(GD&TĐ) - Lâu nay, hình ảnh và vị thế của người thầy luôn uy nghi, lớn lao trong mắt học sinh. Có thể có bậc phụ huynh không thể bảo ban được đứa con hư, nhưng câu nói: “Nếu không nghe, không tiến bộ, bố, mẹ sẽ mách thầy giáo” là lập tức có tác dụng ngay. Rất nhiều trường hợp giáo viên, thay mặt gia đình, giáo dục những đứa con hư hỏng của một số gia đình trở thành đứa con ngoan.
Ảnh (internet) |
Nhưng muốn vậy, người thầy phải có cái uy của mình.
Cái uy, không cố tạo nên mà có thể có được. Cũng như một vị sếp, một danh nhân, nghệ sĩ...nào đó cũng vậy. Nếu thực sự bản thân không có tài cán gì, và cũng không có nhân cách tỏa sáng từ suy nghĩ và hành vi...thì không thể tạo cho mình cái uy. Cái uy khiến mọi người nể phục, kính trọng và nhắc đến, trầm trồ, muốn làm theo...phải có từ cốt cách, tinh thần, trí tuệ và giỏi chuyên môn, có đạo đức, sống nhân ái, sẵn sàng hy sinh vì quyền lợi chung...Đó tuyệt nhiên không phải là mẹo vặt, xảo thuật, và càng không phải là những mưu mô chước quỷ.
Với người thầy, giỏi chuyên môn, dám hy sinh và dấn thân vì nghề, vì trò-vì quyền lợi và lý tưởng của nghề mà mình đang theo đuổi. Đó là điều mà mỗi thành viên trong xã hội đều ghi nhận và biết đến.
Tuy nhiên, phàm đã là người, ai cũng có lúc sai lầm. Quyền chức càng cao, sai lầm càng lớn. Có ai nắm tay được từ sáng đến tối? Nhưng, để hạn chế sai lầm và tránh được sai lầm, khuyết điểm, cũng đòi hỏi phải có bản lĩnh và sự kiên định. Bản lĩnh về chuyên môn, nhân cách. Bản lĩnh và cách ứng xử về những sức ép của xã hội, hoặc cá nhân.
Cách đây mấy năm, có một vị Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh T.B, đại biểu Quốc hội, đã mắc sai lầm trong quản lý, làm ảnh hưởng đến uy tín của ngành và mất niềm tin trong quần chúng nhân dân. Kết quả là vị giám đốc phải hầu tòa. Điều đáng nói là ở cương vị như vậy, vị giám đốc này đã không có đủ bản lĩnh để từ chối những khoản lợi nhuận “trời ơi” bỗng nhiên mà có. Lại một Hiệu trưởng-giáo viên ở một tỉnh phía Bắc biên cương –chỉ vì nhục cảm bệnh hoạn, đã vào tù và khiến những học sinh của mình vào vòng lao lý. Đó đây, cũng có những học sinh đổi tình lấy điểm, theo sự thỏa thuận của thầy...
Đó là những con sâu bỏ rầu nồi canh. Những hiện tượng-bức tranh tối màu ấy-nếu ở ngành khác thì cũng đã đáng lên án lắm rồi, nhưng với những người làm công tác trong ngành sư phạm hậu quả gây nên rất nặng nề. Và, dư luận xã hội không dễ nguôi quên...
Những bài học từ việc chọn lựa nhân sự, nhất là trong ngành GD-cho đến bây giờ và mãi mãi-không bao giờ cũ.
Mấy ngày qua, dư luận xôn xao về việc dạy sai kiến thức của một cô gíao dạy văn về “món canh gà” Thọ Xương trong một bài ca dao về cảnh đẹp của Hồ Tây, Hà Nội khiến dư luận bất bình. Thực hư tới mức độ nào, không ai dám quả quyết, bởi bây giờ ngay một số học sinh cũng không dám chắc cô giáo mình có dạy như thế hay không. Chỉ biết, nỗi đau về nghề, về nhân thế trong cô và những đồng nghiệp là có thật.
Cô giáo đã xin lỗi, vì ai cũng có lúc-vì lý do riêng mà đôi khi mình không kiểm soát được - nên đã để xảy ra câu chuyện tày trời này. Nhưng, dấu ấn, ký ức của cô sẽ không dễ phai nhòa bởi cô là người hiểu hơn ai hết, những áp lực về nghề, về danh dự cá nhân mình đã bị ảnh hưởng lớn trong thời gian qua.
Mỗi sai lầm –đều có thể điều chỉnh. Nhưng không phải sai lầm, khuyết điểm nào cũng chỉ một lời xin lỗi là xong.
Với giáo viên, sự sai lầm phải trả giá bằng nước mắt, bằng danh dự, bằng nỗi đau mà không chỉ riêng mình gánh chịu.
Đó đây, tôi biết, trong mỗi trường học, vẫn có những giáo viên vì bận rộn, mưu sinh, vì một lý do cá nhân nào đó, chưa tâm huyết hết với nghề và có thể còn dạy chưa hết mình trong sự đam mê. Hoặc cũng có thể lên lớp dạy chưa chuẩn về kiến thức. Nhưng, chắc chắn, mỗi GV đó đều day dứt với lương tâm vì mình đã chưa làm tròn bổn phận với thế hệ trẻ, với xã hội.
Có những GV, ân hận rơi nước mắt, trước lớp, đứng ra nhận sai lầm vì trong lúc sơ xuất, dạy thiếu, dạy sai, hoặc cư xử với học sinh chưa đúng.
Mỗi lời xin lỗi, trước học sinh, thực ra rất khó. Nhưng không có nghĩa là chúng ta không thể làm được. Nhận ra sai lầm để sửa, đó là sự thông minh nhất, và đáng nể trọng.
Một lá thư của học sinh cũ hiện đang đi du học ở nước ngoài, gửi thầy giáo cũ nhân ngày khai trường của trường nọ, đã viết: “Hôm ấy, thầy mắng em oan, vì em đâu có lười học bài. Mà vì hôm ấy, em về quê thăm ông ngoại em ốm nặng. Biết sự thật, thầy đã xin lỗi em trước cả lớp. Em biết ơn thầy và kính trọng thầy. Lời xin lỗi của thầy, đã khiến em suy nghĩ rất nhiều. Vâng, ai cũng có thể mắc lỗi, vấn đề có nhận ra và biết sửa lỗi hay không, phải không thầy...”.
Trong môi trường sư phạm nói riêng và trong xã hội nói chung, cần biết bao sự xám hối, ăn năn và lời xin lỗi...khi mỗi chúng ta mắc phải.
Sa Mộc