'Rồi châu Âu sẽ lại phải tìm đến khí đốt Nga'

GD&TĐ -Phân tích của Tiến sĩ Alan Riley tại Hội đồng Đại Tây Dương cho rằng, người châu Âu sẽ vẫn phải quay về với khí đốt của Nga.

Bất chấp căng thẳng trên chính trường EU, châu Âu có thể sẽ khôi phục nhập khẩu khí đốt Nga.
Bất chấp căng thẳng trên chính trường EU, châu Âu có thể sẽ khôi phục nhập khẩu khí đốt Nga.

Tạp chí National Interest đăng tải bình luận của Tiến sĩ Alan Riley tại Hội đồng Đại Tây Dương, Washington DC cho rằng, các nước châu Âu rồi sẽ phải quay trở về việc khôi phục nhập khẩu năng lượng của Nga.

Trong bài phân tích của mình, Tiến sĩ Alan Riley tin rằng, các nước châu Âu đã có lịch sử 50 năm quan hệ với Nga trong lĩnh vực khí đốt, đặc biệt là các nước Tây Âu.

Đại diện tiêu biểu nhất cho mối quan hệ này là cựu Thủ tướng Đức Gerhard Schroder. Với tư cách là Thủ tướng, ông đã dọn đường cho dự án đường ống Nord Stream 1, trở thành chủ tịch của dự án này sau khi ông rời nhiệm sở. Bên cạnh công việc này, ông còn là người kiên trì ủng hộ mối quan hệ năng lượng Đức-Nga ngày càng bền chặt hơn.

Theo nhà phân tích Mỹ, với những chính trị gia như ông Schroder, việc xảy ra một cuộc chiến như ở Ukraine không làm thay đổi những quan điểm mang tính ảnh hưởng lợi ích của nhà nước như việc chấm dứt hoạt động xuất nhập khẩu khí đốt của Nga.

Hiện tại, đúng là xuất khẩu khí đốt qua đường ống của Gazprom sang Liên minh châu Âu đã bị đình trệ và có tương lai sẽ dừng hẳn. Tuy nhiên, nhiều nhà lãnh đạo doanh nghiệp và chính trị ở Tây Âu muốn trở lại “trạng thái bình thường” càng sớm càng tốt.

Ngay tại Đức, Thủ hiến bang Sachsen Michael Kretschmer đã kêu gọi sửa chữa đường ống Nord Stream 1 và khôi phục dòng khí đốt của Nga. Tại Ý, cựu giám đốc điều hành của công ty năng lượng Eni - ông Paolo Scaroni đã được bầu làm chủ tịch tập đoàn năng lượng khổng lồ ENEL của nước này.

Vị tiến sỹ người Mỹ cho rằng, bất chấp tất cả những gì đang diễn ra công khai trên chính trường Tây Âu về các lệnh trừng phạt Nga, các biện pháp thắt chặt lách lệnh trừng phạt, các tuyên bố về việc cắt đứt hoàn toàn quan hệ năng lượng với Nga thì những người như như ông Gerhard Schroder hay Paolo Scaroni sẽ vẫn tìm cách để tiếp tục hợp tác với Nga bằng cách trực tiếp hay gián tiếp.

Thoại nhìn thì có vẻ các tuyên bố và hành động của giới chức châu Âu là thật. Nhập khẩu khí đốt qua đường ống của Nga sang châu Âu đã giảm từ 40%, lượng nhập khẩu của châu Âu xuống còn khoảng 5%. Nhà nhập khẩu khí đốt lớn nhất của Nga là Đức đã đảm bảo một số bến cảng, tàu chứa để nhập khẩu LNG. Các bộ trưởng Đức liên tục nhắc lại các luận điểm về đa dạng hóa năng lượng. Đức sẽ lấy khí đốt tự nhiên, LNG, gió, năng lượng mặt trời của Na Uy - bất cứ thứ gì ngoại trừ khí đốt của Nga...

Tuy nhiên, khí gas tự nhiên của Nga vẫn chưa hoàn toàn biến mất. Trên thực tế, trên khắp EU, nhập khẩu LNG của Nga hiện chỉ đứng ở vị trí thứ hai sau nhập khẩu LNG của Mỹ.

Thủ hiến bang Sachsen Michael Kretschmer, người từng đề nghị nối lại đường ống Nord Stream, đã cho dừng hẳn các nhà máy điện hạt nhân cuối cùng ở Đức hôm 15/4. Ông cũng như nhiều chính trị gia ủng hộ quan điểm hợp tác với Nga tin rằng sẽ rất khó để cung cấp cho Đức đủ nguồn năng lượng thay thế nếu việc nhập khẩu khí đốt của Nga chấm dứt hoàn toàn.

Việc mất tổng cộng sáu nhà máy điện hạt nhân trong ba năm qua làm tăng nhu cầu về điện nhiều hơn, cùng các hạn chế về quy hoạch điện gió và không ai muốn quay lại việc sử dụng điện than (dù điều đó đang xảy ra ở Đức), khiến nước này chưa thể có phương án hoàn hảo để thay thế hoàn toàn khí đốt của Nga.

Tất cả những người Đức ủng hộ kết nối năng lượng với Nga là vì một mùa đông thực sự lạnh giá sắp tới và việc Trung Quốc mua toàn bộ khí đốt tự nhiên hóa lỏng trên thị trường toàn cầu khiến giá khí đốt tự nhiên tăng lên đáng kể.

Vào thời điểm đó, một phương án tiết kiệm nhất mà ông Schroder và Thủ hiến bang Sachsen yêu thích là bỏ ra 500 triệu USD để sửa chữa đường ống Nord Stream 1 và mọi thứ sẽ lại trở lại như bình thường.

Đáng chú ý là việc hợp tác với Nga không chỉ được kêu gọi ở Đức. Các chính trị gia và giám đốc điều hành doanh nghiệp châu Âu khác như ông Paolo Scaroni cũng đang được thúc đẩy để tận dụng mọi mối quan hệ để xúc tiến việc trở lại làm ăn với Nga.

Trước khi được bổ nhiệm làm Chủ tịch Tập đoàn năng lượng khổng lồ ENEL, ông Scaroni đã là Giám đốc điều hành của công ty năng lượng lớn khác của Ý, ENI, và đã phát triển mối quan hệ bền chặt với giới chức năng lượng Nga.

Ông cũng hỗ trợ và tài trợ một phần cho dự án Dòng chảy phương Nam (South Stream) nhằm cung cấp một tuyến đường vận chuyển thay thế cho khí đốt của Nga vào châu Âu, tránh né lối đi qua Ukraine. Công ty năng lượng ENI dưới thời ông Scaroni cũng duy trì các hợp đồng khí đốt dài hạn với Gazprom và mua lại các mỏ khí đốt ở Nga.

Trong các tuyên bố mới đây, ông Scaroni duy trì quan điểm cho rằng, Ý cần khí đốt của Nga trong một thập kỷ nữa và phản đối các lệnh trừng phạt.

Khi Nga đáp trả các lệnh trừng phạt mà châu Âu áp đặt vào họ vì cuộc xung đột ở Ukraine, người tiêu dùng năng lượng châu Âu đã chịu hậu quả mạnh mẽ nhất. Châu Âu phải bỏ ra chi phí nhập khẩu năng lượng một cách khổng lồ, chi phí vào năm 2022 cao gấp ba lần so với năm 2021.

Tiến sỹ Mỹ tin rằng, trong tương lai, không quá khó để tin rằng, ông Scaroni cùng với những người ủng hộ năng lượng Nga ở châu Âu như cựu Thủ tướng Gerhard Schroder sẽ thúc đẩy hành lang để nối lại việc nhập khẩu khí đốt Nga.

Tiến sỹ Alan Riley tin rằng, chỉ cần những cú hích nhẹ: Một mùa đông lạnh giá ở châu Âu, giá khí đốt tự nhiên hóa lỏng tăng cao và những gì cần thiết cho việc tái nhập khẩu khí đốt của Nga sẽ liên tục được nhắc đến.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ