Quá kích buồng trứng: Nỗi ám ảnh của người vô sinh

GD&TĐ - Cơ thể đáp ứng quá mức với thuốc kích thích trứng thường sử dụng trong phác đồ điều trị vô sinh là nỗi ám ảnh của người vô sinh.

Các bác sĩ Bệnh viện Từ Dũ thực hiện ca phẫu thuật với chị N. Ảnh: BVCC
Các bác sĩ Bệnh viện Từ Dũ thực hiện ca phẫu thuật với chị N. Ảnh: BVCC

Cơ thể đáp ứng quá mức với thuốc kích thích trứng thường sử dụng trong phác đồ điều trị vô sinh là nỗi ám ảnh của người vô sinh và nỗi lo của nhân viên y tế.

Phương pháp bơm tinh trùng vào buồng tử cung (IUI) là một biện pháp hỗ trợ sinh sản hiện đại, hữu ích với các cặp vợ chồng hiếm muộn. Trong đó, quá trình tiêm thuốc kích trứng IUI là một bước góp phần quan trọng vào sự thành công của liệu pháp.

Nỗi ám ảnh đáp ứng quá mức với kích trứng

Dù lập gia đình hơn một năm, nhưng chị B.T.H.N. (34 tuổi, ngụ Thủ Đức, TPHCM) chưa có “tin vui”. Hai vợ chồng chị N. quyết định thăm khám và nhờ bác sĩ can thiệp hỗ trợ. Tuy nhiên, 6 tháng canh trứng vẫn thất bại.

Tháng 3/2024, bác sĩ tiêm 5 mũi thuốc kích thích trứng để làm IUI. Kết quả, que thử thai 2 vạch và thử beta HCG máu, báo có thai. Ngày 21/3, siêu âm ghi nhận thai 5 tuần trong lòng tử cung, kích thước buồng trứng to 81x58mm và 54x44mm. Thai càng phát triển, chị N. thấy bụng căng tức.

Khi thai 8 tuần, bác sĩ cho biết, ngoài việc thai nhi phát triển bình thường thì 2 buồng trứng của chị N. có quá nhiều nang noãn phát triển làm kích thước buồng trứng 2 bên to lên bất thường (182mm x 76mm, 146mm x 69mm).

Tình hình tiếp tục tiếp diễn đến khi thai được 16 tuần, chị N. khó thở nhiều, 2 chân phù to gây hạn chế vận động, phải nhập cấp cứu Bệnh viện Từ Dũ (TPHCM). Tại đây, chị N. được theo dõi, điều trị hỗ trợ, chăm sóc dinh dưỡng tại Khoa Phụ và Khoa Hồi sức hơn 1 tuần.

Tuy nhiên, buồng trứng 2 bên tiếp tục to lên, chưa có biện pháp can thiệp giải quyết triệt để tình trạng quá kích buồng trứng. Chị N. được tư vấn xuất viện theo dõi tại nhà và tái khám mỗi tuần.

Sau khi xuất viện, chân chị N. tiếp tục sưng to, không thể vận động, nằm một chỗ và cần người thân hỗ trợ trong sinh hoạt hàng ngày. Do bụng chướng to lên tận xương ức, chị N. không thể nằm ngang bình thường được nên phải nằm đầu cao 30 độ. Sau đó tiếp tục tăng lên 45 độ và lên 60 độ và cuối cùng gần như là ngồi thở và phù toàn thân.

Ngày 6/8, ở tuần thai 25, chị N. nhập cấp cứu Bệnh viện Từ Dũ trong tình trạng khó thở dữ dội, ảnh hưởng nghiêm trọng sức khỏe mẹ và bé.

Sau 1 tuần theo dõi tại hồi sức với các biện pháp điều trị nâng đỡ và hỗ trợ dinh dưỡng, xác định không thể kéo dài, BSCKII Vương Đình Bảo Anh - Phó Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ quyết định phẫu thuật giảm áp lực ổ bụng, cắt lọc mô buồng trứng quá kích 2 bên nhằm hy vọng cải thiện tình trạng quá kích buồng trứng ở mức độ trầm trọng.

9 giờ ngày 13/8, ca phẫu thuật bắt đầu. BSCKII Bảo Anh cho biết, vào bụng, ghi nhận nhiều dịch vàng trong, hút ra hơn 10 lít. Chị N. được tiến hành cắt lọc mô buồng trứng quá kích 2 bên, sau đó may phục hồi và cầm máu kỹ buồng trứng 2 bên nhằm tránh nguy cơ xuất huyết nội trong thời gian hậu phẫu.

Ngày thứ nhất sau mổ, cơ thể chị N. tự đào thải một lượng dịch tích trữ từ rất lâu nay là 10 lít/ngày. Nghĩa là một ngày sau mổ cơ thể chị N. mất đi 20 lít dịch (10 lít dịch trong bụng và 10 lít dịch từ mô trong cơ thể). Cân nặng 65kg, sau 1 ngày, chị còn lại 45kg. Cơ thể tuy nhẹ hẳn nhưng do tình trạng nằm lâu một chỗ nên chị N. không thể ngồi dậy và vận động như bình thường.

qua-kich-buong-trung-noi-am-anh-cua-nguoi-vo-sinh-2.jpg
Bé gái con chị N. chào đời nặng 2,1 kg, hồng hào, khóc to. Ảnh: BVCC

Chế độ chăm sóc đặc biệt sau phẫu thuật

Để mẹ và bé có đủ điều kiện sức khỏe và phát triển đúng tuần thai kỳ, chị N. được quan tâm, chăm sóc đặc biệt đến chế độ dinh dưỡng, lên thực đơn đặc biệt mỗi ngày. Bên cạnh đó, do thời gian nằm lâu, cơ bị teo và yếu, chị N. phải tập vật lý trị liệu 2 lần/ngày.

Sau gần 2 tuần, sức khỏe chị N. khá hơn, có thể vận động từ từ, được chuyển ra khỏi Khoa Hồi sức về Khoa Phụ tiếp tục chăm sóc. Đáng mừng, sau mổ tình trạng quá kích buồng trứng không còn, dịch trong ổ bụng không có, kích thước buồng trứng trở về như bình thường. Tình trạng khó thở chấm dứt, chân hết phù, toàn thân trở nên nhẹ nhàng.

Ngày 4/9, sau mổ 4 tuần, chị N. hồi phục sức khỏe gần như bình thường, được xuất viện và hẹn tái khám thai định kỳ. Tái khám sau 2 tuần, cơ thể chị N., không lên cân, thai bắt đầu có tình trạng chậm tăng trưởng trong tử cung. Tình trạng này do ảnh hưởng quá kích buồng trứng kéo dài gây rối loạn dinh dưỡng khó hồi phục.

Chị được tư vấn chế độ dinh dưỡng, theo dõi sát tình trạng thai máy, tái khám mỗi tuần. Kéo dài thai thêm 4 tuần, tình trạng thai suy dinh dưỡng trong tử cung của bé ngày càng nặng. Ngày 23/10, thai 36 tuần 3 ngày, chị N. được chỉ định nhập viện mổ lấy thai vi khung chậu hẹp, thai chậm tăng trưởng nặng trong tử cung - mẹ suy kiệt.

Mỗi một em bé chào đời đều có một con đường đến với cuộc sống này rất khác nhau và có một sứ mệnh cho riêng mình. 14 giờ ngày 24/10, sau hành trình 8 tháng ròng rã, vật vã chống chọi với bệnh tật, gia đình chị N. cùng ê-kíp phẫu thuật Bệnh viện Từ Dũ chào đón một bé gái nặng 2,1kg chào đời khỏe mạnh, khóc to, hồng hào.

Bé được bác sĩ sơ sinh hồi sức, khám bé, chuyển khoa sơ sinh theo dõi tiếp. Sau 2 ngày, bé ổn định hô hấp, tim mạch và tự bú tốt nên được đưa về với mẹ. Đối với chị N., sau 2 ngày, vết mổ khô sạch, không đau, không sốt, vận động, đi lại, ăn uống bình thường. Ngày 1/11, người mẹ được xuất viện. Được biết, từ trước đến nay, Bệnh viện Từ Dũ gặp các ca quá kích buồng trứng nhiều, ở đủ mức độ nhưng đây là ca đầu tiên bệnh viện phải thực hiện phẫu thuật.

Thuốc kích rụng trứng sử dụng liệu pháp hormone để kích thích sự phát triển và giải phóng trứng, hay còn gọi là rụng trứng. Trong lịch sử, những loại thuốc này được thiết kế để kích thích rụng trứng ở những phụ nữ không tự rụng trứng - điển hình là những phụ nữ có chu kỳ kinh nguyệt không đều. Mục tiêu là tạo ra một quả trứng khỏe mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ