Thạc sỹ Nguyễn Thị Tố Mai, Trưởng khoa Sư phạm Âm nhạc trường Đại học sư phạm nghệ thuật Trung ương |
Đó cũng chính là một hoạt động được triển khai rất tích cực hưởng ứng Phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện học sinh tích cực” do Phó Thủ tướng Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, GS Nguyễn Thiện Nhân phát động.
Một cô giáo dạy nhạc ở một trường cấp hai trên địa bàn Hà Nội nhận xét: "Có lẽ học sinh trường chúng tôi đều lớn lên ở thành phố từ nhỏ, không có điều kiện tiếp cận với dân ca, dân nhạc. Trong khi đó, các em bị tác động rất lớn bởi âm nhạc hiện đại qua các phương tiện thông tin đại chúng, băng đĩa nhạc tràn lan âm nhạc nước ngoài. Nhiều em cảm thấy dân ca Việt Nam xa lạ với thị hiếu âm nhạc hàng ngày các em vẫn được tiếp cận. Không ít em còn nêu ý kiến: không thích học dân ca".
Nhiều học sinh không thuộc dân ca là một thực tế hiện nay. Kết quả khảo sát tại một số trường THCS cho thấy: có khoảng 21% học sinh biết được trên 10 bài dân ca Việt Nam, 73,4% học sinh biết chưa đến 10 bài dân ca Việt Nam và khoảng 5% học sinh không biết một bài dân ca nào. Bên cạnh đó, hiện tượng nhầm nguồn gốc, thể loại kiểu "râu ông nọ cắm cằm bà kia" cũng không phải hiếm, như: nhầm tưởng dân ca các nước khác là dân ca Việt Nam, hoặc nhầm các bài hát mang âm hưởng dân ca là dân ca ....
"Học sinh hỏi, cô giáo chịu"
GS. TS Phạm Minh Khang, Giám đốc Trung tâm phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam kiên quyết: "Không phải cứ học nhạc ra đi dạy dân ca là được. Đã có trường hợp học sinh hỏi, cô giáo chịu".
Nhận định này của GS Khang được minh họa bằng câu chuyện của Thạc sỹ Nguyễn Thị Tố Mai: “Có lần, một sinh viên cũ của tôi đang làm giáo viên ở một trường THCS, trong giờ dạy bài dân ca “Đi cấy”, một bài nằm trong tổ khúc “Múa đèn” của dân ca Thanh Hóa, bị một học sinh của mình hỏi 10 bài trong tổ khúc “Múa đèn” là những bài nào? Vì sách giáo khoa chỉ giới thiệu tổ khúc đó gồm 10 bài mà không nêu cụ thể nên cô giáo không trả lời được. Nhưng cô giáo này rất nhanh trí đã chọn luôn câu hỏi đó làm bài tập về nhà cho học sinh. Trong giờ giải lao, cô giáo này đã phải gọi điện thoại hỏi tôi”.
Thực tế hiện nay, trong chương trình giảng dạy âm nhạc của tiểu học và trung học cơ sở, dân ca còn ở mức độ khiêm tốn: ở cấp trung học cơ sở, có 7 bài chính khóa và 4 bài học thêm tự chọn, ở cấp tiểu học, 12 bài chính khóa và 6 bài học thêm tự chọn. Thạc sỹ Tố Mai cho rằng: “Với thời lượng khiêm tốn đó thì mong muốn học sinh phổ thông biết nhiều bài hát dân ca và thực sự yêu âm nhạc dân tộc khó thành hiện thực. Vốn kiến thức sơ đẳng về dân ca Việt Nam nói chung của các em rất hạn chế”. |
Theo TS Phạm Ngọc Định, phó vụ trưởng vụ Giáo dục tiểu học, đội ngũ giáo viên giảng dạy âm nhạc tại các trường tiểu học hiện nay có thực tế: bên cạnh số giáo viên tốt nghiệp các ngành chuyên đào tạo sư phạm âm nhạc, số còn lại là những thầy cô giáo vốn dạy môn cơ bản thừa ra, có năng khiếu được cử đi học rồi về dạy. Ngay những giáo viên học chuyên ngành ra, không phải ai cũng có khả năng hát dân ca hay, dạy dân ca hấp dẫn, huống hồ là những giáo viên chuyển ngạch!
Những người trong cuộc, họ cũng có những nỗi niềm riêng. Cô giáo Nguyễn Thanh Xuân, giáo viên dạy nhạc của trường THCS Giảng Võ, Hà Nội chia sẻ: "Trường chúng tôi hiện có 4 giáo viên nhạc. Do thời lượng môn học rất hạn hẹp nên việc giáo dục dân ca cho học sinh khó có thể đi vào chiều sâu".
Bên cạnh đó, trình độ của giáo viên nhạc tại các trường phổ thông cũng là một vấn đề đáng bàn. Cô Xuân nói: "Hiểu biết dân ca của giáo viên chúng tôi còn hạn chế, tư liệu tham khảo ít ỏi, khó tìm". Khúc mắc của cô Xuân cũng là nỗi niềm chung của đội ngũ giáo viên dạy nhạc hiện nay. Đa phần các giáo viên này được đào tạo tại các trường cao đẳng sư phạm âm nhạc, một số dạy bậc tiểu học còn chỉ được đào tạo ở trung học sư phạm âm nhạc. Với 3 năm hệ cao đẳng và 2 năm hệ trung học, lượng kiến thức về âm nhạc cổ truyền mà họ tiếp thu được không đáng kể.
GS. TS Phạm Minh Khang, cho rằng: Dân ca là liên quan đến môi trường diễn xướng như: cây đa, bến nước, sân đình… Hiện nay, những yếu tố đó đang bị xâm phạm bởi sự phát triển quá mạnh của kinh tế. Ta giải thích như thế nào đây cho hs về môi trường diễn xướng, hiểu được bài dân ca được phát tích trong hoàn cảnh nào. Đây là thách thức không nhỏ.
Nhiều nhà nghiên cứu đã xác định, muốn việc dạy và học dân ca trong trường phổ thông phát huy hiệu quả, cần phải đặt vấn đề diễn xướng như một phương pháp dạy. Tuy nhiên, hiện nay, việc dạy chay vẫn là hiện tượng phổ biến tại các trường học: lên lớp tập thể, học thuộc lời, hát đúng giai điệu là xong. "Rất ít giáo viên sử dụng phương pháp diễn xướng. Phần lớn giáo viên dạy theo sách giáo khoa, kết quả dừng lại ở việc thuộc lòng bài hát, làn điệu. Tiết học nhạc khô cứng", TS Trần Hoàng Tiến, trường Đại học sư phạm nghệ thuật Trung ương nhận xét. Điều này không khó lý giải khi mà muốn sử dụng phương pháp này đòi hỏi giáo viên phải có một sự hiểu biết sâu sắc thể loại, kiểu hát, lối hát, môi trường hát.
"Chúng ta cần đào tạo lại đội ngũ giáo viên để họ có trình độ đảm nhiệm vụ này nếu ko, ta sẽ mắc rất nhiều sai lầm", GS Khang kiên quyết.
Hỗ trợ đưa dân ca vào trường học
Xuất phát từ mục tiêu mong muốn đẩy mạnh hiệu quả việc dạy học dân ca trong trường phổ thông, nhóm tác giả trường Đại học Sư phạm nghệ thuật trung ương do TSKH Phạm Lê Hòa đã thực hiện đề án "Hỗ trợ đưa dân ca vào trường THCS" theo đơn đặt hàng của “Dự án phát triển giáo dục THCS II” của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đề án này đã được nghiệm thu sau quá trình thí điểm tại 6 trường cấp hai của 5 tỉnh, thành phố. Trong điều kiện các trường phổ thông đang chịu sức ép về nhiều vấn đề, thời gian học sinh đến trường có hạn, không thể bất kỳ nội dung giáo dục nào cũng đưa vào chương trình, đây được xem là một công trình có ý nghĩa lớn để tạo nên một bước tiến về "chất" cho công việc dạy nhạc tại các trường hiện nay.
Với cô giáo Nguyễn Thị Xuân, trường THCS Giảng Võ (Hà Nội)- một trong 6 trường thí điểm đề án này, đây là những tài liệu tham khảo quý, những phương triện dạy học hữu ích và có những gợi ý quan trọng giúp giáo viên dạy nhạc tại các trường phổ thông vận dụng vào việc dạy nội khóa cũng như tổ chức các hoạt động âm nhạc ngoài giờ chính khóa.
Theo TS Trần Đình Châu, Vụ trưởng, Giám đốc Dự án Phát triển Giáo dục THCSII, Thường trực Ban chỉ đạo Phong trào thi đua, việc tổ chức các Câu lạc bộ yêu thích dân ca tại các trường phổ thông cho các em học sinh là một cách làm hay. Nếu trước đây, thầy cô làm chủ nhiệm câu lạc bộ thì bây giờ, nên chọn học sinh có năng khiếu làm đội trưởng câu lạc bộ, nhà trường cần có biện pháp để khích lệ, động viên những em này. Thông qua các câu lạc bộ yêu thích dân ca và các hoạt động tích cực khác, các em chính là những người nuôi dưỡng và phổ biến văn hoá của dân tộc.
TS Trần Đình Châu cho biết: Đề án đã sưu tầm, tuyển chọn và xây dựng được “Tuyển tập dân ca Việt Nam dành cho các trường THCS” gồm 75 bài dân ca tiêu biểu các vùng miền và các dân tộc Việt Nam, 1 bộ tài liệu “Giới thiệu dân ca Việt Nam” dành cho các trường THCS, 1 tài tiệu “Hướng dẫn hỗ trợ đưa dân ca vào trường THCS”, 1 bộ đĩa CD các bài hát dân ca Việt Nam gồm 54 bài, 1 bộ DVD 14 bài dân ca do các em học sinh biễu diễn có trong tuyển tập cộng với 12 bài dân ca trong chương trình SGK âm nhạc THCS và một số bài bổ sung khác. Những bài tuyển tập này đã được lựa chọn trên cơ sở tiêu chí: phù hợp lứa tuổi học sinh, dễ học dễ thuộc. Sản phẩm đề án đã được Hội đồng của Bộ do Tiến sĩ Phùng Khắc Bình, Vụ trưởng Vụ Công tác HSSV, Phó trưởng ban chỉ đạo làm Chủ tịch đã nghiệm thu đánh giá chất lượng tốt, có tính khả thi cao.
Đề án đang tích cực chuẩn bị để dịp 20/11 này phổ biến dần trên trang Web theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo để giáo viên, phụ huynh, học sinh có thể tham khảo. Đồng thời, Ban chỉ đạo phong trào thi đua “xây dựng trường học thân thiện học sinh tích cực” Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức tập huấn, hướng dẫn, chuẩn bị cho việc mở rộng triển khai đề án này tại nhiều trường tiểu học và THCS.
TS Trần Quốc Việt, trưởng môn âm nhạc, trường Cao đẳng sư phạm Hà Nội |
Tuy nhiên, song song với việc triển khai đại trà đề án hỗ trợ dân ca, giáo viên dạy nhạc cần không ngừng trau dồi vốn kiến thức về văn hóa dân gian. Vì theo GS TS Phạm Minh Khang, để giờ học tránh nhàm chán, giáo viên phải hiểu cội nguồn dân ca một cách sâu sắc, phải có trình độ để giảng cho học sinh. Ví dụ, khi giới thiệu bài lý ngựa ô, giáo viên cũng phải giải thích được cho các em biết lý ngựa ô miền nam khác với trung trung bộ. Trong trung trung bộ, là lý ba con ngựa. Nếu thầy cô có kiến thức thì giảng cho học sinh thì giờ học sẽ trở nên cuốn hút, sinh động.
Bên cạnh đó, nhiều nhà nghiên cứu cũng lưu ý khi giảng dạy nội dung này, đi kèm với việc hát dân ca cần giới thiệu cả nhạc cụ dân tộc. TS Trần Quốc Việt, trưởng môn âm nhạc, trường Cao đẳng sư phạm Hà Nội nói: "Cần sử dụng một số nhạc cụ dân tộc thích hợp trong quá trình dạy hát dân ca, tránh lệ thuộc quá nhiều vào nhạc khí phương Tây".
TS Việt cũng nhấn mạnh: sự khác biệt giữa các trường miền xuôi và các trường miền núi rất lớn. Do đó, cần có độ mềm dẻo trong quá trình vận dụng chương trình khung vào thực tế địa phương, tránh việc áp đặt dân ca vùng miền này cho vùng miền khác.
* Thạc sỹ Nguyễn Thị Tố Mai: *TS Trần Quốc Việt: |
(Theo VNN)