Quảng Trị: "Ôm" đất làm cụm công nghiệp hơn 10 năm rồi để hoang

GD&TĐ - Đã hơn 10 năm, dự án Cụm công nghiệp Đông Gio Linh ở huyện Gio Linh (tỉnh Quảng Trị) với vốn đầu tư 180 tỉ đồng được kỳ vọng là “đòn bẩy” phát triển kinh tế địa phương vẫn chỉ là khu đất hoang.

Hố nước sâu do Công ty Hoàng Khang khai thác trái phép titan và không hoàn thổ để lại khiến một học sinh trú tại xã Gio Việt đuối nước tử vong.
Hố nước sâu do Công ty Hoàng Khang khai thác trái phép titan và không hoàn thổ để lại khiến một học sinh trú tại xã Gio Việt đuối nước tử vong.

Ôm hàng chục ha đất… rồi để hoang

Gần 11 năm trước, ngày 1/9/2011, UBND tỉnh Quảng Trị đã ra Quyết định số 1806/QĐ-UBND về việc thành lập Dự án Cụm công nghiệp Đông Gio Linh, tại khu vực thị trấn Cửa Việt và xã Gio Việt (huyện Gio Linh) với quy mô 70 ha.

Đến giữa năm 2012, UBND tỉnh Quảng Trị cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư lần đầu cho Công ty Hoàng Khang (trụ sở đăng ký tại TP Hồ Chí Minh) để thực hiện xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp Đông Gio Linh. Tổng vốn đầu tư dự án là 180 tỉ đồng, thời gian hoạt động 50 năm.

Đến tháng 9/2016, UBND tỉnh Quảng Trị có quyết định về việc điều chỉnh lại diện tích của Cụm công nghiệp Đông Gio Linh, theo hướng cắt 20 ha thuộc địa phận thị trấn Cửa Việt giao cho huyện Gio Linh quản lý.

Theo kế hoạch, tháng 2/2019, công ty này sẽ tổ chức khởi công xây dựng các hạng mục công trình và đến tháng 2/2021 sẽ hoàn thành đưa công trình vào sử dụng. Thế nhưng dự án này liên tục bị phía Công ty Hoàng Khang đẩy lùi tiến độ thực hiện. Phía công ty này cam kết chậm nhất đến tháng 10/2021 sẽ hoàn thành đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, thu hút nhà đầu tư thứ cấp.

UBND tỉnh Quảng Trị đã nhiều lần gia hạn thời gian để phía đơn vị đầu tư thực hiện dự án như cam kết. Tuy nhiên, sau nhiều lần điều chỉnh, gia hạn tiến độ sử dụng đất, công trường dự án Cụm công nghiệp Đông Gio Linh vẫn chỉ là bãi cát trắng được đào bới lên ngổn ngang, với một số hạng mục thi công dang dở cùng hệ thống hàng rào bằng bê tông và tôn quây tạm. Ngay gần lối vào, một căn nhà điều hành tạm đã cũ nát, cạnh bên là vài chiếc máy múc, máy ủi nằm bất động.

Trong khi các hạng mục thi công hạ tầng vẫn giậm chân tại chỗ, Công ty Hoàng Khang đã dựng hàng rào bằng tôn cao trên 3m để người bên ngoài không thể quan sát bên trong. Hiện, trong khu đất của dự án còn nhiều hầm hố của việc đào bới không hoàn thổ. Hậu quả của việc này đã khiến 2 người tử vong, trong đó có 1 em học sinh xuống tắm ở đây bị đuối nước xảy ra vào cuối năm 2021.

Thu hồi nếu tiếp tục chậm tiến độ

Đã hơn một thập kỷ trôi qua, nhưng dự án vẫn chỉ là một bãi cát trắng hoang hóa.
Đã hơn một thập kỷ trôi qua, nhưng dự án vẫn chỉ là một bãi cát trắng hoang hóa.

Trước tình trạng dự án kéo dài, gây lãng phí quỹ đất, người dân và chính quyền địa phương rất bất bình. Tại nhiều phiên tiếp xúc cử tri, đại biểu Quốc hội, HĐND, bà con đã nhiều lần kiến nghị cấp trên xem xét thu hồi phần đất đã giao cho dự án để địa phương bố trí thực hiện chính sách giãn dân, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Đại diện chính quyền xã Gio Việt cho hay, khi nghe đại diện Công ty Hoàng Khang cam kết sẽ xây dựng các nhà máy, xưởng chế biến để thu mua, sản xuất và kinh doanh các sản phẩm, hàng hoá của người dân trong vùng làm ra (trong đó chủ yếu là hấp sấy, chế biến thuỷ hải sản, làm đồ gỗ mỹ nghệ cao cấp… ) và giải quyết việc làm cho hơn 5.000 lao động trên địa bàn xã Gio Việt và thị trấn Cửa Việt nên bà con rất hồ hởi.

Thế nhưng, đã hơn 10 năm trôi qua mà Công ty Hoàng Khang vẫn không có động thái gì, đất vẫn bỏ hoang rất lãng phí. Trong khi đó, quỹ đất còn lại của xã chỉ còn khoảng 9ha nên khó khăn trong việc bố trí tái định cư và sắp xếp các khu sản xuất, chế biến hải sản, các lò hấp cá ra khỏi khu đông dân cư để hạn chế ô nhiễm môi trường. Hiện, mật độ dân cư trong xã khá đông, toàn xã có gần 1.500 hộ với khoảng 6.900 nhân khẩu.

“Phía xã cũng đã đề nghị cấp trên thu hồi một phần diện tích của dự án này bố trí lại cho địa phương để phục vụ việc giãn dân, xây dựng công trình văn hóa công cộng và làng nghề tập trung. Tuy nhiên, mong muốn của chính quyền, người dân địa phương đến nay vẫn chưa có kết quả”, vị lãnh đạo này nói.

Theo ông Trần Quang Trung - Phó Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Quảng Trị cho biết, quá trình triển khai, dự án bộc lộ nhiều vấn đề, tiến độ và mục tiêu của dự án không đáp ứng được yêu cầu của huyện. Sau này, UBND tỉnh đã có định hướng thu hồi 20 ha giao cho huyện để phát triển khu dân cư, 50 ha còn lại để doanh nghiệp triển khai dự án.

Đơn vị cũng đã nhiều lần yêu cầu doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ. Mặt khác, đề xuất với tỉnh tạo điều kiện cho Công ty Hoàng Khang tiếp tục đầu tư thực hiện dự án, cam kết cụ thể tiến độ.

Cũng theo ông Trung, vào giữa năm 2021, công ty này tiếp tục xin giãn tiến độ sử dụng đất đến tháng 8/2022, nên đơn vị cũng đề nghị UBND tỉnh Quảng Trị xem xét, cho phép công ty được giãn tiến độ sử dụng đất đến hết tháng 6/2022.

Đồng thời đề nghị, nếu quá thời hạn trên, công ty vẫn chưa hoàn thành dự án thì Sở Tài nguyên và Môi trường lập thủ tục trình UBND tỉnh thu hồi đất giao cho Ban quản lý Khu Kinh tế quản lý, công ty không được bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giáo viên Trường THCS Thụy Liên (Thái Thụy, Thái Bình) trong giờ dạy môn Khoa học tự nhiên.

Giúp dạy học hiệu quả môn tích hợp

GD&TĐ - Sau 3 năm triển khai, các nhà trường đã rút ra những kinh nghiệm để triển khai dạy học hiệu quả môn tích hợp, nhất là môn Khoa học tự nhiên.
Minh họa/INT

Bóng ma hạt nhân ở Trung Đông

GD&TĐ - Tình hình Trung Đông đã đột ngột căng thẳng kể từ đêm 13/4 rạng sáng 14/4 khi Iran lần đầu tiên trong lịch sử thực hiện một cuộc không kích quy mô lớn.
Minh họa/INT

Lễ hội nhân dân

GD&TĐ - Tuần lễ du lịch Quảng Ngãi năm 2024 sẽ được bắt đầu vào ngày 22/4 tới.