Ra mắt “Trung tâm nghiên cứu sức khỏe thông minh” tại Đại học VinUni

GD&TĐ -  Đại dịch Covid-19 đã làm quá tải hệ thống y tế của Việt Nam. Để giải quyết vấn đề này về dài hạn, cần phát triển nhân lực và ứng dụng công nghệ.

Lễ khai trương Trung tâm Nghiên cứu sức khỏe thông minh VinUni-Illinois (VISHC).
Lễ khai trương Trung tâm Nghiên cứu sức khỏe thông minh VinUni-Illinois (VISHC).

Đại học VinUni (VinUni) và Đại học Illinois Urbana-Champaign (UIUC) - Mỹ - vừa ra mắt Trung tâm Nghiên cứu Sức khỏe Thông minh VinUni-Illinois (VISHC), hợp tác hoạt động trong lĩnh vực công nghệ sinh học và khoa học dữ liệu.

Đây là dự án được Tập đoàn Vingroup tài trợ 13,5 triệu USD hướng tới mục tiêu xây dựng và phát triển các công trình nghiên cứu có tác động tích cực đến sức khỏe của con người với chi phí thấp và dễ tiếp cận.

Động lực để thành lập Trung tâm này, theo ông Minh Đỗ - Giám đốc Trung tâm VISHC, Phó Hiệu trưởng danh dự VinUni - chính là vì đại dịch Covid-19 đã làm quá tải hệ thống y tế của Việt Nam. Để giải quyết vấn đề này về dài hạn, cần phát triển nhân lực và ứng dụng công nghệ.

Chia sẻ tác động của Trung tâm VISHC đối với vấn đề nhân lực y tế, GS Minh Đỗ cho biết: Với Viện Khoa học sức khỏe, Trung tâm mong muốn đào tạo các bác sỹ và điều dưỡng am hiểu kỹ thuật - công nghệ. Để giải quyết các vấn đề trọng yếu về y tế, đòi hỏi chúng ta phải hiểu sâu và có cách tiếp cận liên ngành. Trung tâm kỳ vọng sẽ có thể bổ sung nhiều nhân lực tốt nghiệp các chương trình sau đại học có cách tiếp cận này.

Bên cạnh đó, với Viện Kỹ thuật và Khoa học máy tính, Trung tâm góp phần thay đổi nền giáo dục, thông qua cách tiếp cận liên ngành và làm nghiên cứu giải quyết các vấn đề thực tế.

Ông Minh Đỗ - Giám đốc Trung tâm VISHC, Phó Hiệu trưởng danh dự VinUni.

Ông Minh Đỗ - Giám đốc Trung tâm VISHC, Phó Hiệu trưởng danh dự VinUni.

Theo Phó Hiệu trưởng danh dự VinUni, đây là tiền đề tạo ra những chuyển đổi căn bản trong nền giáo dục: Từ nền giáo dục cổ điển - sinh viên học trên lớp, tốt nghiệp và tham gia lực lượng lao động, thành nền giáo dục mới - sinh viên học tập suốt đời, không ngừng trau dồi, nâng cao trình độ chuyên môn thông qua các công cụ như học trực tuyến. Chỉ có hoạt động nghiên cứu mới có thể tạo ra chuyển đổi đó.

Trung tâm sẽ định hình các mô hình dạy và học mới với cách tiếp cận liên ngành kết hợp cùng các khía cạnh hiện đại của y học, công nghệ và kỹ thuật. Các dự án của Trung tâm thực sự đáp ứng nhu cầu này và tạo cơ sở hình thành các viện đào tạo y khoa tập trung vào kỹ thuật - công nghệ, tức đào tạo ra các bác sỹ am hiểu về công nghệ và vận dụng công nghiệp trong công việc chuyên môn của mình.

GS Thanh H. (Helen) Nguyen – Giảng viên xuất sắc Khoa Kỹ thuật môi trường, Trường Kỹ thuật Grainger, UIUC - Chủ nhiệm dự án nghiên cứu về kiểm soát Covid-19 và những mầm bệnh khác thông qua giám sát dịch tễ nước thải.
GS Thanh H. (Helen) Nguyen – Giảng viên xuất sắc Khoa Kỹ thuật môi trường, Trường Kỹ thuật Grainger, UIUC - Chủ nhiệm dự án nghiên cứu về kiểm soát Covid-19 và những mầm bệnh khác thông qua giám sát dịch tễ nước thải.

Trung tâm nghiên cứu VISCH sẽ tập trung nghiên cứu và hỗ trợ các dự án trong 4 lĩnh vực chính: Phát triển thiết bị chăm sóc tại chỗ; Chăm sóc và chẩn đoán từ xa; Giám sát dịch tễ nước thải; Máy học liên kết trong y học chính xác.

Mỗi dự án nghiên cứu của VISHC đều sẽ do ít nhất một giáo sư VinUni và một giáo sư từ UIUC dẫn dắt. Các học giả và nghiên cứu sinh của VinUni tham gia nghiên cứu tại VISHC đều có cơ hội được học tập nghiên cứu từ 1-2 năm tại UIUC và ngược lại. VISHC sẽ liên kết đào tạo hai trường UIUC và VinUni cho Việt Nam 50 thạc sỹ, 50 tiến sỹ và 10 học giả sau Tiến sỹ trong những ngành khoa học công nghệ then chốt cho sức khoẻ thông minh.

Hợp tác được tiến hành trên cơ sở tận dụng tối ưu thế mạnh mỗi bên. UIUC là một trường đại học uy tín có bề dày hơn 150 năm kinh nghiệm trong nghiên cứu khoa học công nghệ có tác động mạnh mẽ tới cuộc sống. Trường hiện xếp hạng thứ 4 về đào tạo sau đại học trong lĩnh vực Kỹ thuật Máy tính và thứ 3 về Kỹ thuật Môi trường, đồng thời nằm trong Top 15 trường đại học có nhiều nhà khoa học đạt giải Nobel nhất trên thế giới.

VinUni là một trường đại học có tư duy đổi mới sáng tạo, có đội ngũ giảng viên và sinh viên tài năng. Là một thành viên của Tập đoàn Vingroup, liên kết chặt chẽ với hệ thống y tế Vinmec và các công ty công nghệ cao như VinAI, VinBigData, VinBrain…, VinUni có lợi thế về môi trường nghiên cứu, thử nghiệm và sản xuất. Đặc biệt trường có thể triển khai các nghiên cứu liên ngành, kết hợp giữa công nghệ số và y học chính xác theo mô hình 4P (Predictive: dự đoán; Preventive: dự phòng; Personalized: cá thể hoá; Participatory: tham gia).

Chuỗi hội thảo đầu tiên về Sức khoẻ thông minh được phối hợp tổ chức bởi VinUni và UIUC thu hút gần 200 học giả, nhà nghiên cứu… tham dự.

Chuỗi hội thảo đầu tiên về Sức khoẻ thông minh được phối hợp tổ chức bởi VinUni và UIUC thu hút gần 200 học giả, nhà nghiên cứu… tham dự.

Giáo sư Brian Cunningham, Giám đốc Trung tâm Chuẩn đoán Hệ gen tại UIUC - người đồng thời tham gia dẫn dắt dự án nghiên cứu về Chăm sóc và chẩn đoán từ xa cho các hệ thống y tế thông minh theo hướng dữ liệu tại VISHC chia sẻ:

Sinh viên VinUni được đào tạo rất tốt về kỹ thuật, khoa học máy tính và đều là những nhà nghiên cứu triển vọng trong tương lai. Đội ngũ Giảng viên của VinUni cũng là những nhà khoa học rất xuất sắc. Tất cả đều mong muốn được tạo ra những tác động tích cực cho cộng đồng và cho thế giới thông qua công nghệ y học thông minh. Tôi tin rằng, việc hợp tác và tận dụng thế mạnh của mỗi bên sẽ giúp chúng tôi đạt được nhiều thành tựu to lớn hơn so với việc chỉ làm một mình.

TS. Lê Mai Lan - Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup, Chủ tịch Trường ĐH VinUni - nhấn mạnh: Tại VinUni, chúng tôi tin vào khoa học phụng sự nhân loại. Làm khoa học không chỉ để viết ra và xuất bản các bài báo khoa học, mà phải giúp nâng cao chất lượng cuộc sống của con người. Trung tâm có thể góp phần vào công tác dự báo và dự phòng cho người dân và các cơ sở y tế để sẵn sàng ứng phó trước các dịch bệnh như Covid-19.

Trả lời câu hỏi “Vì sao lại chọn y tế thông minh?”, bà Lê Mai Lan cho rằng: Thế giới ngày nay xoay quanh khoa học dữ liệu, máy học, trí tuệ nhân tạo,... Nhưng những công nghệ này không phải là đích, mà chỉ là công cụ - công cụ để chúng tôi có thể hợp tác với các ngành khoa học khác. Đó là cách tiếp cận liên ngành, trong đó có sự kết hợp của dữ liệu lớn với khoa học sức khỏe.

“Chúng tôi cũng tin vào sức mạnh của việc cộng tác, hợp lực. Đó là khi một cộng một lớn hơn hai. Sự đồng tâm hiệp lực sẽ tạo ra những thành quả to lớn hơn.” - bà Lê Mai Lan chia sẻ.

Ngay sau Lễ ra mắt VISHC, hai bên đã phối hợp tổ chức chuỗi hội thảo về Sức khoẻ thông minh, thu hút sự tham dự của gần 200 học giả, nhà nghiên cứu trong 3 lĩnh vực: Phát hiện và giám sát dịch tễ thông qua phân tích gen; Cảm biến nano và tương lai của chẩn đoán sớm; Xây dựng các nền tảng học máy phi tập trung…

Việc đi vào hoạt động của Trung tâm nghiên cứu VISCH là bước đầu tiên hiện thực hóa kế hoạch thành lập các trung tâm nghiên cứu xuất sắc của Đại học VinUni nhằm mục tiêu thúc đẩy đổi mới sáng tạo và nghiên cứu đỉnh cao, mang lại lợi ích cho cộng đồng và cuộc sống tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.