"Vấn đề và giải pháp gắn đào tạo với nhu cầu sử dụng lao động của xã hội"

"Vấn đề và giải pháp gắn đào tạo với nhu cầu sử dụng lao động của xã hội"

(GD&TĐ) - Sáng nay 30/3/2012 tại Tp. Hồ Chí Minh, Hiệp hội các trường Cao đẳng, Trung cấp Kinh tế - kỹ thuật (ATEC) đã diễn ra phiên chính thức hội thảo khoa học với chủ đề “Vấn đề và giải pháp gắn đào tạo với nhu cầu sử dụng lao động của xã hội”. Đông đảo các nhà trường đại diện cho các vùng miền từ bắc tới nam, các trường Cao đẳng, TCCN là thành viên của ATEC đã tới dự và có những tham luận phân tích, đề xuất các giải pháp thực hiện hiệu quả và chất lượng hơn. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga tham dự và phát biểu chỉ đạo. 

Đông đảo các nhà trường đại diện cho các vùng miền tới dự hội thảo
Đông đảo các nhà trường đại diện cho các vùng miền tới dự hội thảo

Tổ chức từ ngày 29/3/2012 – 31/3/2012, Hiệp hội gồm thành viên là các trường CĐ, TCCN đã thống nhất quan điểm: Một trong những nhiệm vụ chính của ngành GD&ĐT là cung cấp nguồn nhân lực có đủ trình độ đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động của xã hội, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Vấn đề đào tạo gắn với nhu cầu sử dụng của xã hội là vấn đề có tính chất quyết định đến sự tồn tại hiện nay ở các trường ĐH, CĐ, TCCN. Để thực hiện nhiệm vụ đó, nhiều năm qua đặc biệt trong các năm gần đây, các trường trong hệ thống đã tích cực hưởng ứng chủ trương đào tạo gắn với nhu cầu xã hội của Bộ GD&ĐT, của các ngành, các địa phương và doanh nghiệp.

Nhiều trường đã có nhiều giải pháp tích cực như: tổ chức hội thảo, tổ chức ngày hội tư vấn việc làm, đến các doanh nghiệp tìm hiểu nhu cầu, ký kết các hợp đồng đào tạo, mời doanh nghiệp tham gia xây dựng chương trình đào tạo, xây dựng CĐR… Tuy nhiên chất lượng đào tạo nhìn chung còn thấp, sinh viên, học sinh tốt nghiệp ra trường không tìm được việc làm hoặc tìm được việc làm không phù hợp trong khi nhiều doanh nghiệp vẫn đang thiếu trầm trọng lao động qua đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp. Còn có sự cách biệt lớn giữa đào tạo và sử dụng, giữa cung và cầu nhân lực do nhiều nguyên nhân chưa gắn đào tạo với nhu cầu sử dụng  của xã hội ở các nhà trường trong mối quan hệ với doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động.

TS. Hoàng Ngọc Trí - Chủ tịch Hiệp hội ATEC cho biết: Trong chương trình hoạt động toàn khóa 2008 - 2013, sau khi phân tích đánh giá thực trạng quy mô tuyển sinh, chất lượng đào tạo sau khi tốt nghiệp của các trường CĐ, TCCN. Được sự ủng hộ của Bộ GD&ĐT, các trường trong và ngoài Hiệp hội đã tổ chức các cuộc hội thảo xung quanh vấn đề nâng cao chất lượng đào tạo như: Đổi mới nội dung chương trình đào tạo Cao đẳng, TCCN, xây dựng chuẩn đầu ra và công bố chuẩn đầu ra, xây dựng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001 - 2008, tổ chức đổi mới phương pháp biên soạn giáo trình, tài liệu giảng dạy, đổi mới phương pháp giáo dục và học tập ở các nhà trường.

Nhấn mạnh chủ đề “vấn đề và giải pháp gắn đào tạo với nhu cầu sử dụng lao động của xã hội”, TS. Hoàng Ngọc Trí bày tỏ mong muốn: Thông qua hội thảo giúp các trường, các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, tiếp tục đối thoại với các cơ quan quản lý, các địa phương, doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động, nhằm từng bước nâng cao chất lượng đào tạo. Thảo luận các giải pháp gắn đào tạo với nhu cầu sử dụng lao động qua đào tạo của các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động.

Tham luận của Th.S Trần Công Chánh - Phó Chủ tịch ATEC đã chỉ ra những bất cập cần sớm tháo gỡ như: nhận thức của xã hội, của các cơ sở đào tạo, của doanh nghiệp còn hạn chế, chưa thật sự tích cực và có trách nhiệm trong hợp tác đào tạo nhân lực. Mặc khác nhu cầu được học tập nâng cao trình độ của con em các tầng lớp nhân dân ngày càng cao nhưng khả năng đáp ứng nhu cầu học tập của hệ thống các cơ sở đào tạo còn nhiều hạn chế, yếu kém nhất là về đội ngũ giáo viên, năng lực tài chính, điều kiện đất đai và đặc biệt nhất là nội dung, chương trình đào tạo còn nhiều bất cập, chưa gắn với nhu cầu sử dụng lao động của xã hội. Còn PGS.TS Nguyễn Đức Trí - Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam lại đưa ra quan điểm: Nước ta đang xây dựng nền kinh tế thị trường nhiều thành phần, trong đó mọi thành phần kinh tế đều được khuyến khích và có cơ hội phát triển với kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Phát triển nền kinh tế thị trường phải trên cơ sở hình thành về cơ bản thể chế thị trường để tạo lập khung pháp lí và tạo lập đồng bộ các yếu tố của thị trường, trong đó có thị trường lao động. Sự hình thành, phát triển và điều tiết thị trường thể hiện trong các quan hệ lao động và điều tiết quan hệ cung - cầu lao động. Quan hệ cung - cầu đó được đặt trong cơ chế cạnh tranh và qui luật giá trị của thị trường lao động đòi hỏi và sẽ tạo ra động lực thúc đẩy người lao động không ngừng nâng cao trình độ về mọi mặt để có thể tham gia được vào thị trường lao động. Bài toán cung - cầu trong thị trường lao động cần phải được hiểu đầy đủ và giải quyết trên các bình diện và phạm vi khác nhau dưới sự tác động đa chiều của những qui luật cơ bản của thị trường. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ cung cấp lao động kĩ thuật phục vụ cho phát triển kinh tế đất nước và đáp ứng nhu cầu xã hội, gíáo dục có quan hệ trực tiếp với thị trường lao động và chịu sự chi phối của các qui luật trên.

 PGS.TS. Trần Khánh Đức - Chủ nhiệm Bộ môn Giáo dục hoc- Khoa Giáo dục: Trường Đại học Giáo dục (ĐHAG Hà Nội) lại đưa ra xu hướng chuyển đổi từ cách tiếp cận hàn lâm sang cách tiếp cận năng lực trong đào tạo đại học theo hướng nghề nghiệp-ứng dụng. Những quan điểm, đặc điểm, các yêu cầu, quy trình xây dựng chương trình đào tạo theo năng lực ở bậc đại học trên cơ sở chuẩn đầu ra và các yêu cầu phát triển chương trình đào tạo hiện đại. 

 Ths. Lê Hoàng Phúc (Trường Cao đẳng KT-TC Vĩnh Long) đưa ra những lý giải cụ thể, theo ông có thể  nhận diện  một số nguyên nhân chủ yếu dẫn đến đào tạo sinh viên ra trường không đáp ứng được yêu cầu về năng lực của nhà tuyển dụng: Nhà trường chạy theo nhu cầu thị trường, thị hiếu, bị động chạy theo yêu cầu trước mắt mà không có kế hoạch lâu dài; chưa xác định chuẩn kiến thức và kỹ năng của người học; Chương trình đào tạo còn nặng lý thuyết, nhẹ thực hành, hoặc việc tổ chức thực hành kém hiệu quả. Sinh viên biết rất nhiều nhưng không biết cái gì đến nơi đến chốn; Giảng viên thiếu kiến thức thực tế. Không ít giảng viên quanh năm lên lớp, không có thời gian để đi thực tế, hoặc có đi thì chỉ "cưỡi ngựa xem hoa"; Các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động chưa tạo điều kiện cho việc thực hành, thực tập của sinh viên. Nhiều bạn sinh viên tham dự cho rằng, trong quá trình đi thực tập thì cái “điều kiện” cho các bạn được tiếp cận với thực tế và cũng là để phát huy, vận dụng những kiến thức đã được học là không nhiều. Mang tiếng đi thực tập nhưng lại... tham quan là chính, gây ra lãng phí thời gian và công sức; Nhiều sinh viên chưa biết định hướng nghề nghiệp khi vào trường đại học, cao đẳng, lựa chọn ngành nghề không phù hợp với năng lực, sở trường. 

Thứ trưởng Bùi Văn Ga đánh giá cao sáng kiến tổ chức Hội thảo của ATEC
Thứ trưởng Bùi Văn Ga đánh giá cao sáng kiến tổ chức Hội thảo của ATEC

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bùi Văn Ga đánh giá cao sáng kiến của ATEC.  Là một tổ chức xã hội - nghề nghiệp, hôm nay các trường cùng ngồi đây để bàn thảo, đưa ra giải pháp nhằm mục đích thực hiện hiệu quả hơn việc đào tạo gắn với nhu cầu xã hội là việc làm thể hiện trách nhiệm với người học và với xã hội.  Thứ trưởng nhấn mạnh: Theo quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì nhân lực trong lĩnh vực công nghiệp và xây dựng sẽ tăng từ mức 10,8 triệu người năm 2010 (bằng 22% tổng số nhân lực trong nền kinh tế), lên khoảng 15 triệu năm 2015 (27%) và khoảng 20 triệu năm 2020 (31%). Trong khu vực dịch vụ, nhân lực tăng từ mức trên 13 triệu người năm 2010 (chiếm 26,8% tổng nhân lực trong nền kinh tế) lên khoảng 15-16 triệu năm 2015 và khoảng 17-19 triệu người năm 2020 (bằng khoảng 27%-29%). Còn nhân lực trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp năm 2010 là 24,9 triệu người (chiếm 51% tổng nhân lực trong nền kinh tế) năm 2015 là trên 24-25 triệu người (45% - 46%) và năm 2020 khoảng 22-24 triệu người (35% - 38%). Thực tế đào tạo hiện nay đang bộc lộ những bất hợp lý trong cơ cấu ngành nghề, điều này các thành viên của Hiệp hội cần phải nhận thấy và sớm đề ra các giải pháp hạn chế. Hội thảo, đã làm rõ các vấn đề này, và cũng đã tìm ra tiếng nói chung để các trường hội viên hỗ trợ nhau, chia sẻ những khó khăn, thực hiện và hoàn thành nhiệm vụ chính trị của các trường cũng như góp phần phát triển đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước.  

Thứ trưởng cũng đánh giá cao nỗ lực nâng cao chất lượng của các trường trong ATEC mà theo như báo cáo của Hiệp hội thì đa số các trường thành viên đã công bố chuẩn đầu ra, 70% các trường đã xây dựng chiến lược phát triển trường giai đoạn 2011 - 2015, định hướng 2020; Trong Hiệp hội đã tiến hành biên soạn giáo trình dùng chung. Các trường đã tiến hành thực hiện 3 công khai theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ GD&ĐT.

Thay mặt lãnh đạo Bộ GD&ĐT, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cũng ghi nhận những ý kiến quý báu của Hiệp hội tham gia đóng góp ý kiến với Bộ GD&ĐT trong việc xây dựng các chủ trương, chính sách, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hệ thống giáo dục nói chung và các trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp nói riêng. Đồng thời đề xuất, Hiệp hội tiếp tục là chiếc cầu nối giữa Bộ và các trường. Hiệp hội cần thể hiện vai trò là một tổ chức nghề nghiệp, cụ thể bằng các biện pháp nâng cao chất lượng như: Thực hiện tốt công tác tự đánh giá, tiến đến có thể đảm nhiệm công tác đánh giá ngoài chất lượng đào tạo của các trường; Các trường CĐ và TCCN trong Hiệp hội phải thực hiện một cách chủ động và sáng tạo nhiệm vụ năm học mà văn bản của Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo. 

  Yên Thúy

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ