hồi dẫn về để nuôi cá”, anh Quý nói.
Hiện chưa có cách tháo gỡ giữa các bên, cũng như thông báo chính thức về ngày có nước sạch, nên anh Quý đành phải tìm cách để mang nước sạch về kinh doanh. Như các hộ kinh doanh khác phải mua nước sạch chuyển đến tận nhà với giá 200.000 - 250.000 đồng/m3, thì anh Quý tận dụng xe và téc nước có sẵn ra tận nguồn để mua.
Anh Quý cho biết: “Nếu ra tận nguồn của người quen cách nhà 3 - 4 km, tôi có thể mua nước sạch với giá 50.000 đồng/m3. Nếu khách lạ, họ sẽ thu 100.000 đồng/m3. Đó cũng là nước sạch, tuy nhiên, không được như nước nhà máy.”
“Nếu mua nước phục vụ nhu cầu ăn uống thì có thể mua loại 300.000 đồng/m3, loại này đã có thể uống luôn tại nguồn. Còn để phục vụ nhu cầu rửa xe cộ, rửa đồ thì có thể mua loại 30.000 đồng/m3, đây là nước bơm trực tiếp từ suối mà không qua lọc”, anh Quý cho biết thêm.
Giải quyết được nhu cầu thiếu nước, nhưng bài toán về kinh doanh thì anh Quý chưa tính được hết. Bởi hiện nay, mỗi phòng 2 khách thì đã tiêu thụ hết khoảng 1 khối nước, mà giá phòng thì lại không tăng để giữ khách.
Nhưng như khách sạn của anh Quý còn may mắn, vì có sẵn phương tiện để đi lấy nước thì mới có giá rẻ như vậy. Các khách sạn, nhà nghỉ khác phải mua 200.000 - 300.000 đồng/m3 thì không những hoà mà còn lỗ.
Không những vậy, giá nước có thể cũng đã hạ nhiệt so cách đây vài hôm, do người dân đã chủ động tìm được nguồn mua rẻ. Nếu giá nước vẫn giữ ở mức 500.000 đồng/m3 thì dịp nghỉ lễ tới đây, các khách sạn sẽ phân vân không biết có nên nhận khách nữa hay không.
Theo ghi nhận của PV, không giống các khách sạn nhỏ, hiện các khách sạn lớn cỡ 4 sao trở lên ở Sa Pa đang gặp vấn đề lớn hơn. Bởi theo quản lý tại một khách sạn, vì là khách sạn 4 sao, mà đa phần khách hàng lại là người Pháp nên chúng tôi phải mua chuẩn nước sạch. Nên trong mấy ngày mất nước, để đảm bảo cho khách dùng bình thường, chúng tôi phải mua với giá trung bình 500.000 - 900.000 đồng/m3, thậm chí còn lên tới 1 triệu đồng/m3. Không có cách nào khác, chúng tôi cũng chỉ xin khách sử dụng tiết kiệm để giảm thiểu chi phí.”
Mất nước ảnh hưởng tới việc kinh doanh là thế, nhưng theo chị Phạm Hoàng Ngân (Đội Cấn, Hà Nội), đại diện một công ty lữ hành thì, ở Việt Nam hiện nay, khách sạn chủ yếu bán qua công ty lữ hành nên sẽ có hợp đồng và có giá cho cả năm.
“Do đó, giá phòng sẽ không vì lí do mất nước mà thay đổi. Việc tăng giá phòng là có, nhưng sẽ có thể nằm ở phụ thu tháng cao điểm theo từng nơi”, chị Ngân cho biết thêm.