Ngày 7/12, Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Trị tổ chức Hội nghị hướng dẫn xét tặng Nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú năm 2023. Hội nghị với sự tham gia của hơn 400 nhà giáo là cán bộ quản lý các Phòng GD&ĐT, các đơn vị, trường học trên địa bàn.
Tại hội nghị, ông Võ Văn Minh – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Trị khẳng định,danh hiệu Nhà giáo Ưu tú (NGƯT), Nhà giáo Nhân dân (NGND) là danh hiệu cao quý được Đảng, Nhà nước phong tặng, nhằm vinh danh những đóng góp cao cả của thầy cô giáo trong sự nghiệp trồng người. Đây cũng chính là mục tiêu mà nhiều giáo viên phấn đấu, vươn lên khắc phục khó khăn, gắn bó và cống hiến hết mình cho sự nghiệp giáo dục.
Qua nhiều lần xét tặng, Quảng Trị hiện có 52 nhà giáo được phong tặng NGƯT, NGND. Sau khi được Đảng, Nhà nước ghi nhận, các nhà giáo tiếp tục có nhiều đóng góp to lớn cho sự nghiệp giáo dục. Ngoài 52 nhà giáo công tác ở Quảng Trị được vinh danh, còn có hơn 50 nhà giáo khác quê Quảng Trị hiện công tác ở ngoài tỉnh đã nhận được danh hiệu cao quý này.
Ông Võ Văn Minh phát biểu. |
Để công tác triển khai, xét tặng danh hiệu NGƯT, NGND đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định, dân chủ, khách quan và công bằng, đúng thời gian quy định, ông Minh yêu cầu các nhà giáo, cán bộ quản lý căn cứ các nguyên tắc, yêu cầu trong việc xét tặng danh hiệu; tạo điều kiện để các nhà giáo hội tụ đủ các điều kiện lập hồ sơ đề nghị Nhà nước công nhận NGƯT, NGND.
Theo Sở GD&ĐT, năm 2014 ngành giáo dục Quảng Trị chỉ giới thiệu phong tặng cho 2 nhà giáo; năm 2017 có 5 nhà giáo được công nhận NGƯT. Đến năm 2020, chỉ có 3 nhà giáo được công nhận NGƯT. Số lượng nhà giáo được phong tặng danh hiệu cao quý này vẫn còn ít. Đặc biệt, chưa có nhiều giáo viên trực tiếp đứng lớp nhận được danh hiệu này.
Các đại biểu tham gia Hội nghị. |
Thời gian qua, căn cứ Nghị định số 27/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu NGND, NGƯT và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT đã ban hành nhiều công văn hướng dẫn, chỉ đạo các đơn vị trường học rà soát, phát hiện, bồi dưỡng, ghi nhận những công lao đóng góp to lớn của các nhà giáo, CBQL giáo dục qua các phong trào thi đua.
Trong đó, đề nghị các đơn vị chú trọng tới nhà giáo trực tiếp nuôi dạy, giảng dạy; nhà giáo là nữ; nhà giáo công tác tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn cho sự nghiệp “Trồng người” để đảm bảo việc xét tặng danh hiệu NGND, NGƯT đúng đối tượng, tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục và thời gian quy định tại Nghị định số 27/2015/NĐ-CP.
Một số vướng mắc, tồn tại trong việc triển khai xét tặng NGND, NGƯT như nhiều quy định về điều kiện, tiêu chuẩn để xét tặng danh hiệu NGND, NGƯT đối với CBQL, giáo viên rất cao, chưa phù hợp; các giáo viên rất khó tích lũy thành tích để đảm bảo đủ điều kiện đề nghị xét tặng danh hiệu NGND, NGƯT. Bên cạnh đó, Nghị định số 27/2015/NĐ-CP đã có một số ưu tiên trong việc xét các danh hiệu NGƯT cho giáo viên công tác tại các vùng khó khăn nhưng chưa được cụ thể. Mặt khác, nhiều cơ sở giáo dục, đơn vị trường học chưa quan tâm đúng mức tới việc xét tặng danh hiệu NGND, NGƯT; nhiều CBQL, nhà giáo chưa mạnh dạn làm hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NGND, NGƯT…