Quyết tâm mang ánh sáng tri thức về bản làng của cô giáo trẻ người Mông

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Sinh ra, lớn lên tại xã Minh Tiến, Hàm Yên, cô giáo Đào Thị Vân luôn nỗ lực không ngừng để góp phần thay đổi cuộc sống cho đồng bào nơi đây.

Không chỉ cố gắng về công tác chuyên môn, cô Vân còn năng nổ nhiệt tình trong các hoạt động phong trào.
Không chỉ cố gắng về công tác chuyên môn, cô Vân còn năng nổ nhiệt tình trong các hoạt động phong trào.

Ước mơ làm cô giáo

Cũng như đa số những đứa trẻ người Mông khác, sinh ra trong gia đình nghèo, sống ở vùng núi đặc biệt khó khăn và thiếu thốn, suốt những năm tháng tuổi thơ cô giáo Đào Thị Vân cũng phải chịu cảnh thiếu ăn, thiếu mặc, phải nghỉ học trông các em, rồi lên nương rẫy phụ giúp bố mẹ.

Bạn bè cùng trang lứa chưa qua tuổi dậy thì, đã lần lượt lấy chồng, lấy vợ, chính bởi vậy, thấu hiểu những khó khăn, vất vả cô Vân luôn nỗ lực theo đuổi ước mơ trở thành cô giáo để mang ánh sáng tri thức trở về bản, làng góp phần thay đổi cuộc sống của các em nhỏ và người dân nơi đây. Nhờ sự kiên trì và cố gắng, sau khi tốt nghiệp lớp 12 cô giáo Vân đã thi đỗ vào khoa Sư phạm Tiểu học, trường Đại học Tân Trào để học tập.

Chia sẻ với Báo GD&TĐ cô Vân cho biết: "Từ khi còn nhỏ cô đã nuôi dưỡng ước mơ làm cô giáo và quyết tâm phải học, trước là để giúp cuộc sống của bản thân tốt hơn, sau là truyền đạt kiến thức cho đồng bào mình. Cô chọn về quê để giảng dạy vì các em nhỏ ở quê hương còn rất nhiều khó khăn, thiếu thốn về vật chất cũng như tinh thần".

Cô giáo Vân cùng học trò thân yêu của mình
Cô giáo Vân cùng học trò thân yêu của mình

Trở về chính ngôi trường mình đã theo học để công tác, cô giáo Đào Thị Vân lại càng thêm yêu mến và gắn bó nhiều hơn. Được biết, trường tiểu học Minh Tiến, xã Minh Tiến, huyện Hàm Yên có khoảng 95% học sinh là người đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó dân tộc Mông chiếm phần lớn. Nhiều em còn nhút nhát, biết rất ít tiếng phổ thông, chưa đọc viết thông thạo nên việc tiếp thu kiến thức rất hạn chế, thầy cô phải dày công uốn nắn, chỉ bảo, tranh thủ cả những giờ nghỉ để động viên, chia sẻ khó khăn cùng học sinh.

Hạnh phúc hiện hình trong gian khó

Khi được hỏi về những khó khăn trong quá trình dạy học cô Vân chia sẻ: "Nghề dạy học là một nghề cao quý nhưng có rất nhiều khó khăn, đặc biệt là đối với một giáo viên mới ra trường, lại dạy học ở bản người Mông, quá trình vận động trẻ đến trường mất rất nhiều thời gian và công sức, bởi nhiều gia đình do trình độ dân trí còn hạn chế nên chưa hiểu được giá trị và ý nghĩa lớn lao của việc học tập, đa số các em không được đến trường mà phải theo bố mẹ đi làm nương rẫy, có bạn thì phải nghỉ học ở nhà để trông em".

Đã rất nhiều lần vận động trẻ đến trường không thành công do nhiều phụ huynh không hợp tác, những lúc như thế cô giáo trẻ cũng cảm thấy tủi thân và nản lòng. Thế nhưng, với tất cả tình yêu thương, lòng nhiệt huyết và đam mê với nghề đã lựa chọn, cô Vân lại cố gắng vượt qua, cố gắng kiên trì và nỗ lực hơn để đạt được kết quả.

Cô Vân cho biết, đối với đồng bào người Mông, để gia đình hiểu cho các em tới trường, thì mỗi thầy cô giáo phải là một cán bộ làm tốt công tác dân vận. Thầy cô không chỉ động viên, cho họ thấy được quyền lợi khi con tới trường mà còn phải gắn bó như một thành viên của gia đình cùng chia sẻ khó khăn và tháo gỡ những vướng mắc trong cuộc sống.

Khó khăn là thế, vất vả nhiều thế nhưng cô giáo Vân luôn cho rằng được trở về quê hương dạy học chính là một may mắn trong sự nghiệp trồng người của mình.

Lễ kết nạp đội viên được cô giáo Đào Thị Vân tổ chức cho học sinh

Lễ kết nạp đội viên được cô giáo Đào Thị Vân tổ chức cho học sinh

Cô Vân khẳng định: “Tôi luôn muốn lan tỏa những năng lượng tích cực, truyền ngọn lửa đam mê học tập và niềm tin về một tương lai tươi sáng đến với các em nhỏ ở vùng quê nghèo khó này. Bởi, tôi tin, chỉ cần các em có niềm tin, cố gắng, nỗ lực trên con đường học tập thì cuộc sống sẽ có nhiều đổi thay, không còn đói nghèo, lạc hậu.

Mỗi ngày được chứng kiến những ánh mắt, nụ cười và sự tiến bộ của học trò đó chính là niềm hạnh phúc, là nguồn động viên và là động lực quý giá để cô Vân và các thầy cô khác ở trường Tiểu học Minh Tiến thêm vững tin vào sự nghiệp trồng người của mình.

Cô giáo Nguyễn Kiều Hoa, Hiệu trưởng trường Tiểu học Minh Tiến, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang khẳng định: Để đưa được con chữ đến với những đứa trẻ vùng cao ở đây không phải là điều dễ dàng, mà rất cần tình yêu thương, sự kiên trì và dũng cảm. Tuy là một giáo viên trẻ nhưng cô giáo Đào Thị Vân có tấm lòng nhân ái và tình yêu thương học trò. Chính bởi vậy, không chỉ hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, cô Vân còn rất nhiệt tình trong các hoạt động của nhà trường và luôn được phụ huynh, học sinh yêu mến.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ