Quán quân The Debate Challenge bật mí bí quyết giành chiến thắng khi tranh biện

GD&TĐ -Tranh biện vốn đã khó, vậy thì tranh biện học thuật sẽ có nhiều thử thách như thế nào?

Quán quân The Debate Challenge bật mí bí quyết giành chiến thắng khi tranh biện

Bí quyết nào khiến các thí sinh giành được ưu thế trong một trận debate? Hãy cùng Swinburne Việt Nam lắng nghe những chia sẻ của Trần Khang Thịnh - thành viên đội Freedom Flowers - Quán quân bảng Anh The Debate Challenge 2022.

Chào Khang Thịnh, bạn có thể giới thiệu đôi nét về bản thân mình cho mọi người cùng biết được không?

Chào mọi người, mình là Trần Khang Thịnh - thành viên của đội Freedom Flowers - Quán quân bảng Anh The Debate Challenge 2022. Hiện tại mình đang theo học tại trường Quốc tế Châu Âu (European International School).

Sau khi bước ra khỏi cuộc thi The Debate Challenge, Thịnh thấy cuộc sống mình có nhiều đổi khác không?

Điều thay đổi rõ rệt nhất, chắc có lẽ là tư duy của bản thân mình. Cách mình nhìn về thế giới đã trở nên bao quát hơn, đa chiều hơn. Khi tranh biện ở The Debate Challenge, mình nhận ra rằng không phải cứ nói “Tôi đúng, anh sai” là được mà phải suy nghĩ rằng “Dù anh đúng, tôi vẫn đúng hơn”.

Cách tư duy này đã phá vỡ sự rạch ròi đen - trắng mình được dạy ở những bậc học sơ cấp. Kể cả khi sự đánh giá này hợp lý thì nó cũng chỉ mang tính chất tương đối, không đơn thuần là đúng hay sai. Từ đó, mình xem xét thế giới xung quanh qua nhiều lăng kính, ở mọi lĩnh vực gồm kinh tế, chính trị, xã hội và cả khoa học tự nhiên. Thật sự điều này giúp cho mình trưởng thành hơn rất nhiều về mặt nhận thức và suy nghĩ.

Những suy nghĩ cởi mở về tranh biện của Khang Thịnh

Những suy nghĩ cởi mở về tranh biện của Khang Thịnh

The Debate Challenge là cuộc thi chú trọng tính học thuật, bên cạnh kiến thức nền thì kỹ thuật thực chiến cũng chiếm một phần rất quan trọng, Thịnh nghĩ sao về điều này?

Quả thật, đây chính là điều khác biệt nhất mà mình nhận thấy tại The Debate Challenge so với các cuộc thi khác: chú trọng học thuật nhưng không là lý thuyết suông mà phải có số liệu khách quan, dẫn chứng xác đáng. Có thể nói, kỹ thuật tranh biện là một trong những yếu tố quyết định giúp thí sinh nắm được phần thắng.

Vậy kỹ thuật tranh biện của riêng Thịnh là gì?

Đối với riêng mình thì kỹ thuật tranh biện tập trung nhiều về yếu tố tinh thần. Thứ nhất, mình luôn giữ cho bản thân một cái “đầu lạnh” khi tranh biện, phải luôn duy trì trạng thái tự tin, mắt nhìn thẳng vào khán giả, chỉ có như vậy thì thông tin mới được truyền đạt một cách mạch lạc. Đặc biệt, không bao giờ để đối thủ làm mình mất bình tĩnh vì một khi nóng giận, những gì nói ra sẽ không còn được suy nghĩ một cách thấu đáo và trau chuốt, dễ bị mắc lỗi logic.

Ngoài ra, các bạn nên ưu tiên đào sâu vào những luận điểm trọng yếu của mình thay vì đi lan man, liệt kê ra tất cả những ý có thể nghĩ ra trong đầu để chứng minh được vấn đề một cách chặt chẽ và thuyết phục.

Cuối cùng nhưng không kém quan trọng, bạn hãy tìm ra lỗ hổng trong phần trình bày của đối thủ sau đó phản biện lại. Ví dụ rõ nhất là ở trận chung kết, hai đội thảo luận về chủ đề cấm bao nilon (plastic bags) thì đội bạn lại đưa ra một giải pháp là túi polyester. Mình phản biện rằng “Polyester cũng là nhựa mà” và đây cũng là yếu tố “knock-out” giúp đội mình ghi điểm cao trong mắt các ban giám khảo và nhà đánh giá chuyên môn.

Bí quyết “xương máu” để giành chiến thắng tại một giải đấu tranh biện đầy thử thách.

Bí quyết “xương máu” để giành chiến thắng tại một giải đấu tranh biện đầy thử thách.

Một điều cũng rất quan trọng trong cuộc thi đó chính là teamwork, bạn đánh giá như thế nào về tầm quan trọng của khả năng làm việc nhóm?

Cũng giống như kỹ năng tranh biện, mình nghĩ khả năng làm việc nhóm cũng là một yếu tố vô cùng quan trọng. Vì đến với The Debate Challenge, mình phải thi theo nhóm cho nên kể cả khi nội dung của riêng một cá nhân xuất sắc mà không có sự phối hợp nhịp nhàng của đồng đội thì không thể thắng được.

Bạn có thể làm thật tuyệt trong phần nói của mình, nhưng nếu đồng đội không thể theo được mạch ý thì toàn bộ team xem như đã thất bại. Và một điều rất may mắn là các thành viên trong nhóm mình là bạn thân từ rất lâu nên gần như đã hiểu ý nhau. Vì vậy, mọi người hãy chọn cho mình những đồng đội thật hợp ý nhé!

Qua nhiều vòng thi, bạn thấy vòng nào là khó khăn nhất? Tại sao?

Đối với bản thân mình và cũng có thể là cả đội thì trận chung kết ở TP.HCM là khó nhất, vì đội chưa từng chuẩn bị bất cứ thứ gì cho vòng đó. Nói ra thì có vẻ hơi xấu hổ nhưng tụi mình chưa bao giờ nghĩ sẽ vào được đến bán kết khu vực, chứ đừng nói có thể tiến xa hơn đến như vậy. Lúc nhận thông tin đã chiến thắng vòng bán kết và lọt vào chung kết khu vực, tụi mình thực sự rất lo vì chỉ có khoảng thêm 20 phút chuẩn bị. Nhưng cuối cùng, mọi thứ vẫn đâu vào đấy vì tụi mình đã vận dụng những điều đã được training trong Trại huấn luyện đem phát huy hết ở vòng này.

Một “cái đầu lạnh” và đầy đủ kiến thức là một trong những yếu tố làm nên nhà quán quân

Một “cái đầu lạnh” và đầy đủ kiến thức là một trong những yếu tố làm nên nhà quán quân

Theo bạn, điều gì là thử thách lớn nhất với mỗi thí sinh trước cuộc thi?

Mình nghĩ điều này tùy thuộc mỗi người, với những thế mạnh và điểm yếu khác nhau. Có người sợ trình bày trước đám đông, có người sợ chưa đủ kiến thức và kinh nghiệm, có người tự ti về khả năng tiếng Anh của bản thân…. Nhưng theo mình, quan trọng nhất trong tranh biện là tinh thần và kỹ thuật, đôi khi những gì mình nói không quan trọng bằng cách mình nói, vì đó là sự thuyết phục đối với khán giả. Các bạn nên giữ một tinh thần sảng khoái, vững chắc trong suốt trận đấu để tối đa hóa khả năng thắng trận.

Bạn có tips gì hay ho để vượt qua nỗi sợ trình bày trước đám đông không?

Hãy luyện tập, chỉ có thế thôi! Bài phát biểu trước đám đông đầu tiên của mình kéo dài 30 giây và đó là 30 giây yên lặng hoàn toàn, mình không thể nói được một chữ nào vì nỗi sợ ấy. Ngày hôm đó tính đến nay cũng đã hơn 8 năm rồi. Mình luôn tự nhủ phải không ngừng tập luyện bằng cách trình bày cho bạn bè, người thân, rồi ở trường lớp. Dần dần, tự mình mở rộng quy mô khán giả, chúng ta sẽ vượt qua được nỗi sợ đó. Và các bạn hãy nhớ rằng, nỗi sợ này là điều hết sức bình thường cho những người mới bắt đầu. Đừng tự ti nhé, không chỉ một mình bạn cảm thấy vậy đâu!

The Debate Challenge - cuộc thi tranh biện học thuật có nhiều điểm mới mẻ và đặc sắc

Những chia sẻ về cuộc thi TDC, có điểm gì hay và bạn đặc biệt thích điều gì?

Điều mình thích nhất tại The Debate Challenge là các giảng viên, ban giám khảo rất nhiệt tình. Không chỉ ở Trại huấn luyện mà còn trong cả suốt quá trình cuộc thi: những hoạt động bonding thú vị, những kiến thức bổ ích về tranh biện chuyên nghiệp… Mình nghĩ đây là một sân chơi mà các bạn học sinh THPT và cả các bạn học sinh THCS nên thử sức để phát triển kỹ năng tranh biện nói riêng và tư duy logic nói chung. Đồng thời, The Debate Challenge sẽ là một phần khó quên trong hành trình trau dồi tri thức của bản thân.

Cảm ơn Khang Thịnh vì những chia sẻ vô cùng hữu ích, mong rằng bạn sẽ thật thành công trên con đường sắp tới!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.