Rèn thể chất tại nhà cho trẻ: Bố mẹ hãy là bạn tập của con

GD&TĐ - Ngay từ nhỏ, trẻ cần phải học được rằng, sức khỏe là tài sản quý nhất, góp phần quan trọng làm nên thành công, hạnh phúc của mỗi người.

Ảnh minh họa. IT.
Ảnh minh họa. IT.

Có sức khoẻ, trẻ sẽ có nền tảng tốt cho học tập và tham gia chinh phục nhiều mục tiêu trong cuộc sống.

Tập thể thao từ lúc sơ sinh

Các chuyên gia y tế cho rằng, chăm rèn luyện thể chất sẽ giúp trẻ luôn khoẻ mạnh và giàu năng lượng tích cực. Tuy nhiên, hiện nay không ít trẻ có biểu hiện lười vận động, dẫn đến những hệ lụy đáng báo động như cơ thể trì trệ, tinh thần mệt mỏi,…

Theo Thạc sĩ - bác sĩ Đặng Thị Ngọc Sen, Phó Trưởng khoa Nội Nhi Tổng hợp, Bệnh viện E, có nhiều nguyên nhân dẫn đến trẻ lười thể dục, thể thao. Có thể do từng bị chấn thương trong khi tập khiến bé sợ; Cũng có thể do không có thói quen… Bởi vậy, cha mẹ cần hiểu rõ nguyên nhân, từ đó tìm ra phương pháp thích hợp, giúp trẻ tiếp cận và ngày càng chủ động trong việc chơi thể thao, rèn thể lực.

Cha mẹ có vai trò vô cùng quan trọng trong việc giúp trẻ rèn luyện và tạo thói quen chăm vận động. Ngay từ lúc trẻ còn rất nhỏ (giai đoạn sơ sinh, nhũ nhi) trẻ đã cần được bố mẹ giúp “tập thể dục thụ động”. Các bài tập như mát xa giúp trẻ lưu thông máu, khoan khoái, kích thích tăng trưởng. Hay vỗ ợ hơi trước và sau ăn đúng cách sẽ giúp trẻ ợ hơi tốt, ăn ngon hơn, giảm nôn trớ và ngủ sâu giấc hơn…

Khi lớn hơn, cơ quan vận động hoàn thiện hơn, nhận thức cũng phát triển phù hợp theo lứa tuổi, trẻ sẽ tăng nhu cầu vận động chủ động. Tuy nhiên, trẻ chưa biết cách “tập thể dục”, hay lựa chọn những động tác phù hợp. Trong từng giai đoạn, bố mẹ nên có những bài tập vận động hỗ trợ con.

Ví dụ, khi trẻ 5 - 12 tháng tuổi, bố mẹ có thể cùng bò, cười, lắc đầu, nhảy, lăn… chơi với con. Khi trẻ trên 2 tuổi: Tập hít thở sâu (giống yoga), động tác eorobic, nhảy giúp trẻ tăng cảm giác đói, giảm cân. Bố mẹ có thể hướng dẫn trẻ các động tác của múa, nhún nhảy tốt cho cơ bụng, hít thở sâu để hỗ trợ điều trị táo bón.

Ảnh minh họa: IT.
Ảnh minh họa: IT.

Hãy là bạn tập của con

Thạc sĩ - bác sĩ Đặng Thị Ngọc Sen cho rằng, cách tốt nhất để tạo thói quen chăm vận động cho trẻ là để con tham gia các bài tập cùng bố mẹ. Việc này có rất nhiều lợi ích: Giúp phòng ngừa bệnh, tăng cường sức khỏe, tăng sức đề kháng để phòng bệnh.

Tập luyện còn có tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh (tập yoga cùng trẻ lớn, tập thở hít sâu trong điều trị bệnh hô hấp). Cùng với đó là hỗ trợ quá trình tăng trưởng thể chất ở trẻ.

Nhịp sống hiện đại khiến thời gian gia đình bên nhau càng bị thu hẹp do công việc, học tập, nhiều mối quan tâm khác.

“Hãy chọn thời điểm phù hợp để tập luyện. Sau khi ngủ dậy, trẻ lớn có thể tập nhẹ nhàng giúp nhuận tràng. Không nên dậy quá sớm và tập trước khi có ánh sáng ban ngày. Vì khoa học đã chứng mình không khí lúc đó còn nhiều vẩn đục ô nhiễm ở tầng thấp. Phải nghỉ tập thể dục trước khiăn 20 - 30 phút để tránh bị đau dạ dày. Tuyệt đối không nên vận động mạnh ngay sau bữa ăn.

Trước đi ngủ nên vận động tác nhẹ nhàng để giúp cơ thể thư giãn ngủ ngon, không làm mỏi hơn cơ bắp hay tăng gánh nặng tim mạch, thận và gan vì phải tăng chuyển hóa”, Thạc sĩ - bác sĩ Đặng Thị Ngọc Sen lưu ý.

Việc làm nhỏ - tác dụng lớn

Cha mẹ có thể hỗ trợ con rèn luyện thể lực ngay từ những việc làm nhỏ nhặt thường ngày. Làm việc nhà cũng là một phương thức hay để vận động cơ thể. Trẻ từ mẫu giáo lớn đã có thể mang áo quần áo bỏ vào máy giặt. Trẻ cũng có thể hỗ trợ bố mẹ nhặt rau, rửa bát, nấu ăn, hút bụi, quét nhà hay sắp xếp đồ đạc, vật dụng…

Bố mẹ có thể tạo môi trường vận động và cho phép con nhún nhảy qua những chướng ngại vật tự tạo trong nhà. Bên cạnh đó, hãy tạo điều kiện để trẻ được tham gia thêm các hoạt động thể thao ngoài trời cùng bố mẹ như, chạy bộ, đạp xe, bơi lội,…

Theo PGS.TS.BS Tôn Nữ Vân Anh (Trung tâm Nhi – Bệnh viện TƯ Huế), vì những lợi ích to lớn cho trẻ, cha mẹ hãy dành thời gian để tham gia hoạt động thể chất với con mỗi ngày. Đơn giản nhất, bạn có thể dậy sớm để đi dạo cùng con và đi bộ cùng con sau bữa ăn tối. Hãy bắt đầu bằng các bài tập nhẹ nhàng rồi nâng cao dần, con bạn sẽ trở nên khỏe khoắn hơn, vui tươi hơn.

Quan trọng hơn, việc này giúp hình thành thói quen yêu vận động và rèn luyện thể chất cho trẻ. Cần lưu ý chọn môn thể thao phù hợp với thể trạng, năng khiếu và sở thích để phát huy năng lực và tinh thần tập luyện cho con bạn.

“Không thể phủ nhận giá trị của việc tập thể thao đối với quá trình nuôi dạy trẻ. Tuy nhiên, dù con bạn có chơi bộ môn nào thì cũng cần chú ý đến sự điều độ và phù hợp nếu không sẽ gây phản tác dụng.

Ví dụ, học sinh tiểu học nên tập luyện đều đặn mỗi ngày khoảng 15 - 30 phút theo phương pháp nhất định để giúp thân thể của khỏe mạnh, trí óc minh mẫn, tinh thần sảng khoái, hứng khởi học tập”, PGS.TS.BS Tôn Nữ Vân Anh nhấn mạnh.

Những trẻ năng vận động thường lanh lợi hơn vì khi được rèn luyện thể lực tốt sẽ kéo theo khả năng tập trung cho việc học và các hoạt động khác tốt hơn rất nhiều. Một số nghiên cứu nhận định rằng, rèn luyện thân thể giúp làm giảm những căng thẳng, lo lắng cho trẻ, cải thiện trạng thái trầm cảm ở trẻ, đặc biệt tạo cho trẻ cảm giác sống yêu đời hơn và giúp trẻ ngủ thật ngon giấc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Những ký ức trong tim

Những ký ức trong tim

GD&TĐ - Những năm tháng học trò là quãng thời gian đáng nhớ nhất, là lúc ta được trải nghiệm những giây phút vui buồn, với bao nhiêu khoảnh khắc không thể phai nhạt.