Quảng Nam – Đà Nẵng: Sẵn sàng “kích hoạt” dạy – học online

GD&TĐ - Ngành GD-ĐT Đà Nẵng, Quảng Nam – 2 địa phương trong vùng dịch đã có phương án phù hợp với tình hình thực tế để ngày khai giảng 5/9 để lại dấu ấn khó phai trong ký ức của mỗi HS, dù được tổ chức với hình thức trực tiếp hay trực tuyến.

Học sinh Đà Nẵng học tại nhà trong thời gian giãn cách xã hội.
Học sinh Đà Nẵng học tại nhà trong thời gian giãn cách xã hội.

Ưu tiên học sinh đầu cấp

Quảng Nam còn 3 địa phương gồm TP Hội An, TX Điện Bàn và huyện Duy Xuyên đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Đến ngày 5/9, những địa phương này hết thực hiện giãn cách xã hội sẽ đồng loạt tổ chức lễ khai giảng như mọi năm. Với địa phương còn giãn cách sẽ không tổ chức lễ khai giảng và dạy – học qua mạng 1 - 2 tuần; sau đó nhà trường có kế hoạch dạy bù cho những em không có điều kiện học tập. 

Ông Hà Thanh Quốc, Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Nam cho biết: “Để phòng, chống dịch, các trường đều phải tổ chức vệ sinh, phun thuốc khử trùng, chuẩn bị đầy đủ nước sát khuẩn, máy đo thân nhiệt để kiểm tra sức khỏe HS trước lễ khai giảng”. Sở GD&ĐT Quảng Nam cũng hướng dẫn các trường học, trong tình hình dịch bệnh nên nội dung buổi lễ khai giảng sẽ ngắn gọn, sẽ bao gồm diễn văn khai giảng của hiệu trưởng, đọc thư của Chủ tịch nước gửi HS ngày khai trường, phát biểu cảm tưởng của HS. Thành phần tham dự sẽ ưu tiên cho HS các lớp đầu cấp gồm lớp 1, 6 và lớp 10; các khối lớp còn lại chỉ cử đại diện tham gia. 

Theo bà Lê Thị Bích Thuận – Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng, Đà Nẵng không tổ chức lễ khai giảng trực tiếp. “Trong ngày khai giảng 5/9, các trường học, tùy thuộc vào điều kiện gửi đến phụ huynh học sinh, và đặc biệt là HS những thông điệp của ngày khai giảng, ngày Toàn dân đưa trẻ đến trường. Các trường cũng gửi đến HS thông điệp của lãnh đạo thành phố nhân dịp năm học mới”.

Giờ học online của Trường Tiểu học Núi Thành năm học 2019 – 2020.
Giờ học online của Trường Tiểu học Núi Thành năm học 2019 – 2020. 

Dạy – học trong điều kiện thực hiện giãn cách xã hội 

Ông Mai Tấn Linh – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng cho biết: “HS, học viên không tiếp cận được dạy học qua mạng hay nhóm chat, nhà trường, GV bộ môn cung cấp bài giảng, bài tập, câu hỏi qua tài liệu giấy để học sinh tiếp cận. Chỉ tổ chức kiểm tra, đánh giá, lấy điểm khi học sinh đi học bình thường và sắp xếp thời gian để củng cố, ôn tập nội dung kiến thức cho học sinh trước khi kiểm tra, đánh giá”.

Sở GD&ĐT Đà Nẵng lưu ý, đối với lớp 1, trong điều kiện HS chưa trở lại trường, các trường vẫn tổ chức “tuần lễ làm quen”. Theo đó, GV lựa chọn nội dung kiến thức, kỹ năng cốt lõi, cần thiết, hướng dẫn phụ huynh tổ chức giáo dục học sinh phù hợp với điều kiện của gia đình, nhằm chuẩn bị cho các em sẵn sàng vào học lớp 1. Các nội dung cần phụ huynh hỗ trợ cùng với GV hướng dẫn HS như tư thế ngồi học, cách cầm bút, đặt bút, nối nét, cách cầm sách đọc; làm quen với các loại sách giáo khoa, vở, đồ dùng học tập…; đọc các âm trong bảng chữ cái, đọc các số từ 0 - 10; hướng dẫn học sinh kỹ năng giao tiếp, cách diễn đạt, trình bày với thầy cô, bạn bè, cha mẹ... 

Sau tuần làm quen, HS chưa đến trường, các trường hướng dẫn giáo viên điều chỉnh kế hoạch, nội dung phù hợp, soạn bài dạy học qua mạng, chú trọng đến đọc, viết và tính toán. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng: Với HS lớp 1 nên điều chỉnh khung thời gian năm học từ đầu tháng 10, trong năm học, các trường sẽ dạy bù để kịp chương trình sẽ hiệu quả hơn. 

Sau thời gian ôn tập của các khối lớp 2 - 5, nếu HS chưa đến trường được, các trường tiểu học sẽ tổ chức các hình thức dạy học qua mạng nội dung bài mới. Trường Tiểu học Núi Thành (Q. Hải Châu) đã chỉ đạo GV chủ nhiệm năm học 2019 – 2020 duy trì các group dạy – học trực tuyến để bàn giao cho GV chủ nhiệm mới. Đồng thời giới thiệu thầy cô mới với phụ huynh và HS để làm quen trước khi thoát ra khỏi nhóm để tiếp quản lớp chủ nhiệm mới của mình. Sở GD&ĐT Đà Nẵng cũng lưu ý trường THCS, THPT, trung tâm GDTX khi tổ chức dạy học bài, kiến thức mới cho học sinh qua mạng, phần mềm dạy học cần chú trọng ôn tập kiến thức cũ, rèn luyện thêm kỹ năng học tập cho học sinh. 

Cô Trần Thị Kim Vân – Hiệu trưởng Trường THPT Tôn Thất Tùng (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) cho biết: “GV chủ nhiệm sẽ liên hệ với phụ huynh phối hợp tạo tài khoản Zalo để hình thành group của lớp. Các thông tin về tài khoản học trực tuyến, thời khóa biểu…, sẽ được gửi trong group này”. Trường THCS Nguyễn Huệ (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) cũng sẽ tạo tài khoản học tập tương tự như vậy. Tuy nhiên, theo thầy Lê Thanh Phước, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Huệ, riêng HS lớp 6, trường sẽ không dạy – học qua phần mềm Zoom mà thực hiện các video bài giảng để HS học. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thực phẩm đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển não bộ ở trẻ. Ảnh minh họa: INT

Thực phẩm ảnh hưởng tới trí nhớ

GD&TĐ - Chế độ ăn thực phẩm nhiều dầu mỡ và chiên rán, nhiều đường làm giảm khả năng học tập và trí nhớ, cũng như tăng nguy cơ viêm nhiễm.