Ra mắt phim hoạt hình “Truyền thuyết đảo xa”

GD&TĐ - Một bộ phim hoạt hình hiếm hoi về đề tài biển đảo mang tên “Truyền thuyết đảo xa” vừa được NSND Hà Bắc và Hãng phim Giải Phóng hoàn thành, đang khiến công chúng đặc biệt quan tâm. “Bộ phim bắt đầu từ biểu tượng Rồng Vàng hạ xuống trở thành dải đất hình chữ S. Các móng rồng chính là hải đảo yêu thương…” - đạo diễn, NSND Hà Bắc trò chuyện.

“Truyền thuyết đảo xa” là một trong số phim hoạt hình hiếm hoi của Việt Nam đề cập tới đề tài biển đảo. Ảnh: NVCC
“Truyền thuyết đảo xa” là một trong số phim hoạt hình hiếm hoi của Việt Nam đề cập tới đề tài biển đảo. Ảnh: NVCC

Phải sắc nét và rung động

- Thưa nghệ sĩ, ý tưởng làm phim về biển đảo đã được ông “nung nấu” từ khi nào?

- Biển đảo là đề tài rất nóng và luôn được tất cả mọi người quan tâm. Năm 2014, từ vụ việc dàn khoan Hải Dương 981 xâm phạm vùng biển của đất nước, chúng tôi đã nung nấu ý tưởng làm một bộ phim hoạt hình về đề tài này.

Từ ý tưởng của nhà văn Đình Kính - ý tưởng về Rồng Vàng từ chín tầng mây hạ xuống thành đất Việt và những móng rồng chính là các hòn đảo, tôi đã biên tập và chuyển thể sang bộ phim hoạt hình “Truyền thuyết đảo xa”. Kịch bản văn học có những câu thoại rất dài cùng các nhân vật cụ thể như phim truyện. Trong khi đó, phim hoạt hình chỉ có 12 phút kể chuyện và luôn có tính chất ước lệ, khái quát rất cao.

Đấy là cái khó đặt ra đối với chúng tôi, làm sao phải đưa ra một cách kể chuyện dễ hiểu nhưng sắc nét và thực sự làm khán giả rung động. Để “gỡ” cái khó ấy, tôi đã chọn hình thức làm phim hoạt hình cắt giấy ước lệ cho “Truyền thuyết đảo xa”.

- Vì sao ở thời đại 4.0 mà ông vẫn “trung thành” với phim hoạt hình cắt giấy? Hình thức thể hiện này có khó hấp dẫn khán giả?

- Một kịch bản có tính khái quát ước lệ cao thì cần một hình thức thể hiện có tính chất đồ họa sinh động, màu sắc hấp dẫn. Vì thế, đừng vội nghĩ hình thức thể hiện của phim cắt giấy khó hấp dẫn khán giả thời đại 4.0. Bởi vì thủ pháp phim cắt giấy luôn có tính khái quát ước lệ cao, không nệ thực và luôn tạo cho khán giả những ấn tượng thẩm mỹ đẹp.

Bên cạnh những yếu tố kỹ thuật hiện đại, để đánh giá bộ phim thành không hay phải từ yếu tố rất “chạm” tới trái tim của khán giả. Để làm được điều này ê-kíp sáng tạo luôn dành nhiều tâm sức để trau chuốt về nhịp điệu cũng như tạo được “cái hồn” cho bộ phim.

Đừng câu nệ hình thức thể hiện cũ hay mới, hiện đại hay truyền thống. Một tác phẩm nghệ thuật luôn trường tồn ở bất cứ hình thức nào. Đôi khi chỉ là phim đen trắng nhưng gây xúc động lòng người. Không nhất thiết phải có kỹ thuật màu mè, rườm rà trong những chi tiết không cần thiết.

Đạo diễn, NSND Hà Bắc. Ảnh: NVCC
 Đạo diễn, NSND Hà Bắc. Ảnh: NVCC

Đề cao sức mạnh “đồng bào”

- Đây có phải là bộ phim hoạt hình đầu tiên làm về đề tài biển đảo?

- Có lẽ đây là một trong số hiếm hoi của phim hoạt hình Việt Nam đề cập đến đề tài rất đặc biệt như đề tài biển đảo mà còn ít được chú ý đến. Kịch bản của bộ phim đã được tôi ấp ủ, đau đáu trong suốt 5 - 6 năm. Trong quá trình làm phim, việc chỉnh sửa bộ phim lúc thì dài ra lúc thì rút ngắn lại là cả một vấn đề. Dẫu vậy, chúng tôi đã luôn thực hiện công việc bằng lòng yêu thích, sự đam mê không ngừng nghỉ.

- Vì sao ông chọn cách dựng phim không có thoại mà là lời dẫn chuyện có phần giống với phim tài liệu?

- Tôi chọn vì nội dung phim quá đồ sộ mà lời thoại của phim hoạt hình cắt giấy không thể nào đủ sức để chuyển tải hết. Tôi nghĩ thủ pháp này không có gì mới và cũng không phải là thủ pháp riêng của thể loại phim nào cả.

Với tôi, một lượng thông tin lớn, tính ước lệ rất cao ở thời đại 4.0 nên sẽ cần những bộ phim có tính khái quát, tổng hợp cao. Ở những bộ phim ấy, nhiều cái đẹp chỉ thoáng qua nhưng vẫn đủ để những người am hiểu rung động. Nếu cứ đi vào cái cụ thể quá sẽ làm cho bộ phim trở thành kể lể. Chỉ khi dẫn dắt được nhịp điệu của hình thức, nội dung một cách rành mạch, gây được ấn tượng cho khán giả thì đấy là bộ phim thành công.

- “Truyền thuyết đảo xa” muốn gửi gắm điều gì?

- “Thuở xa xưa, khi đất nước ta còn ở thuở hồng hoang, từ trên cao thẳm tận chín tầng mây có một con Rồng Vàng cưỡi mây hạ xuống trần gian. Trời đất bừng sáng. Rồng vàng nhẹ nhàng rẽ mây, vươn mình nằm xuống, uốn mình thành dải đất hình chữ S bên sóng biển rập rìu. Những chiếc móng rồng rực rỡ co lại hóa thành những hòn đảo bao quanh, khẳng định một điều chắc chắn, những móng rồng đảo xa là cơ thể không thể tách rời của Rồng Vàng đất Việt...”.

Đấy là lời dẫn mở đầu cho “Truyền thuyết đảo xa” - một bộ phim toát lên tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc. Câu chuyện này cũng có yếu tố linh thiêng, đề cao sức mạnh “đồng bào” - sức mạnh của bao thế hệ đã cùng dựng xây đất nước.

Với thủ pháp nghệ thuật của phim cắt giấy vi tính 2D có tính ước lệ và khoa trương cao, tôi muốn gửi gắm trong bộ phim là mỗi người Việt luôn tự hào và có trách nhiệm bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Đặc biệt khi biển đảo là một bộ phận không thể tách rời - từ biểu tượng là những móng Rồng Vàng đất Việt. Để hoàn thành bộ phim này, nhóm nghệ sĩ chúng tôi đã luôn lao động cật lực, vất vả suốt cả năm trời.

Đấy là tấm lòng chúng tôi muốn dành cho một tác phẩm hoạt hình với đề tài xây dựng và bảo vệ Tổ quốc mà chúng tôi cũng yêu thích, tâm đắc. Hy vọng bộ phim sẽ ít nhiều đọng lại trong tâm trí của khán giả những cảm xúc về tinh thần bảo vệ và xây dựng Tổ quốc và cũng là một món quà kỷ niệm phim hoạt hình Việt Nam 60 năm tuổi và 75 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt nam (1944 - 2019).

Bộ phim hoạt hình “Truyền thuyết đảo xa” (kịch bản văn học: Đình Kính - Hà Bắc; đạo diễn và họa sĩ tạo hình chính: NSND Hà Bắc; nhạc sĩ Hoàng Thành Minh, các nghệ sĩ diễn xuất và dàn dựng tổng hợp: Hà Quang - Thu Nga - Hồng Nam, Mai Thu Vân; dẫn chuyện: NSND Quốc Trị...) được mở ra và khép lại với hình ảnh hai người lính nơi đảo xa kể về truyền thuyết Rồng Vàng đất Việt. Với tính hình tượng, ước lệ cao, bộ phim tuy không dễ thưởng thức nhưng đem đến cho khán giả sự xúc động cùng những suy tưởng sâu sắc về lòng yêu nước cũng như trách nhiệm của mình trước sự vẹn toàn lãnh thổ của quê hương.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ