Quảng Bình tạo điều kiện cho học sinh tham gia hoạt động văn hóa

GD&TĐ - Văn hóa học đường là một trong những yếu tố quyết định chất lượng giáo dục, cần chú trọng nâng cao nhận thức cho cán bộ quản lý, học sinh.

Quảng Bình tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trường học giai đoạn 2018-2025”.
Quảng Bình tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trường học giai đoạn 2018-2025”.

Chiều 12/5, UBND tỉnh Quảng Bình tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trường học giai đoạn 2018-2025”. Hội nghị do ông Hồ An Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình chủ trì.

Tại hội nghị, ông Cao Văn Định - Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Bình nhấn mạnh: Văn hóa học đường là một trong những yếu tố quyết định chất lượng giáo dục. Do đó, cần chú trọng đến việc nâng cao nhận thức cho cán bộ quản lý giáo dục, HS, các địa phương về vai trò, tầm quan trọng của xây dựng văn hóa học đường, xem đây là nhiệm vụ của các cấp, ngành và toàn xã hội.

Mặt khác, cần triển khai tốt chương trình giáo dục phổ thông mới và rà soát, chuẩn hóa ban hành bộ quy tắc ứng xử; đồng thời, cần tuyên truyền, định hướng cho HS trong việc sử dụng, khai thác thông tin trên mạng internet.

Trưởng ban Tuyên giáo Quảng Bình cho rằng, cần xây dựng, hoàn thiện thiết chế trường học, tạo điều kiện cho HS tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao và có các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục; trong đó chú trọng đến giáo dục đạo đức, lối sống cho HS.

Thời gian qua, công tác xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học nhận được sự quan tâm của các Sở, ban, ngành, tổ chức, đoàn thể, chính quyền địa phương, gia đình, nhà trường và xã hội. Qua đó, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động của cán bộ quản lý, người đứng đầu các đơn vị.

Các thành viên tham dự hội nghị nêu ý kiến về việc xây dựng văn hóa học đường.

Các thành viên tham dự hội nghị nêu ý kiến về việc xây dựng văn hóa học đường.

Hiện tại, có 100% trường học xây dựng, thực hiện Bộ quy tắc ứng xử trong trường học; trên 97% trường học đạt chuẩn xanh, sạch, đẹp, an toàn, lành mạnh.

Các hoạt động tuyên truyền về xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học được đẩy mạnh, hình thức triển khai phong phú, sinh động. Việc đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp, hình thức xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học cho học sinh (HS) được triển khai ở tất cả các cấp học.

Ở các cấp học đã xuất hiện ngày càng nhiều những tấm gương HS nghèo vượt khó, học giỏi. Nhiều HS được bồi dưỡng, kết nạp vào hàng ngũ của Đảng khi đang học tại nhà trường.

Phát biểu kết luận hội nghị, ông Hồ An Phong - Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu: Thời gian tới, ngành Giáo dục và các ngành, đơn vị, địa phương cần có giải pháp cơ bản và lâu dài, bám sát vào từng nội dung của đề án để triển khai hiệu quả và có các mô hình cụ thể để đánh giá nhân rộng điển hình trên toàn tỉnh.

Ngoài ra, xây dựng đội ngũ nhà giáo tâm huyết, là tấm gương sáng về đạo đức, lối sống cho HS noi theo và có giải pháp nhằm tăng cường hiệu quả việc phối hợp giữa gia đình, nhà trường, xã hội; đẩy mạnh hơn nữa hoạt động phối hợp giữa các sở, ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương để triển khai tốt việc xây dựng trường học an toàn, thân thiện nhằm góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ