Ngày 28-7, Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và Phát triển sinh vật VQG Phong Nha – Kẻ Bàng (Quảng Bình) – cho biết đơn vị vừa tiếp nhận một cá thể Khỉ mặt đỏ từ gia đình bà Phạm Thị Châu (trú thôn Nam Sơn, xã Mai Hóa, huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình).
Đồng thời Trung tâm đã tiến hành kịp thời công tác cứu hộ, chăm sóc và theo dõi nhằm giúp loài này phục hồi các tập tính hoang dã để thả về môi trường tự nhiên.
Bàn giao cá thể Khỉ mặt đỏ cho các cơ quan chức năng để kịp thời bảo tồn - ảnh do VQG Phong Nha – Kẻ Bàng cung cấp
Đầu năm 2015, một lần qua làm ăn ở tỉnh Khăm Muộn (Lào), thấy người dân bán một cá thể Khỉ mặt đỏ nên bà Phan Thị Châu đã bỏ tiền mua về để nuôi làm cảnh. Trước sự vận động của lực lượng Kiểm lâm huyện Tuyên Hóa, ngày 22-7 gia đình bà Châu đã quyết định giao nộp cho Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và Phát triển sinh vật thuộc VQG Phong Nha – Kẻ Bàng để tiến hành cứu hộ và thả về môi trường tự nhiên nơi này.
Được biết, Khỉ mặt đỏ có tên khoa học là (Macaca arctoides – thuộc nhóm IB nằm trong sách Đỏ Việt Nam) là loài động vật rừng nguy cấp và cực kỳ quý hiếm. Ngày 30-3-2006, Chính phủ đã ban hành Nghị định 32/2006/NĐ-CP về các quy định cấm săn bắt và bảo tồn loài động vật này.