Quảng Trị sẽ tăng cường xử lý, chấn chỉnh hoạt động tư vấn du học ‘chui’

GD&TĐ - Tỉnh Quảng Trị tồn tại một số tổ chức tư vấn du học chưa được Sở GD&ĐT cấp phép, một số đơn vị không xây dựng kế hoạch hoạt động.

Ông Võ Văn Minh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Trị phát biểu tại hội nghị.
Ông Võ Văn Minh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Trị phát biểu tại hội nghị.

Ngày 17/10, Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Trị tổ chức Hội nghị nâng cao chất lượng hoạt động tư vấn du học trên địa bàn.

Thời gian qua, Sở GD&ĐT Quảng Trị đã thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước đối với các tổ chức tư vấn du học. Sở đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các tổ chức tư vấn du học triển khai thực hiện hoạt động theo đúng quy định.

Theo thống kê, tỉnh Quảng Trị hiện có 19 đơn vị đang hoạt động tư vấn du học.

Theo đó, hoạt động tư vấn du học trên địa bàn còn nhiều hạn chế. Một số tổ chức tư vấn du học chưa cung cấp rõ ràng, đầy đủ thông tin cho phụ huynh và học sinh về các trường học, khóa học, ngành học tại các cơ sở giáo dục nước ngoài. Chưa cập nhật thông tin đầy đủ, thường xuyên về tình hình học tập của du học sinh...

1000005020-6734.jpg
Hội nghị nhằm tìm giải pháp thúc đẩy hoạt động tư vấn du học.

Việc ký kết biên bản ghi nhớ, các văn bản thỏa thuận giữa các đơn vị tư vấn với đối tác nước ngoài chưa rõ ràng, chặt chẽ.

Nhiều đơn vị tư vấn du học không xây dựng kế hoạch hoạt động, hoặc xây dựng kế hoạch sơ sài, không rõ mục đích, nội dung. Nhiều đơn vị có thay đổi nhân sự, địa điểm không báo cáo...

Đặc biệt, hiện nay còn khá nhiều tổ chức tư vấn du học chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh dịch vụ tư vấn du học.

Trong những năm qua, Sở GD&ĐT Quảng Trị thành lập các đoàn kiểm tra điều kiện cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh dịch vụ tư vấn du học. Năm 2023 kiểm tra 6 đơn vị; 6 tháng năm 2024 kiểm tra 8 đơn vị; 1 đơn vị bị đình chỉ hoạt động, 1 đơn vị bị thu hồi giấy phép.

1000005026-9221.jpg
Đại diện các đơn vị tư vấn du học nêu những bất cập, thuận lợi trong hoạt động.

Ông Võ Văn Minh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Trị cho biết, hoạt động tư vấn du học trên địa bàn thời gian qua đã phát triển mạnh hơn trước. Ngày càng xuất hiện nhiều đơn vị, trung tâm chú trọng khai thác thị trường truyền thống và mở rộng thị trường mới nhằm tạo cơ hội thuận lợi cho con em có cơ hội học tập ở nước ngoài, kết hợp làm thêm để tăng thu nhập, đáp ứng nhu cầu học tập.

Sau khi học tập ở nước ngoài về, nhiều sinh viên đã tìm được công việc ổn định, phù hợp, có thu nhập khá, góp phần nâng cao kinh tế.

Đặc biệt, số lượng học sinh đưa đi học tập ở nước ngoài ngày càng gia tăng mở ra không gian mới về phát triển và hợp tác trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, phù hợp xu thế hội nhập.

Đồng thời, việc đào tạo đội ngũ sinh viên có chất lượng sau khi được tiếp cận nền giáo dục ở các nước tiên tiến giúp tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao.

Tuy nhiên, hoạt động tư vấn du học trên địa bàn gặp khó khăn về khai thác thị trường ngoài nước, thủ tục hồ sơ phức tạp,... Hơn nữa, hoạt động tư vấn du học trên địa bàn còn rời rạc, phân tán, cục bộ, gây nhiều trở ngại khó khăn. Do đó, đòi hỏi tính kết nối liên thông để hoạt động này trở nên bài bản, hiệu quả hơn.

Đáng chú ý, một số đơn vị chưa tuân thủ quy định, chậm báo cáo, hoặc báo cáo chưa nghiêm túc. Có tình trạng đơn vị tư vấn du học hoạt động “chui”, tạo sự cạnh tranh không lành mạnh.

“Vừa qua, Sở đã phối hợp kiểm tra và đình chỉ 2 đơn vị tổ chức hoạt động tư vấn du học chưa được cấp phép. Thời gian tới, Sở GD&ĐT sẽ phối hợp tổ chức kiểm tra thường xuyên hoạt động các đơn vị tư vấn du học và sẽ xử lý, chấn chỉnh tình trạng này”, ông Võ Văn Minh cho hay.

Lãnh đạo Sở GD&ĐT cho rằng, hội nghị nhằm đánh giá hoạt động tư vấn du học trên địa bàn, chỉ ra các mặt tồn tại, hạn chế, đề ra giải pháp thúc đẩy hoạt động tư vấn du học, nhằm mang lại hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ