Quan hệ Mỹ - Ấn bất ngờ dậy sóng

Quan hệ Mỹ - Ấn bất ngờ dậy sóng
Bà Devyani Khobragade đã bị phía Mỹ bắt giữ và khám người
Bà Devyani Khobragade đã bị phía Mỹ bắt giữ và khám người
Ấn Độ hôm 18/12 đã bày tỏ sự giận dữ trước sự việc một nhà ngoại giao nước mình bị bắt và khám xét thân thể tại New York. Trong khi đó phía Mỹ đang cố gắng xoa dịu tình hình.
Theo BBC, phát biểu trước quốc hội, lãnh đao phe đối lập tại Thượng viện Ấn Độ Arun Jaitley cho rằng vụ bắt giữ là một sự vi phạm rõ ràng công ước Vienna.
Devyani Khobragade, một phó tổng lãnh sự, đã bị còng tay sau khi bị bắt và bị buộc cởi bỏ quần áo để khám người.
Bà Khobragade phủ nhận việc mình gian lận thị thực, hay khai báo gian dối, trước cáo buộc mình đã không trả đủ tiền công cho một người giúp việc người Ấn Độ.
Người giúp việc này trước đó khiếu nại rằng nhà ngoại giao trả lương cho mình thấp hơn mức lương tối thiểu được quy định theo yêu cầu về cấp thị thực của Mỹ.
Sau khi bị bắt giữ, bà Khobragade đã phải ra hầu tòa hôm thứ Sáu, trước khi được tại ngoại với khoản tiền bảo lãnh 250.000 USD.
Trong ngày 17/12, Ấn Độ đã ra lệnh thực thi một loạt biện pháp đáp trả. Trong đó các hàng rào quanh đại sứ quán Mỹ tại Delhi đã bị dỡ bỏ và một phái đoàn của Mỹ tới thăm bị từ chối đón tiếp.
Phó phát ngôn Bộ ngoại giao Mỹ Marie Harf đã cố gắng hạ nhiệt tình hình.
“Chúng tôi hiểu rằng đây là một vấn đề nhạy cảm với nhiều người tại Ấn Độ. Do vậy chúng tôi đang xem xét quy trình tiếp nhận xoay quanh vụ bắt giữ này, để đảm bảo rằng toàn bộ các quy trình phù hợp được tuân thủ và mọi cơ hội thể hiện sự nhã nhặn được tận dụng” - Bà Harf khẳng định trong một thông cáo báo chí.
Trước đó, hôm thứ Ba, cảnh sát Mỹ thừa nhận bà Khobragade, 39 tuổi, đã bị yêu cầu cởi bỏ quần áo để khám xét.
Các lực lượng thực thi pháp luật tại New York cho biết bà Khobragade “bị nghi đã có những gian dối và gian lận lớn đối với các tài liệu được xuất trình, và có những khai báo sai trái, gian lận lớn đối với Bộ Ngoại giao Mỹ nhằm xin hỗ trợ cho quá trình xin thị thực của một người Ấn Độ được thuê làm người trông trẻ và chăm nom nhà cửa cho mình tại New York”.
Nếu bị xác định có tội, nhân viên ngoại giao này có thể phải chịu mức án tối đa 10 năm tù vì gian lận thị thực và 5 năm tù vì khai báo gian dối.
Bộ ngoại giao Mỹ khẳng định bà Khobragade không có quyền miễn trừ ngoại giao đầy đủ.
Theo Thanh Tùng
Dân Trí

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ