Quản lý tài nguyên trong bối cảnh biến đổi khí hậu

Quản lý tài nguyên trong bối cảnh biến đổi khí hậu

(GD&TĐ) - Biến đổi khí hậu gây ra những tác động xấu đến môi trường, khiến cho nguồn tài nguyên thiên nhiên bị suy giảm. Chính vì vậy, trong bối cảnh biến đổi khí hậu như hiện nay, vấn đề bảo vệ, quản lý tài nguyên thiên nhiên hiệu quả là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung.

Đánh giá sát thực tài nguyên quốc gia

Một trong những nhiệm vụ quan trọng của Việt Nam trong việc quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên trong giai đoạn hiện nay là đẩy mạnh điều tra, đánh giá tiềm năng, trữ lượng, giá trị kinh tế, thực trạng và xu hướng diễn biến của các nguồn tài nguyên quốc gia. Coi trọng công tác điều tra cơ bản tài nguyên, đặc biệt là tài nguyên khoáng sản, tài nguyên nước, tài nguyên biển, trong đó chú trọng điều tra cơ bản địa chất khoáng sản vùng biển sâu, phát hiện các loại khoáng sản mới.

Sử dụng tài nguyên hiệu quả, bền vững

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, Việt Nam cần quản lý, bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên hiệu quả

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, Việt Nam cần quản lý, bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên hiệu quả

 

Bên cạnh đó, chúng ta cần quy hoạch, quản lý và khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả và bền vững các nguồn tài nguyên quốc gia. Để thực hiện nhiệm vụ này, Việt Nam cần xây dựng chiến lược bảo vệ, khai thác, sử dụng các loại tài nguyên quan trọng đối với phát triển đất nước. Thiết lập cơ chế quản lý, giám sát minh bạch, bảo đảm sử dụng hợp lý, hiệu quả và bền vững các nguồn tài nguyên quốc gia.

Đặc biệt, cần hạn chế tối đa, từng bước tiến tới chấm dứt xuất khẩu khoáng sản thô và chỉ qua chế biến sơ, thúc đẩy chế biến sâu. Đối với loại khoáng sản chiến lược đặc thù như than, dầu khí... cần có chính sách cụ thể, cân đối giữa nhập khẩu và xuất khẩu.

Việc thúc đẩy sử dụng đất tiết kiệm, hợp lý và có hiệu quả; kết hợp bảo vệ diện tích, độ phì nhiêu của đất canh tác nông nghiệp; từng bước khắc phục tình trạng manh mún, nhỏ lẻ trong sử dụng đất cũng cần được chú trọng.

Việt Nam cũng cần quy hoạch khai thác, bảo vệ nguồn nước, tăng cường quản lý nguồn nước theo lưu vực sông; tích nước, điều tiết nguồn nước phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, kiểm soát các hoạt động khai thác, đấu tranh, ngăn chặn tình trạng đánh bắt mang tính hủy diệt nhằm bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đặc biệt là vùng gần bờ.

Phát triển năng lượng tái tạo

Một trong những nhiệm vụ quan trọng để quản lý hiệu quả nguồn tài nguyên là thúc đẩy phát triển, sử dụng năng lượng mới, năng lượng tái tạo, các nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu mới thay thế các nguồn tài nguyên truyền thống.

Theo hướng đi này, cần đẩy mạnh đầu tư phát triển và sử dụng năng lượng mới, năng lượng tái tạo; thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu sử dụng năng lượng theo hướng tăng tỉ trọng sử dụng năng lượng mới, năng lượng tái tạo trong tổng năng lượng quốc gia. Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển năng lượng mới, năng lượng tái tạo.

Mặt khác, cần đẩy mạnh hợp tác thăm dò, khai thác tài nguyên từ bên ngoài, phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong nước. Phát triển sản xuất các loại nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu mới để thay thế các loại tài nguyên truyền thống.

Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Sinh, Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cho rằng, giải pháp đồng bộ để chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu từ nay đến 2020 của Việt Nam, đó là chính sách đảm bảo an ninh lương thực, an ninh năng lượng, an ninh nguồn nước, xóa đói giảm nghèo, bình đẳng giới, an sinh xã hội, sức khỏe cộng đồng, nâng cao đời sống, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên trong bối cảnh biến đổi khí hậu.

Linh Anh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ