Quảng Ninh đẩy mạnh chuyển đổi số trong trường học

GD&TĐ - Tỉnh Quảng Ninh đã đẩy mạnh chuyển đổi số nhằm nâng cao chất lượng công tác quản lý, tổ chức hoạt động giáo dục.

Giờ học về Địa lý trực quan, tương tác giữa giáo viên và học sinh tại Trường THCS Ngô Quyền (TP Cẩm Phả).
Giờ học về Địa lý trực quan, tương tác giữa giáo viên và học sinh tại Trường THCS Ngô Quyền (TP Cẩm Phả).

Đẩy mạnh dạy và học trên môi trường số

Để chuyển đổi số đi vào thực chất, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, bám sát sự chỉ đạo của Sở, Phòng GD&ĐT TP Cẩm Phả đã xây dựng kế hoạch chuyển đổi số ngành Giáo dục đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Trong đó, mục tiêu chung là ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và chuyển đổi số toàn ngành làm cơ sở thực hiện mục tiêu đổi mới phương thức dạy và học, quản lý giáo dục và quản trị nhà trường, góp phần tạo chuyển biến rõ nét về chất lượng và hiệu quả của hệ thống giáo dục toàn thành phố.

Theo đó, ngành Giáo dục TP Cẩm Phả thực hiện đổi mới phương thức tổ chức giáo dục, đưa dạy và học trên môi trường số trở thành hoạt động giáo dục thường xuyên, liên tục. Đổi mới mạnh mẽ phương thức quản lý giáo dục dựa trên công nghệ số và dữ liệu.

Hiện nay, 100% các trường từ Mầm non đến THCS trên địa bàn có phòng gắn thiết bị trực tuyến để phục vụ cho hoạt động chuyên đề, tập huấn, bồi dưỡng cán bộ, giáo viên, nhân viên dịp hè và trong năm học; 100% trường học có kết nối Internet, với hệ thống mạng cáp quang tốc độ cao, thiết bị phát wifi.

Đặc biệt, trong Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2022-2023 và tuyển sinh lớp 1, 6. Phòng GD&ĐT thành phố đã triển khai tuyển sinh trực tuyến (toàn bộ thí sinh thực hiện đăng ký dự thi trực tuyến, thông tin hồ sơ của thí sinh được trích xuất tự động từ cơ sở dữ liệu, không dùng hồ sơ giấy).

Việc ứng dụng CNTT vào hoạt động dạy học đã dần thay đổi phương pháp giảng dạy và học tập từ truyền thống sang phương pháp giảng dạy tích cực, giúp giáo viên và học sinh của nhiều trường học trên địa bàn phát huy được khả năng tư duy, sáng tạo, sự chủ động và đạt hiệu quả.

100% giáo viên có kỹ năng về ứng dụng CNTT

Tại thị xã Quảng Yên, ngành Giáo dục địa phương này đã chủ động ứng dụng nhiều tiện ích của CNTT trong giảng dạy, học tập và quản lý giáo dục.

Trường Tiểu học Ngô Quyền (phường Quảng Yên, thị xã Quảng Yên) được đánh giá là một trong những đơn vị đi đầu về ứng dụng CNTT trong việc giảng dạy, học tập.

Cô giáo Trần Thị Hoa, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, năm học 2023-2024, toàn trường có 20 lớp học với 645 học sinh. Ngoài các phòng học truyền thống, trường còn có 4 phòng học thông minh giúp mở rộng không gian, tài liệu, phương pháp và hình thức dạy học.

Bên cạnh cơ sở vật chất, trang thiết bị, 100% giáo viên của trường có kiến thức, kỹ năng về ứng dụng CNTT, sử dụng thiết bị phòng học thông minh. Các giờ giảng được giáo viên chú trọng khai thác hiệu quả thiết bị dạy học, các phần mềm như quản lý lớp học Google Classroom... thiết kế bài học, câu hỏi trắc nghiệm giúp tăng hứng thú, hiệu quả trong kiểm tra học sinh như trò chơi Kahoot, Quizizz, Google Form...

Tiết học trong phòng học thông minh của cô và trò Trường THCS Trần Hưng Đạo (TX Quảng Yên).
Tiết học trong phòng học thông minh của cô và trò Trường THCS Trần Hưng Đạo (TX Quảng Yên).

Học sinh học ở phòng học thông minh sẽ đóng vai trò là trung tâm, còn giáo viên là người hỗ trợ. Việc tổ chức dạy học tương tác, ra bài tập, kiểm tra bài cũ, đưa tài liệu, nhận phản hồi từ học sinh đều được thao tác trên máy tính. Giáo viên có thể kiểm tra quá trình học tập của các em học sinh bất cứ lúc nào và câu trả lời của học sinh được lưu trên internet, dễ dàng soi chiếu kết quả khi các em hoàn thiện bài kiểm tra.

Không chỉ riêng tại Trường Tiểu học Ngô Quyền, việc ứng dụng CNTT trong dạy và học được các trường học trên địa bàn thị xã Quảng Yên quan tâm thực hiện và đạt nhiều kết quả.

Đến nay 100% trường học trên địa bàn đã thực hiện tốt ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong dạy và học, như triển khai phần mềm quản lý trường học trực tuyến; 100% học sinh, giáo viên có hồ sơ điện tử, có mã định danh thống nhất; sử dụng học bạ, một số sổ sách điện tử thay thế hồ sơ giấy; có các giải pháp khai thác hiệu quả thiết bị hỗ trợ dạy và học đã được đầu tư…

Cùng với đó, 100% trường mầm non đến THCS trên địa bàn có phòng gắn thiết bị trực tuyến để phục vụ cho hoạt động chuyên đề, tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ, giáo viên, nhân viên dịp hè và trong năm học; 100% các trường học có kết nối Internet, với hệ thống mạng cáp quang tốc độ cao, thiết bị phát wifi; 100% các trường tiểu học, TH&THCS, THCS được trang cấp thiết bị thông minh và phần mềm quản lý lớp học bản quyền Mythware, kèm theo hỗ trợ hoàn thiện phòng học thông minh, nhằm nâng cao ứng dụng CNTT trong dạy và học.

Đặc biệt, 100% giáo viên ứng dụng hiệu quả CNTT vào dạy học. Học sinh học tập với tinh thần hăng say, vui vẻ, phấn khởi, nhất là các tiết dạy có ứng dụng CNTT, phòng học tương tác.

Bà Nguyễn Thị Thuý, Trưởng phòng GD&ĐT thị xã Quảng Yên cho biết, phát huy những kết quả đã đạt được trong công tác ứng dụng CNTT về quản lý, dạy học, Phòng GD&ĐT thị xã đã xây dựng kế hoạch chuyển đổi số trong ngành đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đồng thời xem đây là một trong những nhiệm vụ chính của ngành, góp phần tham gia cùng với chương trình, kế hoạch chuyển đổi số của tỉnh và của thị xã.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ