Quyền riêng tư

GD&TĐ - Ngày 23/6/2017, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ký ban hành Thông tư 09/2017/TT-BTTTT, quy định chi tiết Khoản 2 Điều 46 Luật Trẻ em về tỷ lệ nội dung, thời điểm, thời lượng dành cho trẻ em; yêu cầu bắt buộc khi đăng, phát tin, bài, chương trình liên quan đến trẻ em và cảnh báo nội dung không phù hợp với trẻ em trên báo nói, báo hình, báo in, báo điện tử và xuất bản phẩm.

Quyền riêng tư của trẻ thơ phải được tôn trọng và bảo vệ (ảnh minh họa)
Quyền riêng tư của trẻ thơ phải được tôn trọng và bảo vệ (ảnh minh họa)

Điều 15 của Thông tư này ghi rõ những yêu cầu bắt buộc khi đăng, phát tin, bài, chương trình liên quan đến trẻ em đối với báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử. Theo đó, khi thông tin về những vụ việc tiêu cực, vi phạm pháp luật mà trẻ em là nạn nhân hoặc là người liên quan, phải làm mờ hoặc che mặt trẻ em và bảo đảm thông tin bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em theo quy định tại Điều 33 Nghị định số 56/2017/NĐ-CP ngày 9/5/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em...

Trong những ngày vừa qua, thông tin về thí sinh trúng tuyển với điểm số cao vào đại học, đặc biệt các trường khối công an, quân đội được một số cơ quan truyền thông theo rất sát. Có lẽ, mọi chuyện sẽ là bình thường nếu những cái tên đầy đủ kèm số báo danh, ngày tháng năm sinh có điểm số cao đáng ngưỡng mộ không gắn với một số địa danh khá “nhạy cảm” như Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình…

Chắc chắn rằng, người viết không ngẫu nhiên giật tít khi có thí sinh tại các địa phương nói trên đạt điểm số cao nổi bật vào đại học trường top. Và người đọc, liệu có nảy sinh liên tưởng những thí sinh được ưu ái nhắc đến trong mỗi bài báo đó với vụ việc vi phạm thi cử đang gây sốt trong dư luận?

Điều đó có công bằng? Những thí sinh Hòa Bình, Sơn La, Hà Giang thực sự nỗ lực, trong sáng trong kỳ thi này và người nhà các em sẽ bị tổn thương như thế nào trước cái nhìn của dư luận? Các em sẽ phải “đồng hành” ra sao trong suốt quãng đường học tập tại môi trường mới, với những kì thị, soi mói do sự “nổi tiếng” bất đắc dĩ đem lại?

Khi viết, liệu các nhà báo có tự đặt câu hỏi: Những cái tên mình sẽ công khai trong bài chắc chắn liên quan đến tiêu cực? Có cách nào khác để thông tin đến với công chúng mà sự riêng tư của những đứa trẻ vẫn được đảm bảo? Bài viết của mình sẽ ảnh hưởng như thế nào đến những đứa trẻ trong bước ngoặt quan trọng nhất của cuộc đời?...

Ngay cả khi cơ quan điều tra điểm mặt, đặt tên chính xác từng bài thi sai phạm thì liệu những đứa trẻ có phải là “thủ phạm” chính gây nên lỗi mà phải trả giá bằng bia miệng khủng khiếp ngay ngưỡng cửa vào đại học?

Tội ai người nấy chịu. Kẻ sai phạm đã và sẽ phải chịu sự trừng phạt của luật pháp. Tuy nhiên, khi đặt bút viết về những đứa trẻ, điều quan trọng không chỉ là đúng, trúng mà quan trọng hơn hết là phải nhân văn, có tình người.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ