Quân đội Sudan mở cuộc tấn công lớn

GD&TĐ - Theo nhiều báo cáo của phương tiện truyền thông, Lực lượng vũ trang Sudan (SAF) đã mở một cuộc tấn công lớn tại thủ đô Khartoum.

Một tháp tín hiệu vô tuyến nằm sau những ngôi nhà đầy lỗ đạn ở Omdurman, Sudan.
Một tháp tín hiệu vô tuyến nằm sau những ngôi nhà đầy lỗ đạn ở Omdurman, Sudan.

Cuộc tấn công trên nhằm giành lại lãnh thổ trước đây đã mất vào tay Lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF) bán quân sự khi nội chiến nổ ra hơn một năm trước.

Al Jazeera trích dẫn nguồn tin quân sự cho biết các cuộc không kích vào các vị trí của RSF đã được thực hiện tại thủ đô và các khu vực lân cận vào rạng sáng 26/9. Đây là cuộc tấn công lớn nhất trong nhiều tháng qua.

Các nhân chứng kể với Reuters về các cuộc giao tranh và ném bom dữ dội khi quân đội chính phủ tiến về phía những cây cầu bắc qua sông Nile và nối Khartoum với các thành phố lân cận là Omdurman và Bahri.

Các nguồn tin của quân đội cho biết lực lượng của họ đã vượt qua các cây cầu ở Khartoum và Bahri, nhưng RSF tuyên bố đã đẩy lùi các nỗ lực này, hãng tin trên cho biết thêm.

Ahmed Abdalla, một cư dân 48 tuổi, nói với Reuters rằng "quân đội đang tiến hành các cuộc không kích và pháo kích hạng nặng vào Halfaya và Shambat ở Bahri".

“Chúng tôi đang ngồi với những người hàng xóm, chờ đợi sự kiện tiếp theo”, một cư dân khác ở Khartoum nói với Al Jazeera. Cư dân này cho biết thêm rằng có hy vọng rằng quân đội sẽ giành lại thành phố vì “người dân đã chán ngấy lực lượng dân quân”.

Người phát ngôn Bộ Y tế Khartoum Mohamed Ibrahim được cho là đã nói rằng ít nhất 4 người thiệt mạng và 14 người khác bị thương trong cuộc pháo kích của RSF vào các khu dân cư ở Tỉnh Karari, phía bắc Omdurman sáng 26/9.

Sudan rơi vào hỗn loạn giữa tháng 4 năm ngoái khi giao tranh nổ ra ở thủ đô giữa quân đội và RSF, sau nhiều tháng căng thẳng giành quyền kiểm soát đất nước.

Kể từ đó, hàng chục nghìn thường dân đã thiệt mạng và bị thương, gần 8 triệu người phải di dời và 2 triệu người khác buộc phải chạy trốn sang các nước láng giềng, theo báo cáo gần đây của phái bộ điều tra thực tế của LHQ.

Quốc gia bị chiến tranh tàn phá này đang phải đối mặt với những gì LHQ gọi là một trong những cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất thế giới.

Chiến dịch quân sự quy mô lớn hôm 26/9 diễn ra bất chấp những nỗ lực do Mỹ và Saudi Arabia dẫn đầu nhằm làm trung gian cho lệnh ngừng bắn, cũng đã được thảo luận bên lề phiên họp Đại hội đồng LHQ lần thứ 79 tại New York.

Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov, người đang tham gia cuộc họp của LHQ, đã có cuộc đàm phán song phương với nhà lãnh đạo trên thực tế của Sudan, cũng là chỉ huy SAF, Tướng Abdel Fattah al-Burhan, về các cách chấm dứt cuộc chiến kéo dài 17 tháng.

Trong cuộc họp, ông Lavrov nhấn mạnh "cần sớm chấm dứt các hành động thù địch" và bắt đầu một cuộc đối thoại toàn quốc rộng rãi, theo thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao Nga.

Trong khi đó, trong bài phát biểu trước Đại hội đồng hôm 26/9, Tướng al-Burhan cho biết mặc dù ông ủng hộ các nỗ lực hòa bình, nhưng lệnh ngừng bắn chỉ có thể đạt được nếu RSF rút khỏi các khu vực mà họ chiếm đóng.

Ông cáo buộc các quốc gia giấu tên cung cấp lính đánh thuê, tiền bạc và vũ khí cho RSF, đồng thời cảnh báo rằng quân đội đang "tiến hành đánh bại và đánh bật những kẻ xâm lược này, bất kể họ nhận được bao nhiêu sự hỗ trợ và giúp đỡ".

Theo RT

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Gió mạnh trong cơn bão gây đổ cây, tốc mái.

Khi nào bão thành 'thảm họa'?

GD&TĐ - Có nhiều nguyên nhân khiến một cơn bão trở nên nguy hiểm và gia tăng mức độ gây thiệt hại lên đời sống của con người.

Minh họa/INT

Không thể vì không quản lý được thì cấm!

GD&TĐ - Tình trạng quản không được hoặc khó quản là cấm và cấm được coi là giải pháp nhanh và hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề là thực tế đang tồn tại...