Quảng Nam: Trường Quốc tế Hội An bố trí giáo viên không đúng chuyên môn?

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ -Phụ huynh Trường Quốc tế Hội An (HAIS) đã có đơn gửi Sở GD&ĐT Quảng Nam phản ánh chương trình học của một số môn không phù hợp với độ tuổi và không theo chương trình của Cambridge. Ngoài ra, có những tiết học, nhà trường phân công giáo viên đứng lớp không đúng chuyên môn.

Hoạt động của học sinh Trường Quốc tế Hội An (HAIS) trong Lễ hội mùa hè (Ảnh từ Fanpage nhà trường).
Hoạt động của học sinh Trường Quốc tế Hội An (HAIS) trong Lễ hội mùa hè (Ảnh từ Fanpage nhà trường).

Điều chỉnh phù hợp với bối cảnh địa phương

Ngoài phản ánh con mình bị “bạo hành” trong giờ Âm nhạc bằng cách bắt vỗ tay thật nhiều theo yêu cầu của giáo viên (GD&TĐ đã phản ảnh), bà N.T.T.Q. nhận xét rằng việc dạy học môn Nhạc và Nghệ thuật không như cam kết.

Bà Q. cho biết: “Vì thấy chương trình học Nhạc và Nghệ thuật không phù hợp với độ tuổi và không theo chương trình của Cambridge, chúng tôi đã gửi email cho giáo viên nhạc thầy Luc Garner và giáo viên nghệ thuật cô Frances Dobson.

Cô Frances Dobson thay mặt trả lời cho cả hai và nói họ dạy theo đúng chương trình tổng quan của Cambridge”. Không thỏa mãn với nội dung trả lời này, bà Q. đã liên hệ trực tiếp với đại diện của Cambridge để kiểm tra đối chiếu, thì thấy giáo viên không theo sát chương trình.

“Chúng tôi hỏi Ban giám hiệu về vấn đề này, họ trả lời người phụ trách trực tiếp về chương trình giảng dạy của khối quốc tế tiểu học, thầy Balint Kocsis rất bận, nên không có thời gian kiểm tra giáo trình.

Chúng tôi rất không hài lòng về việc thiếu giám sát dẫn đến chương trình dạy không phù hợp lứa tuổi và từ đó những giờ học sẽ kém chất lượng. Chúng tôi đã gửi những video những tiết dạy kém chất lượng trong thời gian học trực tuyến, nhưng hiệu phó và hiệu trưởng nói họ rất bận không có thời gian kiểm tra”, trích đơn phản ánh của bà N.T.T.Q.

Phản hồi những thắc mắc này với bà N.T.T.Q., đại diện Trường Quốc tế Hội An cho biết: “Về việc học tập và giảng dạy bộ môn Âm nhạc, nhà trường giảng dạy đúng theo chương trình Cambridge.

Nhà trường sử dụng chương trình giảng dạy như một kim chỉ nam và các hoạt động được điều chỉnh cho phù hợp với bối cảnh địa phương như một lựa chọn trong khung chương trình giảng dạy của Cambridge”.

Ngoài ra, theo thông tin từ Trường Quốc tế Hội An, dựa trên phương pháp học tập trực tuyến và tình hình Covid-19, nhà trường đã thử nhiều phương pháp khác nhau để cung cấp các bài học chất lượng cao, luôn tuân thủ theo khung chương trình và mục tiêu của chương trình học nhưng có thể khác với các chủ đề/đề án được đề xuất.

Trường Quốc tế Hội An khẳng định, việc kiểm tra và giám sát chương trình quốc tế được giao cho ông Balint Kocsis, Phó Hiệu trưởng quốc tế của nhà trường.

“Ông Balint được Cambridge chứng nhận là Trưởng chương trình cho Chứng chỉ quốc tế về Dạy và Học, đồng thời là chuyên gia Đánh giá cho Cambridge IGCSE và A Levels bằng Tiếng Anh”, đại diện HAIS thông tin.

Không đồng tình với nội dung phản hồi này, bà N.T.T.Q. chất vấn rằng để đảm bảo tính minh bạch và quyền lợi của học sinh và phụ huynh, tại sao trường không được kiểm định bởi một tổ chức độc lập như CIS (hội đồng các trường quốc tế) hay COBIS (hội đồng các trường quốc tế Anh) như các trường quốc tế khác, mà chỉ được giám sát bởi chính cán bộ giáo viên của trường?

Giải pháp tình thế để lớp không trống giáo viên?

Phản hồi với bà N.T.T.Q. về việc tại sao không có Hội phụ huynh, ông Nguyễn Luận, Hiệu trưởng Trường Quốc tế Hội An cho biết: “Trường có Hội phụ huynh từ những năm đầu tiên, được gọi là PTA, Hội trưởng được thay phiên nhau theo quý. Hội phụ huynh tham gia các hoạt động xã hội của nhà trường. Giai đoạn Covid-19, hội phụ huynh bị gián đoạn cho đến bây giờ và hiện tại, để chuẩn bị cho năm tới, hội phụ huynh được tiếp tục hoạt động”.

Trước năm 2021, theo quy định của Bộ GD&ĐT, nhà trường có Hội phụ huynh. Nhưng nay Bộ GD&ĐT có Thông tư số 40 thì Hội đồng trường, nhà trường có Hội phụ huynh và do 2 năm qua do dịch bệnh Covid-19 nên không có hoạt động gì đáng kể. Nhà trường đã thành lập mới Hội đồng trường nhưng chưa hoạt động vì chưa được Sở GD&ĐT Quảng Nam công nhận. Trường sẽ sớm trình Sở GD&ĐT Quảng Nam công nhận Hội đồng trường trong thời gian sớm nhất.

Cũng trong đơn kiến nghị gửi một số cơ quan chức năng có liên quan, bà N.T.T.Q. phản ánh tình trạng nhà trường bố trí giáo viên dạy học không đúng với chuyên môn.

Bà N.T.T.Q. ví dụ: Một cô giáo (đã được giấu tên - PV) có bằng chuyên ngành về Nghệ thuật, nhưng ngoài dạy Nghệ thuật, cô còn là chủ nhiệm dạy Toán, Tiếng Anh, Khoa học cho lớp 6. Một thầy giáo khác có bằng chuyên ngành Nghệ thuật thì dạy bộ môn Thương mại và giáo viên tâm lý.

Theo dõi những tiết học trực tuyến của con, bà Q. kể, có những tiết học Toán do giáo viên dạy nhạc đứng lớp, tiết học Tiếng Anh do giáo viên Thể dục đứng lớp, tiết học Nghệ thuật do giáo viên Tin học đứng lớp khi giáo viên chuyên môn nghỉ có việc riêng.

“Chúng tôi có thể thông cảm khi trường phải sử dụng giáo viên không đúng chuyên môn thay thế trong trường hợp đột xuất. Nhưng không thể chấp nhận giáo viên chuyên môn không dạy theo chương trình và không có người kiểm tra giám sát. Ai là người kiểm tra giám sát việc giáo viên dạy được dạy đúng chuyên môn để bảo đảm quyền lợi cho học sinh”.

Phía Trường Quốc tế Hội An khẳng định rằng, nhà trường tuyển chọn đội ngũ đúng với quy định của các cơ quan chức năng và bố trí giáo viên giảng dạy đúng theo quy định.

“Tuy nhiên, trong giai đoạn Covid-19, do tình hình giáo viên nghỉ ốm thường xuyên do mắc Covid nên thỉnh thoảng nhà trường có sự thay phiên để dạy thay các lớp học nhằm hạn chế tối đa tình trạng lớp không có giáo viên và đảm bảo chương trình học cho học sinh”, đại diện HAIS giải thích.

Tin tiêu điểm

Hệ thống HIMARS của Ukraine sẽ được sử dụng để phóng ATACMS.

Canh bạc nguy hiểm với ATACMS

Thế giới
GD&TĐ - Theo chuyên gia quân sự kỳ cựu Nga, Andrey Koshkin, hệ thống phòng thủ nhiều tầng của Moscow luôn sẵn sàng đánh chặn mọi tên lửa, kể cả ATACMS tầm xa.

Đừng bỏ lỡ