Dự án giai đoạn 2 sẽ triển khai hỗ trợ các hoạt động can thiệp nhằm nâng cao năng lực cho giáo viên mầm non, tiểu học; người chăm sóc trẻ phương pháp tăng cường kỹ năng làm quen với đọc viết và toán cho trẻ mầm non và kỹ năng đọc viết cho học sinh tiểu học.
Cùng với đó là hỗ trợ trang bị mở rộng các kiến thức, kỹ năng về dạy học tích cực, lập kế hoạch thực hiện chương trình, phương pháp giảng dạy các môn học, thiết kế bài học và đặc biệt sẽ hỗ trợ để cải thiện năng lực, kỹ năng vận hành mô hình sinh hoạt chuyên môn dựa trên nghiên cứu bài học và học tập cộng tác nhằm xây dựng một môi trường cộng đồng học tập cho tất cả mọi người.
Những trường thực hiện dự án, học sinh, giáo viên và phụ huynh học sinh được hướng dẫn theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực người học. Việc triển khai dự án giai đoạn 2 không chỉ nâng cao cải thiện chất lượng giáo dục cho trẻ em 10 trường dự án của huyện Tuyên Hoá mà mô hình dự án còn có thể được nhân rộng trong hệ thống giáo dục của tỉnh.
Đây cũng là thời điểm mà toàn ngành giáo dục trong cả nước bắt đầu triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới (2018) với định hướng hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực người học.
Ông Lê Thanh Hùng, Hiệu trưởng Trường TH Thanh Lạng xã Thanh Hoá (Tuyên Hoá – Quảng Bình) chia sẻ: Đối với học sinh của trường ở vùng khó khăn như Tuyên Hoá, dự án nâng cao chất lượng giáo dục cho trẻ em thiệt thòi là một trong những điểm nhấn giúp đỡ nhà trường trong công tác giảng dạy và học tập của mình.
Dự án đã làm thay đổi ý thức của phụ huynh học sinh khi họ tích cực tham gia các hoạt động của nhà trường. Qua đó, tạo sự gắn kết giữa nhà trường, giáo viên, gia đình trong việc giúp đỡ học sinh phát triển nâng cao chất lượng học tập...
Việc phụ huynh tham gia dự án sẽ giúp họ có cách nhìn tốt hơn về những phương pháp truyền đạt, hướng dẫn con em họ học tập. Từ đó đã mang lại hiệu quả nhất định trong hoạt động dạy và học.
Ông Hùng cũng cho hay, "một tiết học hiệu quả khi học sinh được truyền thụ kiến thức bằng các phương pháp truyền thống nhưng lồng ghép những hoạt động khác mang lại sự hứng thú, tạo nên những giờ dạy chất lượng, không khí buổi học vui vẻ, học sinh tự tin hơn trong giao tiếp và giàu ngôn ngữ khi diễn thuyết giữa đám đông"...
Bà Nguyễn Thị Duyên, Hiệu trưởng trường Mầm non Thanh Lạng (Tuyên Hoá – Quảng Bình) rất vui mừng từ kết quả giai đoạn 1 của dự án mang lại. Việc đầu tư cơ sở vật chất, kiến thức đã mang lại những tín hiệu khởi sắc đối với trường học vùng khó khăn. Ở đó, sự gắn kết giữa phụ huynh, giáo viên thể hiện rõ khi phụ huynh trở thành mắt xích quan trọng trong việc giáo dục, chăm sóc con trẻ trong thời gian không đến trường…
Có thể thấy rằng, những kết quả ban đầu của dự án trong giai đoạn 1, Tổ chức Cứu trợ Trẻ em Quốc tế tiếp tục đồng hành, hợp tác với Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Bình; Phòng GD&ĐT huyện Tuyên Hoá để triển khai dự án giai đoạn 2 với một mong đợi và niềm hy vọng đó là không chỉ nâng cao cải thiện chất lượng giáo dục cho trẻ em 10 trường dự án của huyện Tuyên Hoá mà mô hình dự án còn có thể được nhân rộng trong hệ thống giáo dục của tỉnh.
Bà Phan Nguyễn Song Thảo, quản lý dự án tại khu vực miền Trung chia sẻ: “Các hoạt động dự án được thực hiện đảm bảo tiến độ thời gian, công khai, minh bạch và chất lượng nhằm nâng cao năng lực giáo viên, chất lượng học tập của học sinh tại 10 trường dự án theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực cho người học”…
Trong thời gian tới, dự kiến sẽ nhân rộng mô hình dự án tại nhiều trường mầm non, tiểu học trong toàn tỉnh Quảng Bình và chúng tôi sẽ luôn đồng hành cùng Ban quản lý dự án, các thầy giáo, cô giáo nhằm hỗ trợ tốt nhất trong phạm vi có thể cả về tài chính, quản lý dự án và chuyên môn kỹ thuật để hoạt động dự án đạt được kết quả cao nhất.