Robot “chống” Covid-19 thương hiệu Việt

Robot “chống” Covid-19  thương hiệu Việt

Hỗ trợ lau sàn

Để ứng phó với dịch Covid-19, các chuyên gia đề xuất cần nhiều robot thay thế nhân viên y tế tại các khu cách ly để đưa thức ăn, thuốc men, lau sàn, dọn rác... qua đó hạn chế tiếp xúc trực tiếp, giảm nguy cơ lây nhiễm bệnh. Bộ Khoa học và Công nghệ đã giao Học viện Kỹ thuật Quân sự chế tạo robot đưa cơm, đưa thuốc, dọn rác, kết nối bác sĩ với bệnh nhân qua hệ thống đường truyền. Sản phẩm đã được đưa vào sử dụng trong thực tế.

Riêng robot lau sàn, Bộ Khoa học và Công nghệ giao cho Viện Ứng dụng Công nghệ chế tạo. Robot, có tên gọi là NaRoVid1, đã được thử nghiệm tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội từ ngày 15/4.

PGS.TS Mai Anh Tuấn, Trưởng nhóm nghiên cứu đề tài cho biết, robot có thể chứa tối đa 10 lít dung dịch khử khuẩn trong một lần hoạt động và làm việc liên tục trong vòng 2 giờ đồng hồ. Nhờ được gắn các cảm biến, robot có thể tự động di chuyển, tránh mọi vật cản trên đường. Robot có thể dễ dàng đi dưới giường bệnh, hay vào mọi ngóc ngách của phòng để vệ sinh và khử khuẩn. Đặc biệt, NaRoVid1 có thể khử khuẩn chính mình trước khi ra khỏi phòng cách ly. Đây là một tính năng mới, bảo đảm đúng quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn. NaRoVid1 cũng có tính năng di chuyển theo thiết lập của người vận hành, tự động về vị trí sạc sau khi kết thúc chu trình.

ThS.BS Trần Minh Quân, Phó Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở Kim Chung cho hay, việc ứng dụng robot giúp các y, bác sĩ tiết kiệm nhiều thời gian, giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm. Khả năng chứa dung dịch của robot cũng giúp cho việc tiếp thêm dung dịch khử khuẩn được giãn cách, nếu cứ 30 phút lau một lần, robot mất khoảng 15 phút để hoạt động, như vậy một ngày nhân viên y tế chỉ cần 3 lần bổ sung dung dịch, thay vì phải ra vào phòng bệnh đến hàng chục lần một ngày nếu lau thủ công.

Khử khuẩn phòng kín, tự động sát khuẩn tay

Robot “chống” Covid-19  thương hiệu Việt ảnh 1
Bệnh nhân có thể tương tác với bác sĩ thông qua hệ thống đường truyền được gắn trên robot.

Trước NaRoVid1, nhiều sản phẩm tự động do người Việt Nam phát triển đã được nghiên cứu, chế tạo thành công. Đây là những công cụ hỗ trợ đắc lực, được sản xuất cấp tốc để kịp thời, nhanh chóng tham gia vào “cuộc chiến” chống đại dịch. Theo đó, nhóm các nhà nghiên cứu trẻ và sinh viên tại Phòng Thí nghiệm Trọng điểm Công nghệ Mico-Nano (VMINA LAB) thuộc Trường Đại học Công nghệ, ĐHQGHN (VNU-UET), vừa trình làng bộ đôi sản phẩm: Máy sát khuẩn tay và máy khử khuẩn phòng kín tự động. Cả 2 thiết bị này đã được thí nghiệm kiểm tra khả năng sát khuẩn và tối ưu hóa vận hành, công năng.

Nghiên cứu sinh Hồ Anh Tâm, thành viên nhóm nghiên cứu cho biết, hiện các sản phẩm như máy rửa tay hay buồng khử khuẩn được thiết kế, chế tạo khá nhiều, nhưng một lĩnh vực chưa được chú tâm là khử khuẩn ở các khu vực kín như phòng họp, phòng học, nơi tập trung đông người mà lượng không khí lưu thông lại hạn chế. Đây chính là môi trường thích hợp để virus Corona lây lan với tốc độ nhanh bởi các giọt bắn thường rất nhỏ, mắt người không thể nhìn thấy. Trong khi dịch bệnh có thể còn kéo dài, mà các hoạt động bình thường thì không thể dừng lại mãi. Để hạn chế điều này, nhóm đã nghiên cứu và thử nghiệm thành công máy khử khuẩn trong phòng kín tự động.

Thực trạng là ở rất nhiều nơi có trang bị một chai dung dịch rửa tay sát khuẩn, mọi người khi ra vào đều dùng chung một lọ dung dịch này. Vậy nên, nhiều khi chính chai nước sát khuẩn lại là nguồn lây nhiễm. Giải pháp của các nhà khoa học trẻ là máy tự động bơm dung dịch rửa tay sát khuẩn cho người dùng. Theo đó, không cần phải chạm vào bất cứ thiết bị nào, chỉ cần đưa hai bàn tay vào buồng sát khuẩn, 4 vòi tự động sẽ phun dung dịch sát khuẩn lên bề mặt da tay và ngắt khi đã phun đủ thời lượng tối ưu. Điều này vừa tiết kiệm dung dịch mà vẫn bảo đảm chắc chắn khả năng sát khuẩn. Thiết bị được tích hợp trên một chân đế chắc chắn, di chuyển được và rất phù hợp đặt tại sảnh các công sở, cơ quan, khách sạn... nơi có nhiều người qua lại.

Điều thú vị của chiếc máy sát khuẩn tay này là khi có người đi tới, máy sẽ phát ra lời nhắc cần thiết phải rửa tay sát khuẩn để phòng bệnh. Do đó, không cần có người phải ngồi trông giữ máy hay nhắc nhở người khác. Hiện nhóm nghiên cứu đã hoàn thiện sản phẩm và sẵn sàng chuyển giao công nghệ cho các đơn vị có nhu cầu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức năm 2024. Ảnh: VNU-HCM

Trường ĐH KHXH&NV TPHCM tuyển mới 3 ngành

GD&TĐ - Kinh doanh thương mại Hàn Quốc, Quốc tế học và Nghệ thuật học lần đầu được Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM tuyển sinh.