Sắp đến Tết Nguyên đán, nhu cầu mua rượu về sử dụng và biếu tặng của người tiêu dùng tăng nhanh. Cũng như mọi năm, nỗi lo lớn nhất của người tiêu dùng là mua phải rượu giả. Làm thế nào để phân biệt được rượu thật với rượu giả quả là vấn đề không đơn giản.
Rượu giả "giết người" như thế nào?
Các sản phẩm rượu giả không được kiểm soát trên thị trường Việt Nam đa phần là loại rượu có pha chế thêm phẩm màu hoặc methanol, một loại dung môi phổ biến. Methanol là một loại cồn công nghiệp. Đây là một chất siêu độc và siêu mạnh với cơ thể.
Chất độc methanol thường xuất hiện trong nhiều chế phẩm như được sử làm dung môi dùng để lau kính xe, dung dịch mực in cho máy photocopy, dung dịch tẩy rửa, làm lạnh, sản xuất sơn hoặc làm nhiên liệu cho các bếp lò nhỏ. Đây được coi như là một chất dung môi công nghiệp. Methanol được pha vào rượu để giảm giá thành, tăng dung tích rượu và là chất cực độc nếu uống vào cơ thể.
Methanol trong rượu gây ngộ độc theo hai phương thức là ngấm vào não bộ và gây ức chế bộ phận này.
Cách thứ hai và cũng là cách thức nguy hại nhất là methanol chuyển thành aldehyd tạo ra formaldehyd (còn gọi phoóc-môn). Những chất này gây độc cho các cơ quan như gan, thận, hệ thần kinh trung ương, hệ thần kinh thị giác, gây suy thận cấp, viêm gan, gan nhiễm độc, nghiêm trọng hơn là gây nên toan hóa máu nặng nề. Những người uống rượu giả lâu ngày có thể mờ mắt dẫn đến mù lòa, suy hô hấp, hôn mê, co giật, tụt huyết áp và tử vong nhanh chóng.
Độc tính của methanol tác động chủ yếu lên hệ thần kinh (nhất là thần kinh điều khiển thị giác) nên thường có biểu hiện loạng choạng, hoa mắt giống hệt cảm giác say rượu khiến người đã uống rượu hay lầm tưởng là say nhưng thực chất là bị ngộ độc.
Đặc biệt, trong rượu giả còn có nồng độ andehit vượt quá mức cho phép. Đây là hóa chất dùng trong quá trình sản xuất các sản phẩm nhựa, phẩm màu, nước hoa và dược phẩm. Hóa chất này nếu có trong rượu sẽ gây mù mắt.
Phân biệt rượu giả
Để phân biệt rượu thật với rượu giả, rượu kém chất lượng người tiêu dùng cần chú ý đến nguồn gốc của sản phẩm. Các loại rượu hiện nay có nhiều nguồn gốc khác nhau như: nhập ngoại, sản xuất tại các cơ sở, sản xuất tại hộ gia đình. Khi mua hoặc sử dụng cần phải chú ý các thông tin trên sản phẩm như: Sản phẩm phải còn nguyên đai, nguyên kiện, tem, mác, dấu niêm phong phải đầy đủ; trên bao bì có ghi rõ ngày tháng sản xuất, hạn sử dụng; tên, địa chỉ cơ sở sản xuất, người chịu trách nhiệm, thành phần chất lượng... Đối với rượu sản xuất tại hộ gia đình phải biết địa chỉ người sản xuất, tuyệt đối không mua những rượu không có nhãn mác, rượu đựng trong túi bóng, “nút lá chuối”...
Ngoài ra người tiêu dùng cũng có thể phân biệt, đánh giá chất lượng rượu bằng cảm quan như thông qua màu sắc, mùi, vị... Mỗi loại rượu có một đặc trưng về màu sắc, mùi vị riêng mà người sử dụng cần phải để ý phân biệt xem có gì khác thường không. Ví dụ rượu có mùi hắc mạnh thường là có nồng độ aldehyde cao rất nguy hiểm, rượu đảm bảo, (nhất là các loại rượu trắng) thường có mùi đặc trưng của các loại men, ngũ cốc tự nhiên.
Theo TS. Lâm Quốc Hùng, Trưởng phòng Giám sát ngộ độc thực phẩm, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, khi uống phải “nhấm” thử để cảm nhận tác động của rượu lên cơ thể, nếu là rượu giả, rượu kém chất lượng có hiện tượng khác lạ, nên ngừng sử dụng. “Để đảm bảo an toàn, khi sử dụng rượu nếu thấy có hiện tượng say hoặc các biểu hiện bất thường không được tự ý chữa bằng các biện pháp dân gian mà phải khẩn trương đưa đến các cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán và cấp cứu, xử lý một cách phù hợp”, ông Hùng nhấn mạnh.
Một số lưu ý mà người tiêu dùng có thể tham khảo để hạn chế khả năng mua phải rượu giả:
- Bề ngoài của chai rượu phải sạch sẽ và trong, không có trầm tích lắng đọng dưới đáy chai, mức rượu trong chai có sự đồng đều giữa các chai trong cùng một cửa hàng.
- Phải có tên tuổi, địa chỉ, nơi sản xuất, thời hạn sử dụng và điều kiện bảo quản cũng như có số đăng ký của Nhà nước. Trên tem và nút chai không có những vết xước giống như làm lại. Chiếc nút sắt của chai rượu khi quay ngược chiều kim đồng hồ để mở nút nếu có tiếng "cách" thì không mua.
Nếu là rượu thật thì đầu mút của nút sắt này phía dưới và phía trên phải khớp nhau. Chai rượu nào cũng phải có tem bảo hiểm nên khi mua cần quan sát kỹ tem này. Rượu giả thường được ghi sai chính tả, thông tin sản phẩm không rõ ràng.
- Kiểm tra đáy chai: Có một số loại rượu được làm giả bằng cách khoan một lỗ rất nhỏ, dưới đáy chai để rút rượu thật ra và bơm rượu giả vào. Do đó khi mua bạn cần quan sát thật kĩ dưới đáy chai, nếu thấy có dấu vết lạ thì không nên mua.
- Đối với rượu thật, khi uống thử phải có mùi thơm đặc trưng, cảm giác êm, không bị sốc thẳng lên mũi kiểu như cồn.
- Với những loại rượu có pha hương liệu thì phải chú ý đến thành phần của hương liệu đó, vì hiện nay có rất nhiều loại hương liệu không tốt cho sức khỏe.
- Nên lựa chọn các thương hiệu rượu đã quen sử dụng và mua hàng ở những nơi đáng tin cậy.