Ngày 19/7, tại kỳ họp thứ 18, HĐND tỉnh Quảng Trị khóa VIII, TS Lê Thị Hương, Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Trị đã trao đổi, giải trình nhiều vấn đề liên quan ngành giáo dục được cử tri, dư luận quan tâm.
Kết quả thi tốt nghiệp tăng 3 bậc
Theo TS Lê Thị Hương – Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Trị, năm học 2022-2023 đã khép lại, bên cạnh những khó khăn tồn tại, ngành giáo dục cũng đạt được một số kết quả nổi bật. Đặc biệt, 6 tháng đầu năm ngành đã tham mưu ban hành một số chính sách quan trọng đối, giúp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; triển khai thực hiện một số nhiệm vụ của ngành.
Trong đó, nhiệm vụ triển khai Chương trình GDPT 2018, tham mưu ban hành chính sách dạy học liên trường cho giáo viên, chính sách lựa chọn chương trình GD địa phương...
Lãnh đạo Sở GD&ĐT Quảng Trị trả lời vấn đề dư luận quan tâm tại kỳ họp. |
Lãnh đạo Sở GD&ĐT Quảng Trị cho biết, khép lại năm học vừa qua, chất lượng giáo dục đại trà tiếp tục được duy trì, chất lượng mũi nhọn tăng cao so với 10 năm gần đây. Đặc biệt, có 50 em dự thi HSG quốc gia thì có 34 em đạt giải. Chất lượng giải cũng được cải thiện nhiều.
Hơn nữa, ngành đã tham mưu và phối hợp triển khai hiệu quả Chương trình GDPT 2018, làm tiền đề năm nay triển khai chương trình mới lớp 4, 8 và 11. Tổ chức thành công kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023.
“Sau 2 năm chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng năm nay, học sinh Quảng Trị đã nỗ lực với kết quả tốt nghiệp đạt 96,44%, tăng 2% so với năm 2022. Điểm trung bình các môn cao hơn so với năm trước, vị trí xếp hạng cũng tăng 3 bậc (từ 53 lên 50)”, TS Lê Thị Hương cho hay.
Qua đó, lãnh đạo Sở GD&ĐT Quảng Trị cũng thừa nhận một số khó khăn đối với ngành liên quan đến cơ sở vật chất, đội ngũ... Đặc biệt, khi triển khai những môn học mới, có những môn chưa có giáo viên thực hiện nhiệm vụ giảng dạy như giáo dục liên môn, Tin học, ngoại ngữ còn thiếu, nhất là vùng sâu, vùng xa.
Bên cạnh đó, chất lượng giáo dục đại trà duy trì ổn định nhưng với mức khiêm tốn. Đặc biệt, chất lượng giáo dục giữa các vùng miền còn chênh lệch, như miền núi với đồng bằng.
Nhiệm vụ thời gian tới, ngành tập trung tham mưu UBND tỉnh ban hành một số nội dung quan trọng. Trong đó, ban hành chiến lược phát triển ngành GD giai đoạn 2023-2030, tầm nhìn đến 2045 làm cơ sở thực hiện. Tiếp đó trình HĐND ban hành khung học phí để làm cơ sở thực hiện các nhiệm vụ trong ngành, thực hiện cơ chế tự chủ với các cơ sở giáo dục.
Nhiều chính sách phát huy hiệu quả
TS Lê Thị Hương cho biết, thời gian qua, ngành giáo dục đã tham mưu ban hành rất nhiều chính sách tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển giáo dục. Cụ thể, Sở GD&ĐT Quảng Trị xây dựng, tham mưu UBND tỉnh để trình HĐND tỉnh ban hành 17 Nghị quyết về quy hoạch phát triển ngành và các chế độ, chính sách đối với giáo viên, học sinh.
Kỳ họp thứ 18 HĐND tỉnh Quảng Trị. (Ảnh: Trần Tuyền). |
Trong đó, nhiều Nghị quyết đã được triển khai, tháo gỡ “nút thắt” và thực hiện hiệu quả, như các Nghị quyết về xóa phòng học tạm, phòng học mượn, chế độ lương và hỗ trợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đối với lao động hợp đồng vị trí nấu ăn trong các trường mầm non công lập, xây dựng phòng ở công vụ cho giáo viên các vùng khó khăn, hỗ trợ cho giáo viên và nhân viên làm việc liên trường hoặc nhiều điểm trường, chính sách hỗ trợ tiếp cận giáo dục cho học sinh khuyết tật tại các cơ sở giáo dục công lập,...
Bên cạnh đó, các điều kiện về bán trú, nội trú cho học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc cũng được quan tâm. Cơ sở vật chất được đầu tư, đảm bảo các điều kiện thuận lợi nhất về học tập cho con em các địa phương. Hiện 4 trường bán trú tại 2 huyện Đakrông và Hướng Hóa cơ bản đáp ứng mục tiêu, yêu cầu dạy học. Ngoài ra, ngành sẽ phối hợp các đơn vị, địa phương đẩy nhanh tiến độ đầu tư cơ sở vật chất cho các trường dân tộc nội trú, đảm bảo tỷ lệ học sinh đồng bào dân tộc học bán trú nâng lên, đảm bảo mục tiêu nghị quyết của HĐND tỉnh đề ra.
Đối với lĩnh vực xây dựng nhà công vụ cho giáo viên, đến nay đã có 112/399 phòng được đầu tư, tuy nhiên việc xã hội hóa lĩnh vực này gặp khó khăn, ảnh hưởng đến mục tiêu hoàn thành theo nghị quyết của HĐND tỉnh. Qua đó, Sở kiến nghị bố trí thêm nguồn lực bổ sung để thực hiện nhiệm vụ này, đồng thời kêu gọi các sở, ngành, đơn vị nhận đỡ đầu cho các cơ sở trường học.
Giải pháp ngăn chặn bạo lực học đường
Lãnh đạo ngành giáo dục Quảng Trị nhìn nhận, thời gian qua xảy ra nhiều vụ bạo lực học đường, gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến tâm lý học sinh. Khi xảy ra bạo lực, ngành giáo dục đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương, đặc biệt là cơ quan công an các cấp để giải quyết, xử lý vụ việc.
Tại kỳ họp, ông Nguyễn Đăng Quang – Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Trị nhấn mạnh: Từ nửa đầu nhiệm kỳ đến nay, các Nghị quyết HĐND tỉnh ban hành đối với lĩnh vực giáo dục rất nhiều. Sở GD&ĐT cần căn cứ các Nghị quyết đã ban hành, thực hiện để rà soát trong quá trình triển khai xem có “tắc nghẽn” chỗ nào. Từ đó, đề xuất HĐND tỉnh tiếp tục sửa đổi, bổ sung các chính sách nhằm thúc đẩy sự nghiệp giáo dục và đào tạo, chăm lo nguồn nhân lực trong tương lai.
“Xác định việc xây dựng văn hóa học đường là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Trong thời gian tới, ngành giáo dục đề ra nhiều giải pháp tăng cường giáo dục học đường, giáo dục kỹ năng sống theo kế hoạch của UBND tỉnh, đồng thời huy động các cấp, ngành, nhà trường và xã hội, đặc biệt là chính các giáo viên, học sinh thực hiện nghiêm túc”, TS Lê Thị Hương nhấn mạnh.