Quốc hội Thông qua Luật An ninh mạng

GD&TĐ - Sáng nay (12/6), Luật An ninh mạng đã được Quốc hội biểu quyết để thông qua. Kết quả có 423/466 đại biểu tán thành đạt 86,86%. Có 15 đại biểu không tán thành và 28 đại biểu không biểu quyết.

Các đại biểu bấm nút biểu quyết
Các đại biểu bấm nút biểu quyết

Dự thảo Luật An ninh mạng quy định về hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên không gian mạng; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Theo đó, dự thảo Luật quy định chính sách của Nhà nước về an ninh mạng bao gồm: Ưu tiên bảo vệ an ninh mạng trong quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội, khoa học, công nghệ và đối ngoại.

Xây dựng không gian mạng lành mạnh, không gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Ưu tiên nguồn lực xây dựng lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng; nâng cao năng lực cho lực lượng bảo vệ an ninh mạng và tổ chức, cá nhân tham gia bảo vệ an ninh mạng; ưu tiên đầu tư cho nghiên cứu, phát triển khoa học, công nghệ để bảo vệ an ninh mạng.

Khuyến khích, tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân tham gia bảo vệ an ninh mạng, xử lý các nguy cơ đe dọa an ninh mạng; nghiên cứu, phát triển công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, ứng dụng nhằm bảo vệ an ninh mạng; phối hợp với cơ quan chức năng trong bảo vệ an ninh mạng. Tăng cường hợp tác quốc tế về an ninh mạng.

Kết quả biểu quyêt
 Kết quả biểu quyêt

Về nguyên tắc bảo vệ an ninh mạng: Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật; bảo đảm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự quản lý thống nhất của Nhà nước; huy động sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và toàn dân tộc; phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng.

Kết hợp chặt chẽ giữa nhiệm vụ bảo vệ an ninh mạng, bảo vệ hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân hoạt động trên không gian mạng.

Chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh, làm thất bại mọi hoạt động sử dụng không gian mạng xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; sẵn sàng ngăn chặn các nguy cơ đe dọa an ninh mạng.

Triển khai hoạt động bảo vệ an ninh mạng đối với cơ sở hạ tầng không gian mạng quốc gia. Áp dụng các biện pháp bảo vệ hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia.

Hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia được thẩm định, chứng nhận đủ điều kiện về an ninh mạng trước khi đưa vào vận hành, sử dụng; thường xuyên giám sát, kiểm tra về an ninh mạng trong quá trình sử dụng và kịp thời ứng phó, khắc phục sự cố an ninh mạng.

Mọi hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng phải được xử lý kịp thời, nghiêm minh.

Luật An ninh mạng được Quốc hội thông qua sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2019. Hệ thống thông tin đang vận hành, sử dụng được đưa vào Danh mục hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia, trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày Luật này có hiệu lực, chủ quản hệ thống thông tin bổ sung đủ điều kiện an ninh mạng, lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng đánh giá điều kiện an ninh mạng theo quy định tại Điều 12 của Luật này; trường hợp cần gia hạn do Thủ tướng Chính phủ quyết định nhưng không quá 12 tháng.

Hệ thống thông tin đang vận hành, sử dụng được bổ sung Danh mục hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia, trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày được bổ sung, chủ quản hệ thống thông tin bổ sung đủ điều kiện an ninh mạng, lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng đánh giá điều kiện an ninh mạng theo quy định tại Điều 12 của Luật này; trường hợp cần gia hạn do Thủ tướng Chính phủ quyết định nhưng không quá 12 tháng.

>>>> XEM CHI TIẾT DỰ THẢO LUẬT AN NINH MẠNG TẠI ĐÂY

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ