Quảng Bình duy trì vững chắc chất lượng phổ cập giáo dục, xóa mù chữ

GD&TĐ - Quảng Bình đã tập trung triển khai công tác PCGD, XMC, trở thành một trong 5 tỉnh được Bộ GD&ĐT đánh giá cao về công tác PCGD, XMC.

Đoàn công tác của Bộ GD&ĐT kiểm tra, đánh giá kết quả xóa mù chữ tại Quảng Bình năm 2022.
Đoàn công tác của Bộ GD&ĐT kiểm tra, đánh giá kết quả xóa mù chữ tại Quảng Bình năm 2022.

Chất lượng xóa mù chữ được củng cố

Xác định công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ (PCGD, XMC) là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, là nhiệm vụ trọng tâm của ngành giáo dục, tỉnh Quảng Bình đã có sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, cũng như triển khai thực hiện đồng bộ các nội dung của công tác PCGD, XMC. Nhờ vậy, đã đạt kết quả khá cao so với nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước.

Bên cạnh đó, ban chỉ đạo các cấp đã thực hiện tốt các nội dung PCGD, XMC theo quy định. Đội ngũ làm công tác này từ cấp cơ sở đến cấp tỉnh đều phát huy vai trò, trách nhiệm trong công việc. Công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức cho người dân đối với công tác PCGD, XMC luôn được quan tâm.

Nhờ đó, chất lượng giáo dục toàn diện của Quảng Bình được duy trì vững chắc; chất lượng giáo dục đại trà có bước tiến vượt bậc. Năm 2023, điểm trung bình thi tốt nghiệp THPT đạt 6.36 (xếp thứ 35 toàn quốc). Có nhiều học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế (Từ năm 2013 đến nay, có 5 học sinh đạt giải Nhất, 65 học sinh đạt giải Nhì, 105 học sinh đạt giải Ba và 163 học sinh đạt giải Khuyến khích trong các kỳ thi học sinh giỏi các môn văn hóa).

Chất lượng PCGD, xóa mù chữ được củng cố, duy trì và tăng tiến vững chắc qua các năm. Tính đến tháng 12/2021, toàn tỉnh có 8/8 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn PCGD mầm non 5 tuổi, 8/8 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn PCGD tiểu học (TH), Trung học cơ sở (THCS) mức độ 3 và 8/8 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn XMC mức độ 2.

Bộ GDĐT đã kiểm tra và công nhận tỉnh Quảng Bình là 1 trong 5 tỉnh đầu tiên trong cả nước đạt chuẩn PCGDTH mức độ 3, THCS mức độ 3 và XMC mức độ 2.

PCGD, XMC cần phải làm thường xuyên

Làm việc với đoàn công tác Bộ GD&ĐT về công tác kiểm tra công nhận đạt chuẩn quốc gia PCGD, XMC, ông Hồ An Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình nhấn mạnh: Việc Quảng Bình là một trong 5 tỉnh được Bộ GD&ĐT đánh giá cao về công tác PCGD, XMC là kết quả của quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, sự vào cuộc đồng bộ của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự quan tâm của Bộ GD&ĐT cùng các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội mà ngành GD&ĐT giữ vai trò nòng cốt. Song, đây mới chỉ là kết quả bước đầu, bởi PCGD, XMC là việc phải làm thường xuyên, liên tục mới có thể giữ được thành quả.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở GD&ĐT, các sở, ngành, địa phương liên quan tiếp thu ý kiến chỉ đạo của của đoàn kiểm tra Bộ GD&ĐT nhằm tham mưu cấp có thẩm quyền những giải pháp cụ thể để thực hiện tốt nữa công PCGD, XMC.

Đặc biệt, sau 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 10-CT/TW của Bộ Chính trị “về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, củng cố kết quả phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở, tăng cường phân luồng học sinh sau trung học cơ sở và xóa mù chữ cho người lớn”, công tác phổ cập giáo dục và xóa mù chữ, phân luồng học sinh trên địa bàn tỉnh đạt nhiều kết quả tích cực.

Nhận thức của người dân về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của phổ cập giáo dục, xóa mù chữ với phát triển kinh tế - xã hội ngày càng cao. Mạng lưới trường lớp được phát triển đồng bộ ở các cấp học, ngành học.

Công tác xóa mù chữ cho những người trong độ tuổi lao động, giảm tỉ lệ người tái mù chữ ở người lớn được đẩy mạnh và đạt nhiều kết quả quan trọng.

Ban Chỉ đạo các cấp đã tích cực phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội, ngành Giáo dục và Đào tạo ở địa phương thực hiện tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân; đổi mới công tác quản lý, điều tra, vận động và tổ chức các lớp xóa mù chữ.

Kết quả phổ cập giáo dục và xóa mù chữ đạt nhiều kết quả tích cực.

Kết quả phổ cập giáo dục và xóa mù chữ đạt nhiều kết quả tích cực.

Hàng năm, ngành Giáo dục hướng dẫn, chỉ đạo điều tra, thống kê đối tượng người mù chữ và tái mù chữ trong độ tuổi. Trên cơ sở đó, xây dựng kế hoạch, giao chỉ tiêu mở các lớp học xóa mù chữ để giảm số người mù chữ và tái mù chữ trong độ tuổi. Đặc biệt, tập trung ở các xã miền núi, vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; lựa chọn hình thức tổ chức lớp học phù hợp, nội dung hấp dẫn, thiết thực nhằm giúp người mới học có cơ hội được tiếp xúc thường xuyên, hạn chế tái mù chữ.

Bên cạnh đó, tăng cường giáo viên chuyên trách xóa mù chữ cho các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Đến nay, 150/151 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2 (99,34%); 1/151 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1; 8/8 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2; tỉnh duy trì đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2.

Duy trì kết quả xóa mù chữ

Để đạt được mục tiêu đến năm 2030 duy trì, giữ vững và nâng cao tỉ lệ kết quả phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học và phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 3, xóa mù chữ mức độ 2; tỉnh Quảng Bình đẩy mạnh các giải pháp trọng tâm, như tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy, chính quyền; vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội đối với công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ; xác định việc thực hiện nhiệm vụ phổ cập giáo dục, xóa mù chữ, phân luồng học sinh là trách nhiệm của toàn xã hội.

Đẩy mạnh tuyên truyền về vị trí, vai trò và ý nghĩa của phổ cập giáo dục, xóa mù chữ; đẩy mạnh công tác xã hội hóa, huy động tối đa các nguồn lực trong xã hội cùng với ngân sách Nhà nước hỗ trợ kinh phí cho công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ.

Có chính sách phù hợp cho những người làm công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ. Tiếp tục thực hiện các chính sách đối với học sinh học nghề, hỗ trợ kinh phí cho học sinh dân tộc thiểu số, học sinh nghèo, học sinh thuộc diện chính sách,...

Với sự quan tâm, vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS trên địa bàn tỉnh Quảng Bình có những bước tiến vững chắc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ